Có tồn tại nhiều hình thức khác nữa của cuộc sống ngoài cái mà chúng ta nhìn được bằng cặp mắt của mình? Thực tế, người ta tìm thấy một số hiện tượng dường như đi ra ngoài lẽ thông thường, như hiện tượng nhục thân còn nguyên vẹn của các thiền sự tọa hóa (viên tịch khi đang ngồi thiền), tới vài trăm năm, cả nghìn năm, vẫn được bảo tồn đặc biệt tốt không cần hóa chất bảo quản…
Câu chuyện hai thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh – Chùa Đậu, huyện Thường Tín, Hà Nội
Chuyện kể rằng, khoảng thế kỷ XVII, vào một ngày nọ, thiền sư Vũ Khắc Minh (mà nhân dân trong vùng quen gọi ngài là cụ sư Rau – nhà sư thường chỉ ăn rau trừ bữa) bước vào trong am và nói với các đệ tử rằng: “Mang cho ta một chum nước uống và một chum dầu để thắp.
Khi nào thấy dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thi thể của ta đã hỏng, thì dùng đất lấp am đi, còn ngược lại thì dùng sơn ta bả lên thi thể...”.
Dứt lời, cụ bước vào am tọa thiền và chỉ còn nghe vẳng ra tiếng mõ tụng kinh suốt ngày này qua ngày khác.
Tháp Chuông chùa Đậu thời cũ kỹ và rêu phong (Ảnh dẫn từ: phatgiao.org.vn)
Tròn trăm ngày, các đệ tử không nghe thấy tiếng mõ nữa, vội mở cửa am ra thì thấy ngài vẫn ngồi đấy như đang trong lúc tọa thiền.
Hai chân xếp vào nhau đúng tư thế thiền định, còn hai tay hơi bị xệ xuống.
Thiền sư Vũ Khắc Minh viên tịch trong thế xếp bằng kiết già (hai chân xếp chéo vào nhau đúng tư thế thiền định), còn hai tay hơi bị xệ xuống. (Ảnh dẫn từ: giacngo.vn)
Nhớ lời thầy dặn, họ vội lấy sơn ta bả lên thi hài.
Cũng theo lời kể lại, vào khoảng hơn 10 năm sau, đại sư Vũ Khắc Trường dường như biết trước được số mệnh của mình đã hết, ngài cũng vào am gõ mõ tụng kinh rồi hóa một cách lạ lùng như vậy.
Câu chuyện về hai vị thiền sư nổi tiếng Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường sau 100 ngày không ăn, không ngủ, dù linh hồn đã lên cõi Phật, song còn để lại nhân gian một thân thể bất hoại, còn gọi là “xá lợi toàn thân”, được lưu truyền đời này qua đời khác.
Người dân ở làng Gia Phúc ai cũng biết và kể chuyện này. Những vị sư trụ trì chùa Đậu cũng nắm rõ truyền thuyết và kể lại cho người viếng chùa nghe.
Tấm bia cổ ghi lịch sử chùa Đậu. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Năm 1983, Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán bộ, chủ trì là nhà khảo cổ, hiện nay PGS.TS Nguyễn Lân Cường, về chùa Đậu kiểm tra sự xuống cấp của cái gác chuông.
Tháp Chuông chùa Đậu (Ảnh dẫn từ quehuongonline.vn)
Sau khi đi một vòng quan sát những di sản, hiện vật quý của chùa Đậu, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đứng rất lâu trước một chiếc am thờ bên cạnh chùa.
Ông Cường xúc động nhớ lại giây phút đặc biệt đó:
“Tôi đã đứng lặng người rất lâu trước chiếc am nhỏ bên phải chùa. Thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi đó, phía sau mành, đôi mắt lim dim như đang suy tư về cõi Phật”.
Am chứa nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Phía bên phải chùa cũng có một chiếc am nữa. Bên trong tháp cũng có một vị thiền sư và theo trụ trì chùa, đó là nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường, mà theo kể lại là cháu của thiền sư Vũ Khắc Minh.
Như bị pho tượng kỳ lạ hút hồn, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đã tiến lại vén mành. Ông phát hiện ra vết nứt trên trán pho tượng.
Qua vết nứt rất nhỏ, chỉ chừng 0,2cm, ông nhìn rõ xương sọ. Như vậy, ông chắc chắn bên trong pho tượng này chứa hài cốt người, chỉ có điều đây là hình thức táng nào thì khi đó còn phải nghiên cứu kỹ mới có được câu trả lời.
