Vạn vật trong đất trời có mối liên hệ mật thiết với nhau, xuất hiện sự việc nào cũng đều ẩn giấu nguyên nhân đằng sau. Vì vậy, trước khi xảy ra đại sự nhất định sẽ có điềm báo.
Cổ nhân giảng: “Thiên nhân cảm ứng”, cho rằng giữa Trời và người là có thể cảm ứng và tác động qua lại lẫn nhau. Dựa vào loại cảm ứng này, người xưa thường quan sát biến hóa thiên tượng mà dự đoán nhân loại sắp gặp phải chuyện gì.
Mức độ lây lan với tốc độ chóng mặt của virus viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) là bước đệm cho một cuộc đổi thay toàn diện trên thế giới. Một số quốc gia đang ở ngay đêm trước của sự giải thể, khó có thể tránh khỏi đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến quốc là Mặc Tử từng nói: “Quốc chi tướng vong, tất hữu thất hoạn”, nghĩa là, khi đất nước sắp diệt vong tất có bảy tai họa. Lời căn dặn ấy của người xưa, từng chữ từng chữ đều như châu ngọc, là trí huệ vô cùng thấu triệt lưu lại từ ngàn xưa.
Vậy, bảy tai họa mà Mặc Tử nhắc đến là gì?
“Bạch thoại văn Thất Hoạn” – Bảy lo lắng của Mặc Tử
Mặc Tử viết: Quốc gia có bảy loại thảm họa. Bảy loại này là gì?
Thứ nhất: Quốc phòng lỏng lẻo, thành quách giang sơn không thể giữ, quân dân đối lập, xã hội rối ren.
Thứ hai: Các nước thù địch tiếp cận, áp chế, trong khi không nhận được sự giải cứu từ đồng minh bên ngoài.
Thứ ba: Một số sự việc huy động nhiều nhân lực cùng lúc, người làm việc tận tâm tận lực không được trọng dụng khen thưởng, trong khi kẻ bất tài lại được ban thưởng. Người dân bị bóc lột kiệt quệ, ngân sách quốc gia bị đục khoét, chi dùng vào việc ăn chơi hưởng lạc.
Thứ tư: Quan viên chỉ chú ý đến bổng lộc, danh lợi bản thân. Người được cử đi thuyết khách hay du thuyết thì chỉ tìm cách lôi bè kéo cánh. Người cầm quyền sửa đổi luật pháp để thảo phạt, đàn áp nhân dân. Dân chúng vì sợ hãi mà không dám lên tiếng về những chính sách sai trái của nhà cầm quyền.
Thứ năm: Nhà cầm quyền tự tô vẽ và quảng cáo đề cao bản thân, tự cao tự đại, bất kể tình trạng đất nước ra sao thì vẫn tự cho rằng thế giới hòa bình, không cần phòng thủ. Các quốc gia xung quanh đều mưu cầu tìm cách phát triển, nhưng họ thì ngược lại không có chí tiến thủ.
Thứ sáu: Những kẻ được tín nhiệm thì không trung thành với quốc gia, những người thực sự trung thành với đất nước lại không được tín nhiệm.
Thứ bảy: Cuộc sống của dân chúng khốn đốn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, quan lại triều đình bất tài không có khả năng xử lý vấn đề quốc sự. Việc khen thưởng của người cầm quyền không làm dân hài lòng, hình phạt không có sự uy nghiêm làm dân sợ, cũng không làm dân tâm phục khẩu phục, khiến lòng dân oán hận.
Khi đất nước xuất hiện bảy mối họa này, giới chức cầm quyền tất không có chỗ đứng, việc phòng thủ và giữ nghiêm trật tự xã hội cũng như an ninh quốc gia tất bị nghiêng ngả, hủy hoại. Bảy mối họa này tồn tại ở quốc gia nào, quốc gia đó sẽ có tai họa.
Ngũ cốc là nguồn lương thực giúp dân sinh tồn, cũng là cơ sở để người dân nuôi dưỡng và chăm sóc nhà cầm quyền. Vì vậy nếu dân không còn được ăn no mặc ấm, không còn lương thực để dựa vào, thì cả quân vương và chính quyền tất cũng không thể được nuôi dưỡng. Dân không có gì ăn sẽ khó lòng phục vụ, chăm sóc. Do vậy, việc sản xuất lương thực cần đẩy mạnh, đồng ruộng không thể không tận lực canh tác, việc chi dùng tiền bạc tài vật không thể không tiết kiệm. Ngũ cốc được mùa, dân chúng mới có thể nộp tất cả năm loại thuế.
Một loại ngũ cốc không thể thu hoạch gọi là Cận (mất mùa), hai loại ngũ cốc không thể thu hoạch gọi là Hán (hạn hán), ba loại ngũ cốc không thể thu hoạch gọi là Hung (bất hạnh), bốn loại ngũ cốc không thể thu hoạch gọi là Quỹ (thiếu hụt), năm loại ngũ cốc không thể thu hoạch gọi là Cơ (đói kém ). Gặp phải năm Cận, người làm quan từ đại phu trở xuống đều nên tự cắt giảm 1/5 bổng lộc của mình. Gặp phải năm Hán, cần cắt giảm 2/5 bổng lộc. Gặp phải năm Hung cần cắt giảm 3/5 bổng lộc. Gặp phải năm Quỹ cần cắt giảm 4/5 bổng lộc. Gặp phải năm Cơ cần miễn giảm toàn bộ bổng lộc, chi cung cấp đủ lương thực hằng ngày.
Vì vậy, khi quốc gia gặp phải Hung Cơ, là bậc quân vương cần cắt bỏ 3/5 cuộc sống xa hoa phung phí, đại phu cần loại bỏ việc treo những nhạc cụ quý giá như chuông vàng khánh ngọc, không thể tiếp tục nghe nhạc, người đọc sách không thể tiếp tục đi học mà cần học trồng lúa, cày ruộng. Triều phục của quân vương không nên may mới, nếu có khách của các nước chư hầu hay sứ giả của những nước lân bang tới thăm thì cũng không thể tổ chức linh đình ăn uống xa hoa. Xe tứ mã cần rút xuống chỉ dùng hai con, đường xá không nên sửa chữa, ngựa không cho ăn lương thực, đầy tớ không thể được mặc tơ lụa. Quốc gia đã vô cùng khó khăn, không thể không cảnh báo, nhắc nhở mọi người như vậy.
Bây giờ, nếu ai đó bế con ra giếng múc nước và không may làm đứa trẻ bị rơi xuống, thì người mẹ đó tất phải cố gắng tìm mọi cách cứu con lên. Xã hội nếu không may gặp phải năm Cơ (năm loại ngũ cốc không thể thu hoạch), trên đường có người chết đói, tình cảnh đau thương thê thảm này có thể còn nghiêm trọng hơn việc người mẹ có đứa con bị rơi xuống giếng. Nếu gặp phải tình cảnh này, sao có thể nhắm mắt làm ngơ coi như không? Nếu được mùa bội thu, người dân tất nhân nghĩa mà thiện lương. Gặp phải niên tuế hung tai, người dân tất bủn xỉn và hung ác.
Thiện ác tồn tại trong mỗi người đôi khi không cố định, người làm thì ít, người ăn thì nhiều, sao có thể có vụ mùa bội thu? Do đó, nếu nguồn tài chính không đủ thì cần xem xét liệu có chú ý đến thời vụ và quy luật sản xuất hay chưa, lương thực có đủ không thì cần xem xét xem đã tiết kiệm hay chưa. Các nhà hiền triết thời cổ đại tạo ra sự giàu có theo thời gian bằng nông nghiệp, đặt định nó làm cơ sở, tiết kiệm chi tiêu, tài chính tự nhiên sẽ đầy đủ. Cho dù là bậc thánh hiền, cũng không thể làm ngũ cốc cứ luôn bội thu, lũ lụt hạn hán không xảy ra. Trong Hạ Thư có thuyết: “Vũ thất niên thủy”, trong Ân Thư có thuyết: “Thang ngũ niên hạn”. Năm đó tại Trung Quốc cổ đại, dân bị mất mùa lớn nhưng không ai phải chịu đói, chịu rét là nguyên nhân vì sao? Chính vì nguồn tài chính họ thu được từ sản xuất dồi dào và chi tiêu tiết kiệm.
Nếu trong kho không có lương thực dự trữ, thì không thể chống đỡ phòng bị trong những năm mất mùa, đói kém. Nếu không có vũ khí trong kho thì cho dù bản thân là người có chính nghĩa cũng không thể đi thảo phạt chiến đấu chống lại sự bất công. Thành trì trong ngoài nếu tu sửa không hoàn chỉnh thì không thể tự vệ. Tư tưởng không có sự chuẩn bị và đề phòng thì không thể ứng phó với những biến cố đột ngột xảy ra. Điều này cũng giống như Khánh Kỵ (công tử Khánh Kỵ là con trưởng của Ngô Vương Liêu, sống cùng thời với Tôn Tử, Ngũ Tử Tư) vì không đề phòng, cảnh giác, dễ dàng tin theo Yêu Ly mà dẫn tới tử vong. Vua Kiệt vì không có sự phòng bị với nhà Thương mà bị đi đày. Trụ vương vì không có sự phòng bị với Chu Vũ Vương mà bị giết. Kiệt và Trụ dù địa vị là thiên tử, có cả thiên hạ, nhưng đều bị quân vương của những nước nhỏ xung quanh tiêu diệt, là nguyên nhân tại sao? Là vì họ giàu có phú quý nhưng không làm tốt công tác phòng ngự.
Vì vậy, phòng ngự là việc trọng yếu nhất của một quốc gia, lương thực là bảo bối của quốc gia, binh khí là tay chân của quốc phòng, thành quách là thánh địa tự vệ. Ba điều đó là những điều một quốc gia cần trang bị đầy đủ. Vì vậy, việc phân công đóng góp bằng lao động, tu sửa thành quách, thì dân chúng dù chịu mệt mỏi hay cực khổ nhưng không đến nỗi bị tổn thương nghiêm trọng. Trưng thu thuế ruộng, thuế đất thông thường, dân chúng dù phải tiêu tốn kém nhưng không phải gian khổ.
Nỗi thống khổ của người dân không phải ở việc sử dụng nhân công lao động và thu thuế, mà ở sự bóc lột tàn nhẫn, sưu cao thuế nặng của những nhà cầm quyền. Lấy phần thưởng cao nhất ban cho những kẻ không công, móc sạch quốc khố mua sắm xe ngựa, áo lông và những sản vật kỳ quái, ép buộc người dân chịu khổ nạn, xây dựng cung điện xa hoa, chỉ phục vụ làm nơi ăn chơi hưởng lạc cho những người nắm quyền, sau khi chết lại làm quan tài vừa dày vừa nặng, may quần này áo nọ cho họ. Sống thì xây đài nọ tượng kia, chết lại phải xây lăng mộ. Do đó, bên ngoài triều đình bách tính phải đi lao dịch, bên trong triều đình quốc khố đã bị tiêu pha hầu như cạn kiệt, dân chúng ở vào chính quyền tàn bạo chuyên chế đã không thể tiếp tục chịu đựng khổ nạn. Lúc này, nếu quốc gia gặp phải kẻ thù xâm lăng tất sẽ thất bại, người dân gặp phải nạn đói mất mùa mà tử vong, đây đều là lỗi lầm do không làm tốt công tác phòng vệ.
Cuối cùng có thể tổng kết lại như sau:
Mặc Tử nói: Đất nước sắp có diệt vong, tất có “thất hoạn” (bảy lo lắng, bảy tai họa):
1. Hoạ về quốc phòng: Không chuẩn bị xây dựng quốc phòng, chú trọng xây dựng cung điện nhà lầu tạo nên cảnh thái bình giả tạo.
2. Hoạ về ngoại giao: Đối đầu với kẻ địch bên ngoài không có đồng minh trợ giúp, tứ cố vô thân.
3. Hoạ về tài chính: Phân phối sắp xếp tài chính không công bằng, xa hoa lãng phí, phô trương khoe khoang, tận dụng cạn kiệt sức dân.
4. Hoạ về nội chính: Người làm quan đều chỉ vì tư lợi cá nhân, ngư ông đắc lợi, tu sửa pháp luật đều chỉ vì lợi ích cá nhân, không màng quốc gia đại sự.
5. Hoạ về quốc vương: Đóng kín cửa tự cao tự đại, rêu rao khoe khoang chiêu bài tiên tiến hiện đại giả tạo, chỉ biết ngồi chờ chết.
6. Hoạ về tập thể: Không biết cách dùng người, tiểu nhân thì được nắm quyền, người chính nghĩa thì bị áp bức, đạo đức trượt dốc, xa rời nhân tâm.
7. Hoạ về chính quyền: Dân không đủ ăn đủ mặc, nước không biết trọng dụng người tài, thưởng phạt không công bằng, nghiêm minh.
Theo Lý Vân Phi, Secretchina
Kiên Định biên dịch
Video: Cư dân mạng Trung Quốc: Sau đại dịch, Liên minh 80 nước sẽ tìm Trung Quốc tính sổ?
Có thể bạn quan tâm:
- Trung Quốc bóp méo thông tin dịch bệnh để biến mình thành anh hùng như thế nào?
- Trong thảm họa dịch bệnh, thế giới còn nhớ lời cảnh tỉnh của người Hồng Kông?
- Chính sách ngoại giao ‘hai mặt’ của Trung Quốc trong việc đổ lỗi dịch bệnh cho Hoa Kỳ
- Lợi dụng dịch bệnh, Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay quân sự ra đảo Trường Sa
- Một năm ‘theo lời nguyền’ đối với Tập Cận Bình?