Trần Văn Cẩn là một trong những họa sĩ hàng đầu đã mang đến cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc. Được đào tạo bài bản trong một ngôi trường danh tiếng – Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được nuôi dưỡng bởi một nguồn mạch văn hóa mỹ thuật phong phú của dân tộc, với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, Trần Văn Cẩn đã trở thành một trong “bộ tứ danh họa” hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Em Thúy” của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, chính là tác phẩm thành công nhất của ông và đưa tên tuổi của ông trở thành họa sĩ hàng đầu Việt Nam.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn sinh ngày 13-8-1910 tại thành phố Hải Phòng, nhưng ông sống và làm việc chủ yếu tại Hà Nội.
Trần Văn Cẩn xếp hạng nổi tiếng thứ 34180 trên thế giới và thứ 90 trong danh sách Họa sĩ nổi tiếng.
Tác phẩm “Em Thúy” được hoàn thành năm 1943 với khuôn khổ 60×40 cm tính đến nay đã gần thế kỷ nhưng vẫn được đánh giá là một tác phẩm lớn, của một danh họa lớn gây ấn tượng mạnh với người xem. Gương mặt và tâm hồn ngây thơ hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ đã được hoạ sĩ khắc họa thành công.
“Em Thúy” mặc bộ quần áo màu trắng ngồi tự nhiên trên chiếc ghế mây. Bờ vai nhỏ nhắn, hai bàn tay đan nhẹ vào nhau, hai cánh tay gầy thả tự nhiên trên đùi, đôi mắt mở to, trong sáng trên khuôn mặt bầu bĩnh, mũi thẳng, miệng tươi xinh. Mọi chi tiết làm toát lên vẻ hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng pha chút ngỡ ngàng của tuổi thơ. Khuôn mặt tươi sáng là điểm nhấn của bức tranh. Bằng lối đặc tả tuổi thơ đầy sức sống trên gương mặt cùng các nét nhấn khẳng định hình khối của đôi tay và cơ thể, người xem cảm nhận được tình cảm của tác giả đối với tuổi thơ Việt Nam. Người xem nhận thấy ông như muốn nâng niu, bảo vệ sự trong sáng hồn nhiên của con trẻ, không muốn bất cứ điều gì làm vẩn đục tâm hồn thơ ngây ấy.
Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, bố của họa sĩ Trần Văn Cẩn là một nhân viên bưu điện, ông được gia đình cho ăn học tử tế. Thuở thiếu thời chịu ảnh hưởng chất nghệ thuật từ mẹ của mình, vốn là một nghệ nhân làm nghề thủ công nặn tò he và đèn giấy bằng nan tre, và người cậu chuyên nghề vẽ đèn giấy, ông sớm có biểu lộ năng khiếu và sự ham thích với ngành hội họa. Sự ham thích này được thân phụ ông tán thành.
Được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn.
Tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936) với bức sơn mài Tiễn anh khóa đi thi Hương, nhưng phải đến các tác phẩm Em Thúy – sơn dầu, mới thực sự đưa Trần Văn Cẩn nổi danh như một hoạ sĩ bậc thầy trong thế hệ vàng của nền Mỹ thuật Việt Nam – người có công đặt nền móng và dẫn dắt mỹ thuật nước nhà với những bức họa đẹp, có giá trị mỹ thuật cao hiện vẫn được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài thời gian đi sáng tác, họa sĩ thường sống với gia đình người họ hàng tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Trong gia đình, ông quý nhất người cháu gái tên là Minh Thúy, vì vậy họa sĩ đã vẽ tặng người cháu một bức chân dung vào năm 1943 với tựa đề đơn giản, Em Thúy, khi đó Minh Thúy lên 8 tuổi.
Có thể nói, Trần Văn Cẩn là họa sĩ có một bút pháp riêng với dấu ấn cá nhân đậm nét trong tác phẩm của ông. Tranh của ông luôn có hình ảnh thiếu nữ và hoa bởi đó là những hình ảnh gần gũi và đặc trưng của cái đẹp. Ông cũng là một trong số ít các họa sĩ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, nhiều thể loại, và thể loại nào cũng có tác phẩm thành công. Ông cũng là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc thể nghiệm, sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, đưa sơn mài thành một chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng nghệ thuật của hội họa dân tộc Việt Nam.
Lucas Lương