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Thế là, nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh được đưa về phòng chụp X-quang của Bệnh viện Bạch Mai.
Qua các phim chụp, “nhà xương học” hàng đầu Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi không phát hiện được vết đục nào trên hộp sọ.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (ở giữa) cùng các chuyên gia bên nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh (Ảnh dẫn từ talkvietnam.org)
Qua các tài liệu khoa học nghiên cứu về ướp xác, đặc biệt là các xác ướp nổi tiếng của Ai Cập, những nhà chuyên môn biết rằng, để ướp được xác, người ta thường đục thủng phần xương lá mía và nền sọ hoặc đỉnh sọ để lấy não. Sau đó, người ta độn vải hoặc những chất bảo quản vào trong xương sọ.
Thiền sư Vũ Khắc Minh viên tịch trong tư thế kiết già. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Từ việc không có vết đục ở sọ, nhà khoa học Nguyễn Lân Cường khẳng định rằng, não của thiền sư Vũ Khắc Minh đã không bị lấy ra khỏi cơ thể.
Nhưng liệu có phải các đệ tử đã dựng một pho tượng rỗng, rồi sắp xếp xương cốt của vị thiền sư này vào trong bụng pho tượng? Câu trả lời là không.
“Nhà xương học” Nguyễn Lân Cường khẳng định chắc chắn: “Qua những thước phim chiếu chụp, kể cả quá trình tu bổ pho tượng, chúng tôi đã không tìm được bất kỳ một vật liệu nào như chất kết dính, dây, giá đỡ… để cố định và đỡ xương. Các xương cũng đều nằm đúng vị trí giải phẫu học”.
Thiền sư Vũ Khắc Trường (bên trái) vẫn hở xương chân khi chưa tu bổ xong. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, chiếu chụp, không tìm thấy chất kết dính, chuyên gia Nguyễn Lân Cường đã khẳng định với toàn thể thế giới rằng, ông đã phát hiện ra một hình thức táng mới ở Việt Nam.
Ông đặt tên cho hình thức táng này là tượng táng hoặc thiền táng. Từ đấy, giới khoa học gọi nhục thân của các vị thiền sư ở Việt Nam là tượng táng, riêng nhà Phật thì thích cách gọi thiền táng hơn.
Sau này, khi nghiên cứu rộng ra toàn thế giới, PGS Nguyễn Lân Cường mới biết rằng, phương thức táng này cũng có ở Trung Quốc, mà cụ thể là di hài Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713). Hiện nhục thân vẫn còn đến hôm nay và được để ở chùa Hoa Nam (huyện Thiều Quang, Quảng Đông).
PGS Nguyễn Lân Cường vẫn chưa trả lời được rất nhiều bí mật liên quan đến nhục thân các vị thiền sư. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Những thiền sư trong lịch sử để lại xá lợi toàn thân mà chính sử ghi chép
Trong các tài liệu chính sử của Việt Nam cũng ghi chép về việc Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, thiền sư Giác Hải để lại xá lợi toàn thân sau khi tọa hóa. Tuy nhiên, trải qua binh biến, giặc dã, hiện xá lợi toàn thân của những tổ sư này không còn nữa.
Để tìm được câu trả lời về cách thiền táng này, PGS Nguyễn Lân Cường đã cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu nhiều năm ròng. Việc tìm hiểu việc có hay không chất liệu để bảo quản nhục thân nguyên vẹn được các nhà khoa học đặc biệt chú ý.
Các nhà khoa học đã tìm ra chất liệu làm tượng giữ thi hài thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường khá đơn giản, gồm sơn ta, đất tổ mối, mùn cưa, giấy bản…Đó đều là những vật liệu bồi tượng thông thường, không phải những chất bảo quản mà chỉ là những vật liệu định hình tượng đơn giản.
PGS. Nguyễn Lân Cường phát hiện ra rằng, kỹ thuật làm chất bồi để dựng tượng các thiền sư cũng giống như cách tạo hoành phi, câu đối ở các đình chùa nước ta.
Cây sơn – loại vật liệu chính làm tượng táng. (Ảnh dẫn từ giacngo.vn)
Khám phá được chất liệu làm tượng táng, đúng 20 năm sau ngày phát hiện ra hai pho tượng chứa nhục thân bất hoại, năm 2003, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đã cùng các nghệ nhân, họa sĩ đã tiến hành tu bổ hai pho tượng chứa xá lợi toàn thân này.
Hiện tại, hai vị thiền sư đầy huyền thoại đã được tu bổ thành công và yên vị trong ngôi nhà tổ và được bảo quản kỹ càng trong tủ kính.
Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết – Chùa Phật Tích, Huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Vườn Tháp cổ kính chùa Phật Tích
Trong cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân các thiền sư” của PGS.TS Nguyễn Lân Cường có đề cập rất rõ ràng từ việc phát hiện cho tới phục dựng lại “nhục thân” của vị thiền sư Chuyết Chuyết.
Ông họ Lý, pháp danh là Viên Văn. Năm 1634, ngài trở thành trụ trì chùa Phật Tích, đến năm 1642.
Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục dựng. (Ảnh dẫn từ bouddhismtoday.com)
Sau khi ngài viên tịch, một đệ tử đã cất giữ nhục thân của ngài vào nhà thờ tổ chùa Bút Tháp và vận động các phật tử xây tháp Báo Nghiêm để thờ vọng ngài.
Năm 1989, người ta phát hiện nhục thân của ngài trong tháp Báo Nghiêm và nhóm của PGS Lân Cường đã phục chế lại.
Đến ngày 06.05.1993, hàng nghìn người khắp nơi đã về chùa Phật Tích để nghinh đón thiền sư Chuyết Chuyết.
Các phật tử rước nhục thân thiền sư vào bệ cao nhất của nhà Tổ. Mười sáu năm đã trôi qua, di cốt của thiền sư Chuyết Chuyết vẫn bóng nước sơn đã trở về với hình dáng ban đầu.
Thiền sư Như Trí – Chùa Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh
Nhà tổ chùa Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh
Như duyên trời, một ngày cách nay 60 năm, khi nhà chùa dọn cỏ ở tháp Viên Tuệ, thì một viên gạch rơi ra. Nhà chùa cầm viên gạch ghép lại chỗ cũ, thì phát hiện thấy dòng chữ in trên viên gạch: Hòa thượng Như Trí, viên tịch năm 1723 (Bảo Thái năm thứ tư triều Lê Dục Tông).
Thiền sư Như Trí được phát hiện tình cờ bởi một ni sư. (Ảnh dẫn từ 24h.com.vn)
Qua khe hở do viên gạch rơi ra, ni sư tên Đàm Chính ghé mắt nhìn vào và giật mình suýt ngã khi thấy rõ ràng một xác người đang ngồi thiền trong tháp. Đó chính là “nhục thân” của nhà sư Như Trí.
Theo các tài liệu còn lưu lại ở chùa, thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên và là người cho khắc in lại bộ Thiền Uyển Tập Anh.
Khuôn viên chùa Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh
Theo ni sư Đàm Chính, nếu không có sự kiện một người chăn trâu mò lên tháp tìm của quý, chọc thủng pho tượng thiền sư Như Trí, thì ni sư quyết đem bí mật về pho tượng kia xuống suối vàng.
Nhục thân của ngài đã bị phá hoại bởi một người chăn trâu. (Ảnh dẫn từ vtcnews)
Cũng chính PGS.TS Nguyễn Lân Cường là người đã trực tiếp phục dựng lại pho tượng nhục thân của thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu.
Điều vô cùng ngạc nhiên với TS. Nguyễn Lân Cường khi tu bổ pho tượng táng này, đó là ông đã phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm trong bụng thiền sư Như Trí.
Ông Cường khẳng định: “Tượng được phủ kín bằng lớp bồi, phía dưới lại có đáy gốm hình tòa sen, do đó, khối vật chất này không thể lọt vào ổ bụng được”.
Tin chắc khối vật chất này chính là nội tạng của thiền sư Như Trí, song ông Cường và các nhà khoa học vẫn lấy mẫu chuyển đến Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia để phân tích.
Đúng như dự đoán, kết quả phân tích hóa học cho thấy, hợp chất lấy từ bụng thiền sư Như Trí chính là các chất còn lại của phần phủ tạng.
Với sự xâm hại nghiêm trọng của thời tiết, vi khuẩn, côn trùng hàng mấy trăm năm, lẽ ra toàn thể nhục thân của ngài đã phải về với cát bụi, thế nhưng, vì sao ngài vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí cả khối vật chất của phủ tạng cũng vẫn còn nguyên vẹn? Tại sao như vậy?
Việc tu bổ pho tượng táng nhục thân thiền sư Như Trí đã hoàn thành từ năm 2004. Thiền sư đã trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và tiếp tục “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ với sự bảo quản vô cùng kỹ lưỡng của khoa học hiện đại.
Thiền sư đã trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và tiếp tục “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ (Ảnh dẫn từ chuathaibinh.vn)
Nhục thân bất hoại một nghìn năm không có chất bảo quản.
Thiền sư Từ Hiền được biết đến là người đã dịch mười bộ kinh sách từ tiếng Phạn cổ sang tiếng Trung Quốc; Một số bộ kinh được khắc trên đá và vẫn có thể được nhìn thấy ngày hôm nay.
Trong đời, thiền sư Từ Hiền đã đi từ Ấn Độ đến vương quốc Khitan (khu vực bây giờ ở Đông Bắc Trung Quốc) để truyền bá Phật giáo. Ở đó, ông được nhà vua tôn là quốc sư của Khitan.
Nhục thân của ông, cổ xưa 1000 năm tuổi, được tượng táng bằng vàng, mới đây đã được tìm thấy với một bộ xương “trong trạng thái hoàn toàn tốt” cũng như một bộ não nguyên vẹn, theo kết quả chụp cắt lớp CT scan hôm 8 tháng 7 2017, với sự hiện diện của các bác sĩ, giới truyền thông cũng như các nhà sư.
(Ảnh dẫn từ Epoch Times France)
(Ảnh dẫn từ Epoch Times France)
Ảnh chụp CT xương sọ thiền sư Từ Hiền qua 1000 năm vẫn không suy xuyển…
Theo bác sĩ Võ Vĩnh Khánh “Chúng ta có thể nhìn thấy xương của nhục thân trong trạng thái tốt như của một người bình thường”.
“Khuôn mặt, hàm răng, xương sườn, xương sống và tất cả các khớp đều nguyên vẹn“.
“Thật ngạc nhiên khi thấy điều đó“.
Bộ não của thiền sư Ci vẫn được bảo tồn khá tốt.
(Ảnh dẫn từ Epoch Times France)
Theo sư trụ trì Đỗ của chùa Định Huệ, các đại sư có khả năng cảm nhận được thời điểm từ giã cõi đời của mình, và họ sẽ nói với các đệ tử ước nguyện được giữ thân xác hay không.
(Ảnh dẫn từ Epoch Times France)
Thi hài của thiền sư hiện đã được đặt thờ cúng tại chùa Định Huệ ở Vũ Hán từ năm 2011.
(Ảnh dẫn từ Epoch Times France)
Lý giải vì sao có nhục thân bất hoại, hay xá lợi toàn thân của các vị thiền sư đắc đạo
Xá lợi toàn thân, hay nhục thân bất hoại, không cần chất bảo quản, chỉ có tồn tại ở các thiền sư đã tu luyện đắc đạo. Đối với người thông thường, muốn giữ thân xác đều phải bỏ nội tạng, não, và dùng các hợp chất ướp xác để bảo quản phần mô thịt mềm và xương, như trường hợp các xác ướp Ai Cập cổ đại…
Vậy vì sao những vị thiền sư tu luyện đắc đạo lại để lại được xá lợi, hay một thân thể bất hoại sau khi linh hồn đã hóa về cõi trời? Khoa học hiện đại hiện nay vẫn chưa có lời giải thích. Tuy nhiên, với giới tu luyện thì đó là điều họ giải thích được.
Giới tu luyện có lý giải rằng, khi đã tu hành đắc đạo, thân thể của các thiền sư không còn giống như thân thể người bình thường nữa, thân thể đó đã chuyển hóa thành một loại vật chất cao năng lượng không bị hủy hoại ở không gian này. Các vật chất cao năng lượng đó trong quá trình thiền định và tu luyện đã chuyển hóa dần dần và thay thế dần các tế bào nhục thân thông thường, tới cuối cùng là toàn bộ thay bằng vật chất cao năng lượng không bị hủy hoại. Với một thân thể bề mặt trông vẫn như vậy, nhưng bản chất bên trong đã đổi khác. Khi nghiên cứu phân tích xá lợi, người ta đều thấy đó không phải là một vật chất thông thường nữa…
Thay lời kết: Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn
Các vị thiền sư đắc đạo đã bay lên cõi trời cao hẳn sẽ vẫn rất hài lòng khi nhục thân bất hoại của mình được các thế hệ đời sau tu bổ, phục dựng, và đặt lại đúng ở vị trí trang nghiêm tôn kính, đó chẳng phải là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã trải qua ngàn đời của dân tộc Việt vẫn còn hiện hữu đó sao?
Hoàng Lâm – Hà Phương Linh
Xem thêm: