Thời nhà Thanh, ở huyện Ngân có vị thư sinh, văn chương vô cùng hay nhưng mãi vẫn không thi đỗ lập công danh, nên chỉ làm một thầy đồ dạy học tư thục.

Một hôm thầy đồ bị bệnh. Trong mộng, ông thấy mình đến một quan phủ. Thầy đồ nhìn kỹ phát hiện ra đây chính là âm gian.

Lúc đó có một viên quan lại đi đến, thì ra là người bạn trước đây của thầy đồ. Thế là thầy đồ hỏi ông ta: “Có phải tôi thực sự bị bệnh chết rồi không?”. 

Người bạn của ông nói: “Thọ mệnh của ông chưa hết, nhưng lộc vận đã hết rồi, e rằng cũng sẽ mau chóng phải xuống âm gian thôi”.

Thầy đồ nghe vậy liền nói: “Tôi cả đời chỉ dạy học nuôi gia đình, lại chẳng làm tổn hại hoặc chà đạp ai, sao có thể đã hết lộc vận cơ chứ?”

Người bạn ông thở dài rồi nói: “Chính vì ông đã thu tiền, nhưng lại không dạy dỗ người ta tử tế nên mới ra nông nỗi này. Âm gian cho rằng đây chính là lãng phí lộc vận, thuộc loại không có công lao mà ăn không của người. Vì vậy đã tiêu giảm lộc vận của ông để bồi thường những lãng phí mà ông gây ra. Thế nên thọ mệnh của ông chưa hết nhưng lộc vận đã dùng hết rồi”.

Người thầy vốn là một trong “Tam ân”: Quân – Sư – Phụ. Nhưng thầy đồ này đã thu học phí mà không dạy dỗ tròn trách nhiệm, làm lỡ thời gian công sức con em người ta, việc này so với các nghề nghiệp khác thì tội lơ là trách nhiệm còn lớn hơn. Người như thế này có quan lộc cũng bị cắt giảm quan lộc, người không có quan lộc sẽ cắt giảm thực lộc (lộc ăn uống), được tính toán chi ly không sai một chút.

Người bạn này lại nói tiếp: “Người đời khi nhìn thấy một số người học hành tài hoa nhưng lại rất nghèo, hoặc chết trẻ ở tuổi còn xuân, thì họ đều trách ông Trời bất công, nhưng họ lại không biết rằng kỳ thực là do bản thân những người đó gây ra, đại đa số đều vì phạm phải lỗi này”.

Thầy đồ này đã thu học phí mà không dạy dỗ tròn trách nhiệm. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Thầy đồ nghe xong buồn bã tỉnh dậy. Quả nhiên bệnh tình ông không có tiến triển tốt lên, không lâu sau thì qua đời. 

Trước khi lâm chung, ông đã kể lại trải nghiệm ở âm gian để cảnh tỉnh bạn bè thân thích chớ phạm sai lầm như thế này, câu chuyện từ đó dược truyền tụng cho đến tận ngày nay.

(Theo “Duyệt vi thảo đường bút ký” – Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Kiến Thiện biên dịch