Đạo Trời công minh, công tội phân minh…
“Hiếu” và “Dâm” là hai hành vi biểu hiện của thiện và ác. Người xưa quan niệm, “trên đầu ba thước có thần linh”, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi thiện và ác của mình. Bởi thế mới có câu tục ngữ “Bách thiện hiếu vi tiên” và “Vạn ác dâm vi thủ” (trong trăm cái thiện thì hiếu thảo là việc tốt đẹp nhất, trong vạn cái ác thì tà dâm là chuyện đồi bại nhất).
Vậy nếu một người vừa hiếu thảo lại đồng thời phạm tội tà dâm, thì sẽ bị giáng tội và ban phúc như thế nào? Đây liệu có phải là việc khó giải quyết với Thần Phật. Dưới đây là câu chuyện của một vị quan huyện, nhờ nhân duyên mà vô tình nghe được cuộc đối thoại và nhìn nhận khác nhau về vấn đề này cả Thần và ghi chép lại.
Chuyện rằng, có vị quan huyện vì việc công gấp gáp nên tranh thủ ban đêm đi ngựa tới Trương Gia Khẩu. Vì đêm tối nên mất phương hướng và lạc đường, nên vào miếu Thành hoàng bên đường trú tạm qua đêm. Một lát sau, bỗng nghe bên ngoài có tiếng ồn ào bèn ngồi dậy ngó ra ngoài xem. Chỉ thấy bên ngoài đèn đuốc sáng lấp lánh, từ xa vọng lại tiếng như sắp có một đoàn người ngựa tới miếu.
Cũng may, đây là vị quan am hiểu, biết rằng đây có lẽ không phải đoàn người ngựa bình thường, nên chui vào góc hành lang của miếu ngồi nghe ngóng. Vừa lúc đó, bên ngoài có một đoàn người ăn mặc kiểu cổ xưa tiến vào miếu, những người đứng bên trái dường như là Thành hoàng, có bốn năm vị đứng giữa nhìn trang phục khác biệt không biết đó là Thần gì. Lại thấy có mấy vị quan tay cầm cuốn sổ ghi chép bày lên án. Các chư Thần bắt đầu đọc tên và kiểm tra từng người một. Vị quan huyện lập tức vểnh tai lên và chăm trú lắng nghe họ đang nói gì. Hóa ra, các vị Thần đang kiểm tra những việc thiện ác ở một địa phương nào đó.
Một vị thần cất giọng trầm hùng: “Cô tiểu Lan ở thôn thượng phụng dưỡng mẹ chồng chỉ cho có trách nhiệm, làm được phần hiếu nhưng không có tình cảm thật sự. Cô tiểu Ngọc thôn hạ đi làm dâu dù được cha mẹ chồng yêu thương, nhưng đằng sau luôn phàn nàn những lời oán thán về họ với chồng”. Một vị thần khác nói tiếp “Xã hội hiện nay thói đời là thế, tình cảm giữa người với người cũng bạc bẽo, sớm nắng chiều mưa như mặ trời, đạo Thần cũng chú ý tới cả những hành động khác của họ như giúp người và làm việc thiện. Luật cõi u minh cũng quy định, phụ nữ hiếu thuận kéo dài tuổi thọ 12 năm. Hai cô con dâu này mỗi người giảm đi 1/2, kéo dài tuổi thọ cho họ thêm 6 năm là được rồi”. Những vị Thần khác đều gật đầu xưng phải.
Một lát sau, lại có một vị Thần cất lời: “Cô tiểu Quyên khi làm dâu nhà người ta, về cư xử và lối sống có thể nói là đạt đến chữ thiện, tuy nhiên lại rất dâm đãng, thì xử lý như thế nào?”. Vị Thần bên cạnh trả lời: “Theo quy định tại dương thế, phạm tội tà dâm (ngoại tình) chỉ đánh bằng roi, còn tội bất hiếu thì bị chém đầu, có thể thấy bất hiếu tội nặng hơn tà dâm. Vì tội danh bất hiếu nặng, nên phúc được ban thưởng cũng lớn. Tội nhẹ không thể bù vào và xóa hẳn đi phúc đức. Nên miễn cho cô ta tội tà dâm, chỉ là căn cứ vào tình hình cụ thể mà tăng thêm phúc bên hiếu đã làm được cho cô ta”.
Lúc này, có một vị Thần khác không đồng ý nói xen vào: “Phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ già, đó chỉ là một việc nhỏ tiểu tiết trong đạo hiếu; làm bẽ mặt bôi nhọ thanh danh của gia đình chồng thì đó là một biểu hiện lớn của tội bất hiếu. Công trạng của những tiểu tiết trong biểu hiện của sự hiếu thuận không thể chuộc được lỗi lầm do hành vi khác của bất hiếu. Nên dù cô ta có hiếu thuận như thế nào, chỉ nên luận tôi cô ta theo tình hình cụ thể về tội tà dâm mà luận tội”.
Một vị Thần khác nữa nói tiếp: “Hiếu là đại công đức, không thể được che giấu bằng những tội lỗi khác; tà dâm là một tội ác lớn, cũng không thể được chuộc tội và miễn trừ bởi những hành vi lương thiện khác. Nên dùng cách này, hành vi nào thì có báo ứng đó, nhân nào thì quả đó, phạm tội tà dâm thì chịu quả báo của tà dâm, hiếu đước thì nhận thiện báo của hiếu đức”.
Một vị Thần ngồi bên cạnh vị đó cung kính khom lưng như hành lễ thỉnh giáo mà hỏi: “Tội và phúc có thể bù trừ lẫn nhau không?”. Một vị thần khác lập tức quay đầu lại nói với ông: “Dùng tội lỗi của hành vi dâm tà để tước đoạt đi phúc của lòng hiếu thảo, sẽ khiến mọi người nghi ngờ hiếu thuận không đắc được phúc báo. Dùng phúc phận do hiếu thảo mà có để miễn trừ đi tội ác do hành vi tà dâm gây nên, sẽ làm người thế gian hiểu lầm và nghĩ rằng dâm tà, ngoại tình là không có tội. Dùng tội và phúc để bù trừ cho nhau e rằng không thể được”.
Lúc này, có một vị Thần ngồi cách xa những vị Thần kia một chút đứng dậy nói: “Vì hiếu thảo mà không bị phạt tội cực điểm khi có hành vi tà dâm, điều này chẳng phải sẽ khiến mọi người hiểu rằng mình nên hiếu thuận sao? Vì hành vi tà dâm mà không đạt được tận phúc dù có hiếu thảo đến mấy, điều này chẳng phải sẽ làm người ta hiểu rằng nên từ bỏ hành vi này? Tội và phúc bù trừ cho nhau là điều tương đối thỏa đáng”.
Sau khi nghe những lời này, các vị Thần khác đều trầm tư suy nghĩ hồi lâu và đưa ra quyết định cuối cùng: “Xử lý vấn đề này liên quan tới những điều quan trọng, có thể thỉnh báo với Thiên tào rồi hãy đưa ra quyết định cuối cùng”. Sau khi quyết định như vậy, tất cả các vị Thần đều đứng dậy và lên xe và rời khỏi miếu thờ.
Cự tuyệt tà dâm kéo dài thọ mệnh
Vào triều Minh, tại Ninh Ba có vị thư sinh tên Tôn Đạo. Vì nhà nghèo khó nên phải chăm chỉ dạy học thuê để kiếm sống. Về sau, ngay cả chức nghiệp này anh ta cũng không giữ được, thế là đành phải nương nhờ vào việc ghi chép cho gia đình họ Trương ở Đường Tây sinh sống.
Một hôm đêm đã khuya, nhà họ Trương có một tỳ nữ lén lút chạy đến phòng của Tôn Đạo. Tôn Đạo biết rõ ý đồ của tỳ nữ này nên đã dùng lời lẽ nghiêm nghị mà cự tuyệt. Nhưng tình cảnh này lại bị một vị thầy giáo dạy học cho trường học tư của nhà họ Trương nhìn thấy. Ông ta liền lén lút gọi mời tỳ nữ này đến gặp gỡ.
Đến tiết Đoan Ngọ, ông thầy giáo đó phát bệnh toàn thân đau nhức, không có cách nào chữa trị. Lúc này, chủ nhà đành phải mời Tôn Đạo lên làm thầy giáo đứng lớp chính.
Một hôm, Tôn Đạo gặp người chú của anh ta tại Giang Khẩu. Người chú kinh ngạc hỏi: “Bởi vì con trai của ta bị bệnh nên ta đến miếu thờ Thành hoàng cầu nguyện. Đến lúc trời tối, ta ngủ luôn ở đó, không ngờ mơ thấy Thần Thành hoàng ngồi trên điện. Sau đó, vị Thần Thành hoàng kêu thuộc hạ dâng cuốn sổ ghi chép những người có mệnh bị chết đói lên để sửa đổi. Từng tên từng tên được đọc lên, khoảng chừng mười mấy người thì ta nghe thấy có tên của ngươi.
Ta vụng trộm hỏi vị minh quan: “Vì sao mà Tôn Đạo lại được cải sửa?”, ông ấy đáp: “Trong bổn mệnh của người này, vào năm 46 tuổi sẽ bị chết đói nơi đất khách quê người. Nhưng bởi vì vào đêm ngày 18 tháng Tư năm nay anh ta đã nghiêm khắc cự tuyệt tà dâm với một tỳ nữ, cho nên sẽ kéo dài tuổi thọ của anh ta thêm hai kỷ (1 kỷ là 12 năm). Đồng thời cải sửa tự mệnh phải chịu đói khát thành được hưởng bổng lộc”. Nói đến đây, người chú này liên tục nói lời chúc mừng Tôn Đạo.
Về sau, học sinh theo học Tôn Đạo càng ngày càng đông, mỗi năm tiền học phí mà Tôn Đạo thu được lên đến hơn 100 lượng vàng. Đến năm 36 Vạn Lịch, Tôn Đạo 46 tuổi, quả nhiên năm đó mất mùa, giá gạo vô cùng đắt đỏ, những người nghèo hầu như không có tiền mua, người chết đói vô cùng nhiều. Tôn Đạo không những tránh được kiếp nạn này mà còn vô cùng giàu có. Lúc về già, gia đình Tôn Đạo vẫn thuộc hàng giàu có. Đến năm Tôn Đạo 70 tuổi, không bệnh mà chết (ứng nghiệm với việc được kéo dài 24 năm).
Say mê sắc dục hủy hoại phúc phận
Cổ nhân có câu: “Trên đầu chữ Sắc có lưỡi dao” (chữ Sắc (色) phần trên của nó là chữ Đao (刀) – lưỡi đao), thế nên người xưa rất coi trọng việc “giới sắc”, bởi lý do sắc dục sẽ tạo ra nguy hại nghiêm trọng cho con người. Mê đắm sắc dục không chỉ khiến tinh thần và thể xác của người ta bị tổn hại ghê gớm, còn tiêu tán phúc phận của con người.
Thời nhà Minh, Lý Đăng 18 tuổi đã thi đỗ giải nguyên, nhưng từ đó về sau đến tận 50 tuổi mà vẫn không thể nào thi đỗ tiến sĩ. Thế là ông tìm đến Diệp pháp sư để hỏi nguyên nhân. Diệp pháp sư giúp ông làm lễ khấu đầu xin Văn Xương Đế Quân khai thị.
Văn Xương Đế Quân lệnh Thần lại tra quan tịch của Lý Đăng, phát hiện ra khi Lý Đăng ra đời, Thiên Đế đã từng ban cho ngọc ấn, vì vậy trong mệnh vốn đã chú định 18 tuổi đỗ giải nguyên, 19 tuổi đỗ trạng nguyên, 52 tuổi làm quan đến chức tể tướng. Nhưng vì năm 18 tuổi, sau khi đỗ giải nguyên, Lý Đăng đã nhìn trộm cô gái hàng xóm tắm, tuy chưa làm việc tà dâm, nhưng sự tình bại lộ dẫn tới xích mích, sau vì mâu thuẫn, Lý Đăng lại khiến cho cha cô hàng xóm bị oan uổng vào tù. Vì vậy Thượng Thiên đã phạt ông thi đỗ chậm 10 năm, và giáng xuống nhị giáp.
Sự tình không chỉ có vậy, sau này ông ta còn chiếm nhà đất của huynh trưởng, đến nỗi kiện cáo ra quan phủ. Vì vậy Thượng Thiên lại phạt ông thi đỗ chậm thêm 10 năm nữa, và giáng xuống tam giáp. Sau này Lý Đăng lại gian dâm với một phụ nữ nhà lành ở Trường An, do đó lại bị phạt thi đỗ chậm thêm 10 năm nữa, tổng cộng là 30 năm. Nhưng trong thời gian đó, ông lại thông dâm với một cô hàng xóm khác…
Tuy đời trước có tích đức, đời này vốn mệnh tốt, nhưng Thượng Thiên thấy ông làm việc xấu liên tiếp, tái phạm hết lần này đến lần khác, phạm tội tà dâm, làm điều ác. Thế là không những tước bỏ hết phúc phận trong mệnh của Lý Đăng, mà còn rút ngắn tuổi thọ của ông xuống.
Diệp pháp sư đem sự tình mà Văn Xương Đế Quân khai thị nói với Lý Đăng. Lý Đăng hồi tưởng lại cuộc đời mình đã làm những việc xấu, hành ác, cảm thấy vô cùng tủi hổ và hối hận. Sau đó không lâu thì Lý Đăng qua đời.
Theo Thân Tư Minh, Secretchina
Kiên Định biên dịch
Video: Niệm tà dâm, làm việc tà dâm sẽ gặp báo ứng. Người nhân đức, cự tuyệt tà dâm nhận được ngay phúc báo!