Các bậc Thánh hiền từ xưa đến nay luôn tiết chế việc ăn uống và quan hệ nam nữ, đó cũng là chuyện mà người xưa đặc biệt xem trọng.
Trong “Lễ Ký – Lễ Vận” có viết: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên”, đại ý là việc ăn uống và quan hệ nam nữ là những ham muốn lớn của con người. Vì vậy, Khổng giáo chủ trương lấy lễ nghi để khắc chế dục vọng.
Đạo gia cho rằng có thể từ bỏ dục vọng về quan hệ nam nữ thì sẽ sống thọ cùng trời đất (“Thọ dữ Thiên tề”). Ý nghĩ về dục và sắc khiến người ta mất đi chân khí, giảm đi phúc thọ và trở nên thô tục. Người tu Đạo mà không đoạn dục thì ác nghiệp sẽ đầy thân, không cách nào thăng Thiên, uổng phí cả một đời tu Đạo.
Truyền thống giới sắc đoạn dục của cổ nhân mang theo tính tự kỷ luật hơn người hiện đại. Một cư sĩ Phật giáo thời nhà Minh đã ghi lại quan điểm và cách thức của người xưa về việc đối đãi với ăn uống và sắc dục trong cuốn “Thực sắc thân ngôn”, khuyên răn con người không nên sát sinh và cần tiết chế dục vọng. Đây là một trong những quan điểm tiêu biểu.
Giới sắc của hoàng đế
Lương Vũ Đế Tiêu Diễn sinh thời rất tín Phật. Ông từng nói với ngự sử Thừa Hạ Sâm rằng: “Trẫm đã ở trong phòng riêng hơn 30 năm, không ở chung với phụ nữ đã hơn 30 năm rồi”. Nhờ đó mà so với các bậc đế vương, Lương Vũ Đế sống rất trường thọ, đến năm 83 tuổi mới quy tiên.
Vào thời nhà Nguyên, tể tướng A Sa Bất Hoa có lần thấy sắc mặt tiều tụy của cháu trai mình là Nguyên Võ Tông (hoàng đế thứ 3 của triều Nguyên), đã khuyên rằng: “Chân gấu với 8 loại của ngon vật lạ con không biết ăn, thân thể vàng ngọc con không biết quý. Ta thấy con suốt ngày chỉ thích uống rượu, lại còn say mê nữ sắc. Nó chính là hai chiếc rìu chặt cây, không có gì mà không chặt xuống được”. Vào năm thứ hai, Nguyên Võ Tông băng hà, tuổi thọ của ông khi ấy chỉ mới 30 tuổi.
Có câu chuyện kể về một quốc vương say mê nữ sắc và thường phóng túng dục vọng của mình. Có vị tăng nhân đã khuyên ngăn nhà vua rằng: “Mắt là cái lỗ nhà xí, mũi là cái túi chứa nước dơ bẩn, miệng là cái hang đờm đầy bọt, bụng là cái kho chứa nước tiểu. Nhưng đại vương không có được cặp mắt trí tuệ, tham mê nữ sắc mà bỏ bê triều chính. Tôi vì nhìn thấy thứ này thật ghê tởm nên đã xuất gia làm hòa thượng”.
Còn có một bài thơ miêu tả người kỹ nữ: “Là bộ da bọc xương, dưới lớp da thịt kia đều là phân và nước tiểu, mạnh mẽ và quyến rũ mê hoặc người ta. Những anh hùng ở mọi thời đại đang ngồi tại đây, trăm năm trong cùng một hố xí dơ bẩn”.
Giới sắc của văn nhân
Vào thời nhà Minh, Đại lễ bộ Thượng thư Tiết Văn Thanh viết: “Tửu sắc là thứ khiến cho chí khí của con người mê mờ và tiêu hao, thương tổn sức khỏe và hủy hoại đạo đức, có thể lấy điều thô tục làm vui. Ta không hề biết đó cũng là niềm vui, chỉ có tâm thanh quả dục, khí hòa thân bình, đó mới là niềm vui mà ta biết!”.
Triết học gia Trình Di của triều đại Bắc Tống cũng nói: “Một khi dục vọng nảy mầm thì hãy nhớ lấy lễ nghĩa để ngăn chặn”. Tiên sinh Châu Hy của triều đại Nam Tống đã miêu tả ham muốn của con người như một đầm lầy, ông nói: “Hãy quan sát hình ảnh của đầm lầy để ức chế tâm sắc dục. Tâm sắc dục và đầm lầy đều là nước bùn đất dơ bẩn, nó rất dễ gây ô nhiễm cho con người cho nên cần được lấp và chặn lại”.
Vào đầu triều đại nhà Minh, Phương Hiếu Nho đã bày tỏ quan điểm: “Ồ! Sở thích và ham muốn có sức mạnh hơn lưỡi kiếm. Mọi người chỉ quan tâm đến sự xâm hại của nóng lạnh đối với thân thể, nhưng lại không tìm các biện pháp phòng ngừa tai họa do dục vọng tham ăn và tham sắc gây ra”.
Tiến sĩ Lưu Nguyên Thành ở cuối triều đại Bắc Tống đã từng nói: “Tôi đã đoạn tuyệt nữ sắc trong 30 năm, khí huyết và ý thức của tôi cứ như thời thanh xuân. Mặc dù tiếp đãi bằng hữu, đàm thoại vui vẻ cả ngày, thậm chí không ngủ cả đêm, đến sáng hôm sau tinh thần vẫn tỉnh táo như thường”.
Học giả Tạ Lương Tá, một trong tứ tiên sinh Trình Môn thời nhà Tống từng nói: “Tôi đã đoạn tuyệt sắc dục hơn 20 năm rồi. Người ta muốn làm nên đại sự thì phải tu dưỡng thân thể cường tráng mới có đủ năng lực để gánh vác, vì vậy mà đoạn tuyệt với sắc dục”.
Đại thần Lý Hạo của nước Hậu Thục thời Ngũ đại thập quốc từng nói: “Nói một cách chính xác thì sự tham sắc và phóng túng dục vọng chính là bị ma quỷ vũ nhục. Tôi đã đoạn tuyệt với sắc dục rất lâu rồi, vì vậy ma quỷ không dám gặp chứ không phải tôi có phép thuật gì”.
Nhà thơ Dương Vạn Lý đã nói đùa với một người mê sắc đẹp rằng: “Vì sao Diêm Vương chưa gọi tới tên ông mà ông đã tự áp giải mình đến rồi?”.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” có viết: “Điềm đạm hư vô thì chân khí sung túc, tinh thần vững vàng thì đẩy lùi bệnh tật. Đó là một sự thanh nhàn và ít ham muốn, tâm an thì không sợ hãi, sở thích không thể làm khổ đôi mắt, dâm tà không thể mê hoặc cái tâm. Những người sống lâu 100 tuổi mà không suy yếu là do họ không mạo hiểm cái đức của mình”.
Trong cuốn sách “Toái Kim Lục” của y học gia Vương Văn Mô triều Minh có viết: “Tôi đã cẩn thận quan sát con người thế gian, có những người đang lao vào cõi chết, giống như trăm sông chảy vào biển lớn. Cái chết của họ có hai lý do: một là vì bị xúc phạm đến địa vị danh tiếng, hai là vì tham luyến nữ sắc”.
Giới sắc của người tu luyện
Vào thời nhà Tấn có một bậc cao tăng. Ông đã gặp một người phụ nữ tự xưng là tiên nữ giáng trần đến để xin tá túc, nàng nói: “Bởi vì ngài là cao tăng có đạo đức nên Thiên thượng đã sai tôi đến, tỏ ý muốn ban thưởng cho ngài”. Hòa thượng ý chí kiên định không hề động tâm nói: “Tâm của tôi đã như tro tàn, đừng dùng cái bọc da để khảo nghiệm tôi”. Người phụ nữ sau đó bay lên không trung và rời đi, trước khi đi còn quay đầu lại và nói: “Nước biển có thể lên xuống, kim cương cũng có thể đập vỡ, chỉ có tâm địa kiên trinh của đại hòa thượng là bất di bất dịch”.
Thương Dương Tử, một đạo sĩ nổi tiếng trong triều đại Nguyên cho rằng: “Chỉ có dâm dục là tạo ra nhiều ác nghiệp nhất, những người tu hành trước hết nên giới cấm để trừ bỏ nó”. Chân nhân Trường Xuân đã khuyên hoàng thượng hãy là người đầu tiên từ bỏ dâm dục. Cuốn sách “Thái Vy Linh Thư” viết dâm dục đứng đầu trong 10 điều bại hoại. Học Đạo tu hành không có gì khác ngoài khả năng có thể thực sự đoạn tuyệt dâm dục, phần còn lại đều rất dễ dàng.
Thương Dương Tử còn nói: “Con người trên thế gian cho rằng rất khó để đoạn tuyệt dâm dục, đây là một nhận thức rất ngu xuẩn. Những người mới tu hành thích ở một mình, hành động một mình, ngủ một mình và cai bỏ rượu. Ban ngày xem kinh thư luyện đan, ban đêm bảo trì tâm cảnh thanh tịnh. Trước một khung cảnh yên tĩnh, toàn bộ hồ tư loạn tưởng đều không thể tồn tại, một số chướng ngại do tà ma bên ngoài gây ra càng có thể kiên định thêm tín niệm của anh ta”.
Vào thời nhà Tống, tiến sĩ Thiệu Quế Tử từng nói với một tăng nhân: “Nếu tâm dâm dục của người tu hành không đoạn tuyệt thì gốc rễ của tâm linh không kiên cố, tinh thần sức lực sẽ kém đi, nguyên khí sản sinh ra ngày một giảm đi thì sẽ dần dần khô kiệt và cuối cùng là tử vong”. Tăng nhân trả lời: “Nếu không đoạn tuyệt dâm dục thì phải học tập ‘Tam ngộ thiền lý’, nó giống như hấp cát để ăn, dù cho hấp đến bao lâu thì cũng chỉ có thể gọi là cát chín, không thể biến thành cơm. Tuy nhiên, tu hành nhất định phải đặt nhiều công phu để đạt được thanh tâm tuyệt dục”.
Tiến sĩ thời Nam Tống là Uông Xương Thọ thường dùng cách cưỡng chế để ngăn tâm tham muốn nảy sinh, nhưng ông không thể duy trì được lâu. Lục Cửu Uyên từng nói với ông: “Chỉ có thể cưỡng chế từ bên ngoài, không thể tìm được nguyên nhân bên trong. Đó chỉ là nỗ lực để hàm dưỡng chứ không phải thực sự bước vào cửa tu luyện. Nếu như tâm mắt của con người hiểu được những gì họ đang làm, hà tất phải cưỡng chế để làm gì. Còn nếu như nói có mỹ nữ xuất hiện trước mắt, lão huynh nhất định không được xuất tâm thích nữ sắc. Nếu có thể bảo trì loại tâm thái này, thì hà tất phải cưỡng ép bản thân”. Lục Cửu Uyên còn nói: “Hãy cẩn thận, nếu một lòng thành khẩn kính phụng Thượng Đế thì Thượng Đế sẽ đến với huynh. Nếu lúc đó huynh còn cảm thấy sợ hãi, vậy thì tâm của huynh có phải còn để ở nơi khác?“.
Yên Tử
Theo Tân Sinh
Bạn đang đọc bài viết: “Cổ nhân cự tuyệt tà dâm và giới sắc như thế nào?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |