Cố Khải Chi, tự là Trường Khang, xuất thân từ một gia đình sĩ tộc (quân nhân), có rất nhiều tài nghệ, rất giỏi về thư pháp, đặc biệt tinh thông hội họa. Bởi sự đa dạng về tài năng mà người ta thường nói ông có “tam tuyệt”: “Tài tuyệt, họa tuyệt, si tuyệt”. Ông cùng Tào Bất Hưng, Lục Tham Vi, Trương Tăng Diêu hợp xưng làm “Lục Triêu tứ đại gia”.
1. Tài tuyệt
Cố Khải Chi từ khi còn rất nhỏ đã rất siêng năng đọc sách làm thơ, vì thế mà rất thông thái. Nói về tài năng văn chương, Cố Khải Chi rất có thành tựu, tác phẩm của ong có 3 cuốn “Khải Mông ký“, ngoài ra còn khoảng 20 cuốn tập, nhưng đáng tiếc là đều bị lạc mất. Ông còn viết rất nhiều bài thơ lưu truyền hậu thế như “Phong phú“, “Quan đào phú“, “Tranh phú“, “Tứ thì thi“, “Hổ khâu sơn tự” v.v. Ngoài ra ông còn để lại một số những đoạn văn chương dang dở, trải qua ngàn năm mà lưu truyền đến nay. Tỷ như bài thơ “Thanh Phú“, ông tự nhận có thể so sánh với bài thơ “Cầm Phú” của Kê Khang.
Trong một đoạn thời gian, ngôn ngữ thơ văn của ông còn ngấm vào cả những đối thoại hàng ngày với mọi người. Có một lần ông đi du ngoạn, khi ông trở về mọi người đều hỏi cảnh sắc thế nào, ông đáp: “Thiên nham cạnh tú, vạn hác tranh lưu. Thảo mộc mông lung kỳ thượng, nhược vân chưng hà úy” (Ngàn ngọn núi thi nhau vươn mình, vạn khe suối tranh nhau đưa nước, cây cỏ lấp ló, trời quang mây tạnh), ý tứ trong vần điệu của ông vừa phong phú, sống động lại tràn đầy thi tình họa ý.
Cố Khải Chi trên phương diện lý luận hội họa cũng có những thành tựu đáng kể, ông có ba cuốn sách về lý luận hội hoa như “Luận hoa“, “Ngụy Tấn thẳng lưu họa tán” và “Họa vân thai sơn ký“. Trong đó có những luận điểm về “dĩ hình tả thần” (vẽ ngoại hình mà thể hiện được thần thái) có ảnh hưởng rất sâu sắc với các thế hệ sau này.
2. Họa tuyệt
Hậu nhân bình luận về những bức tranh của ông như sau: “Ý tồn bút tiên, họa tẫn ý tại” (Ý tồn tại trong nét bút, bức họa vừa ra đã có ý ở đó), “Bút tích chu mật, khẩn kính liên miên như xuân tàm thổ ti” (nét bút tỉ mỉ chặt chẽ, mạnh mẽ như tằm phun tơ). Thời Đường, Trương Hoài Quán đối với tranh vẽ của ông có những đánh giá rất cao, rằng: “”Trương Tăng Diêu đắc kỳ nhục, Lục Thám Vi đắc kỳ cốt, Cố Khải Chi đắc kỳ thần“.
Theo “Thế thuyết tân ngữ – Xảo nghệ” ghi lại, khi ông vẽ tranh chân dung cho Bùi Khải (danh sĩ thời Lưỡng Tấn), cố ý họa trên gò má ba sợi lông. Có người hỏi ông tại sao lại vẽ như vậy, ông nói: “Bùi giai tuấn tú cởi mở, rất có tài trí, vẽ thế này mới thể hiện được sự tài trí ấy”. Những người xem bức tranh này đều cẩn thận nhìn lại, cảm giác ba chiếc lông này khiến chân dung thực sự trở nên sống động hơn rất nhiều.
Bức “Nữ sử châm đồ”
“Nữ sử châm đồ” là do Cố Khải Chi dựa theo “Nữ sử châm” mà vẽ. “Nữ sử châm” được xây dựng bởi Trương Hoa nhà Tây Tấn, nội dung bức tranh dùng để giáo dục người phụ nữ trong cung đình cần phải có những tác phong và thái độ gì. Ở trong “Nữ sử châm đồ”, Cố Khải Chi đã miêu tả một loạt các nhân vật, chẳng những dáng vẻ hết sức ưu nhã lay động lòng người, mà còn khiến cho hậu nhân hình dung được phụ nữ cung đình mang trang phục trang sức và phong thái uy nghi như thế nào.
Cổ nhân rất khen ngợi việc sử dụng bút pháp của Cố Khải Chi, việc để nguyên nếp gấp trang phục và đường cong khi phác họa nhân vật “như tằm nhả tơ”, “mây mùa xuân bay trong không trung, nước chảy róc rách”. Ở “Nữ sử châm đồ”, ta có thể thấy được những tuyến đường liên tục không đứt, hàm chứa tiết tấu mạch lạc trong cảm giác. Đây là lý do vì sao danh tiếng của bức “Nữ sử châm đồ” có thể kéo dài hàng ngàn năm.
Bức “Lạc thần phú đồ”
“Lạc thần phú đồ” là một tác phẩm dựa trên một bài thơ thần thoại đầy thương cảm về mất mát trong tình yêu của thi nhân Tào Thực – “Lạc thần phú” – mà họa thành tác phẩm kiệt xuất.
“Lạc thần phú” là một tác phẩm trọng yếu trong văn học cổ đại Trung Hoa. Nội dung nói về Tào Thực đem lòng yêu một nữ tử tên là Chân thị, nhưng bị người anh Tào Phi đoạt mất, sau đó khi Chân thị chết, Tào Phi đem ngọc nhũ điêu khắc còn sót lại của Chân thị mang cho Tào Thực. Tào Thực khi trở về hồi ức lại quá trình ông đã trải qua, ban đêm mơ thấy Chân thị tới và trở thành một vị thần bay về trời, đau buồn làm một bài “Cảm Chân phú”. Sau đó con trai của Chân thị là Tào Duệ mới đem nó đổi tên thành “Lạc thần phú”,
“Lạc thần phú đồ” đã từng được rất nhiều họa sĩ cổ đại vẽ chép lại, hơn nữa có rất nhiều bức họa thời Tống được cho là giống y bản gốc của Cố Khải Chi. Bảo tàng Cố Cung Đài Loan hiện đang giữ hai cuốn trong đó.
Bức “Liệt nữ đồ”
“Liệt nữ đồ” hay còn được gọi là “Liệt nữ nhân trí đồ”, qua đó Cố Khải Chi truyển tải lại câu chuyện về “Liệt nữ truyện – Nhân trí cuốn” của học giả nổi tiếng Lưu Hướng. Hiện nay còn tồn tại là bản vẽ lại từ thời nhà Tống, trong bức tranh có 28 nhân vật, sử dụng phương pháp bố trí ngang hàng. Khi Cố Khải Chi vẽ bức họa này, ông đặc biệt chú ý đến y phục để tả dáng người uyển chuyển của người phụ nữ, lấy những hình ảnh tung bay của tà áo thể hiện sự duyên dáng ung dung khí khái.
Về màu sắc được bố trí trong cuộn tranh, lấy màu đậm điểm xuyết, không nhuộm hay phủ lên toàn bộ, chủ yếu bổ sung lên nét mặt của nhân vật, khiến các nhân vật được tạo ra đều có thần thái, thậm chí xuất thần. Cuốn tranh này còn có một đặc điểm, đó là bảo tồn được cách ăn mặc trong triều đại nhà Hán, như đàn ông đội hiền quan, khoác áo bào dài với tay áo cong, eo có mang theo một thanh kiếm; phụ nữ búi tóc, mặc ý phục khá dày vóc người nhỏ nhắn thướt tha.
3. Si tuyệt
Những gì đã trải qua trong đường đời của Cố Khải Chi, không có nhiều người biết đến, họ chỉ biết trước đây ông từng đảm nhiệm chức quan dưới tướng quân Hoàn Ôn, ngoài ra ông thường xuyên qua lại với con trai của Hoàn Ôn. Ông qua đời vào tuổi 62. Từ giai thoại về Cố Khải Chi, chúng ta có thể thấy rằng ông là một người thắng thắn, đơn thuần, lạc quan, chân thành. Chữ “si” ở đây mang nghĩa đần độn, ngu si. Có một vài câu chuyện cổ đại được lưu truyền xuống về “si tuyệt” của ông như sau:
Diệu họa hữu linh, biến hóa nhi khứ
Theo truyền thuyết, một năm vào mùa xuân, Cố Khải Chi muốn đi xa, vì thế mà ông đem tất cả những họa phẩm ông tâm đắc cất trong một chiếc tủ, dùng giấy đóng kín, đề chữ bên trên, giao nó cho Hoàn Huyền (con trai của tướng quân Hoàn Ôn) trông nom. Hoàn Huyền sau khi nhận được tủ, len lén đem mở tủ ra, nhìn thoáng qua đã biết đây đều là đặc sắc họa phẩm, bèn lấy hết những bức họa ra, sau đó lại đóng cái tủ trống không lại. Hai tháng sau, Khải Chi trở về, Hoàn Huyền đem tủ trả lại cho ông, lại nói “Trả lại người, tôi chưa hề đụng tới.” Sau khi đem tủ trở về nhà, ông liền mở tủ ra xem, đến một bức họa cũng không có. Cố Khải Chi thở dài nói: “Hay là tranh vẽ có linh, biến đi mất, giống như người hóa lên tiên, thật là khéo!”
Bảo vật có thể ẩn thân
Có một lần, Hoàn Huyên đem một lá liễu đến và nói rằng đây là bảo vật có thể ẩn thân, những con vẽ dùng để giấu thân, nếu người cầm vào nó, dán lên trên trán, người khác sẽ không nhìn thấy ngươi! Hoàn Huyên muốn thử Khải Chi một chút. Khải Chi nhận lấy trong tay, dán ngay lên trên trán mình, không lâu sau, Hoàn huyên cố tình đứng trước mắt Khải Chi đi tiểu, còn luôn miệng bảo vật này thật nhạy, hắn cố tình nói rằng không nhìn thấy Khải Chi. Khải Chi không những không trách hắn, lại còn tin tưởng Hoàn Huyên không nhìn thấy thật, ông liền coi lá liễu như một bảo vật.
Công lực “điểm mắt thành thần”
Người ta nói rằng năm ấy Khải Chi mới 20 tuổi, kinh thành muốn xây dựng một ngôi chùa lớn, mời những thân sĩ địa phương tới quyên góp tiền. Lúc ấy, nhiều nhất cũng chỉ quyên được một vạn lượng, không ngờ khi Cố Khải Chi tới đề cam kết, con số quyên góp đã lên đến một trăm vạn lương. Rất nhiều người cảm thấy nhất định là ông nói đùa, nhưng ông không để tâm, chỉ yên lặng trong miếu vẽ lên bức tường một hình nữ thần, nhưng ông không vẽ mắt cho nữ thần này, rồi ông nói với trụ trì rằng: “Năm ngày sau ta sẽ lên điểm mắt cho nữ thần, người nào muốn xem bắt buộc phải quyên 1 vạn lượng”.
Đến ngày đó, quả nhiên có nhiều vị đạt quan tới xem Cố Khải Chi điểm mắt. Chỉ thấy Cố Khải Chi nhẹ nhàng đưa bút một chút, nữ thần trên bức tường lập tức phát ra cử động cùng ánh sáng lung linh, người tới xem xúm quanh, rối rít quỳ lạy trên đất, liên tiếp quyên góp xây chùa. Công lực điểm mắt cho tranh của Cố Khải Chi đích thị có thật, mọi người đều bội phục sát đất (Theo Tấn sách). Từ đây, công phu điểm mắt của Cố Khải Chi nổi danh, công lực này của ông cũng giống như Trương Tăng Diêu “vẽ rồng điểm mắt” vậy, những cố nhân xa xưa tại sao lại có khả năng đó, đến giờ vẫn không ai có thể giải thích nổi.
Truyền thuyết Cố Khải Chi lúc về già, ông vẽ chân dung người đều luôn không vẽ mắt, mọi người đều hỏi ông tai sao, ông chỉ trả lời: “Không điểm, không điểm, hình tượng này mà điểm mắt, lập tức sẽ động miệng mở mắt nói chuyện!”
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch
Clip hay: