“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Napoleon).

Phật Milarepa (Mật-lặc Nhật-ba) là một trong những Thánh nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng, thuỷ tổ của Bạch giáo Tạng Mật. Lúc lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tàn tệ. Nghe lời mẹ, Milarepa đi học huyền thuật, dùng phép hô phong hoán vũ giết hại nhiều người để trả thù. Ăn năn về hành động đó, ông đã quyết tâm cầu chính pháp tu luyện, nhẫn chịu nhiều gian khổ và thử thách khắc nghiệt mà thượng sư Mã-nhĩ-ba dành cho ông. Cuối cùng, Milarepa đã được nhận được chân truyền từ sư phụ, sau nhiều năm khổ tu tịch mịch trong hang động vùng núi Himalaya ông đã thành Đạo. Phật Milarepa đã dùng đủ các loại phương tiện khiến cho vô lượng chúng sinh thượng căn, trung căn, hạ căn có duyên được thành tựu giải thoát.

Dưới đây là một câu chuyện do đích thân Phật Milarepa kể lại cho đệ tử, nói về thời gian ngài khổ tu trong hang động vùng núi Himalaya. Trong câu chuyện này, hành giả Milarepa đã bị hành hạ tàn nhẫn nhưng vẫn nảy sinh lòng bi mẫn, thương xót cho kẻ đã ức hiếp mình.

***

Mặc dù cả năm ta chỉ ăn một chút bột mì, nhưng vài năm sau thì lương thực cũng hết, cuối cùng chẳng còn chút gì mà ăn. Ta thấy nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ còn đường chết đói. Ta nghĩ tới thế nhân dùng thân người trân quý mà theo đuổi tiền tài không mệt mỏi, đắc được một chút thì vui thích, mất đi một chút thì khổ não, quả thực đáng thương. Vàng bạc trong tam thiên đại thiên thế giới, so với sự nghiệp thành Phật, quả thực chẳng đáng kể gì. Nếu không thể thành Phật mà xả bỏ thân thể này một cách vô ích, thì quả là quá đáng tiếc thay.

Thế nên phải chăng ta cần đi tìm một chút đồ ăn để duy trì sinh mệnh này? Đồng thời ta lại nhớ tới lời thề trước kia, rốt cuộc có nên xuống núi không? Suy đi tính lại, ta cảm thấy lúc này cần phải rời đi, không phải vì ham chơi, mà là vì cần nguồn lương thực thiết yếu để tu Pháp. Cho nên làm vậy không những không được tính là đã vi phạm lời thề, mà còn là việc nên làm. Vì để cầu một chút lương thực cho khổ hạnh, ta đã đi tới trước động đá Hộ Mã Bạch.

Nơi ấy ngước mắt nhìn thấy rộng rãi, ánh mặt trời ấm áp, nước suối trong veo, khắp mặt đất cỏ xanh tốt và cây tầm gai dại xanh mướt. Ta vừa nhìn thì trong lòng vô cùng vui thích, thầm nghĩ: “Thế này thì chẳng cần xuống núi nữa, có thể ăn cây tầm gai ở đây rồi”. Từ đó về sau, ta ăn cây tầm gai để sống qua ngày và tiếp tục tu hành.

Sau đó rất lâu, quần áo bên ngoài cũng rách nát không còn một mảnh vải. Bởi vì chỉ ăn mỗi cây tầm gai mà không có bất kỳ đồ ăn nào khác, nên người ta chỉ còn sót lại da bọc lấy xương, tóc và lỗ chân lông vì chỉ ăn cây tầm gai mà đều đổi thành màu xanh.

Tranh vẽ Phật Milarepa. (Ảnh: thrangumonastery.org)

Ta bỗng nhớ tới bức thư trong chiếc túi gấm mà thượng sư cho ta, ta nâng bức thư lên đỉnh đầu, niềm vui không tả xiết. Mặc dù không có một chút đồ ăn, nhưng cứ như ta đã được ăn một món rất ngon vậy. Ta cảm thấy vô cùng dễ chịu và mãn nguyện. Ta muốn mở bức thư ra xem, nhưng có một điềm báo nói rằng thời khắc mở bức thư chưa đến nên ta không mở ra. Cứ như vậy lại một năm qua đi.

Một hôm, một nhóm người đi săn dắt theo chó đang săn mồi thì chẳng săn được thứ gì, vô tình đi tới trước động của ta, vừa nhìn thấy ta thì vô cùng sợ hãi hét lớn: “Ông là người hay là ma?”

Ta nói: “Ta là người, là một người tu hành!”

Họ nói: “Sao ông lại thành ra bộ dạng này? Sao cả người lại xanh lét như vậy?”

“Vì ta ăn tầm gai quá lâu rồi nên mới thành ra như vậy”.

“Lương thực ông tu hành ở đâu? Cho chúng tôi ăn lương thực của ông với, sau này chúng tôi sẽ trả ông tiền. Nếu ông không lấy được đồ ăn ra chúng tôi sẽ bắn chết ông”. Họ bèn nhìn một lượt khắp động, uy hiếp ta rất ghê gớm.

“Ngoài tầm gai ra, ta chẳng có gì khác. Nếu có thì cũng chẳng phải giấu. Vì ta tin rằng với người tu hành, chỉ có người cúng dường đồ ăn, chứ quyết không ai đi cướp đồ ăn của người tu hành”.

Một người thợ săn trong số họ nói: “Cúng dường cho người tu hành thì có ích gì?”

Ta nói: “Cúng dường cho người tu hành thì có phúc khí”.

Ông ta cười nói rằng: “Được rồi! Được rồi! Tôi sẽ cúng dường ông một lần!” Nói xong, ông ta bèn ôm ta từ chỗ ngồi ném xuống đất, rồi lại nhấc ta quăng lên, ném xuống rồi lại quăng lên. Quăng quật như vậy khiến thân thể yếu ớt của ta tự nhiên không thể chịu nổi, đau khổ muôn phần. Mặc dù họ làm nhục ta như vậy, nhưng trong tâm ta vẫn sinh tâm từ bi với họ, vô cùng thương xót họ, nước mắt cứ tự nhiên rơi xuống.

Một người thợ săn khác không hành hạ ta mà ngồi một bên bèn nói: “Này, các người không được làm như thế. Ông ấy quả thực là một hành giả tu khổ hạnh đấy! Dẫu ông ấy không phải là một người tu hành, mà sỉ nhục một người gầy như que củi thế này cũng không được coi là anh hùng, hảo hán! Huống hồ bụng chúng ta cũng sẽ bị đói vì ông ấy. Những chuyện không hợp đạo lý thế này tốt nhất là đừng có làm!”

Rồi ông ta quay sang nói với ta: “Hành giả Yoga! Ta thực sự bái phục ông. Ta không làm phiền ông, xin ông hồi hướng bảo hộ ta”.

Người thợ săn làm nhục ta lại nói: “Ta đã cúng dường ông lên xuống rồi đó. Ông cũng nên hồi hướng bảo vệ ta”. Nói rồi cười ha hả bước đi.

Ta vẫn không niệm chú, có thể Tam Bảo sẽ trừng phạt họ, có thể đó là báo ứng cho ác nghiệp của bản thân ta. Nghe nói, không lâu sau đó xảy ra chuyện, pháp quan đã xử tử hình người thợ săn đó. Ngoài người thợ săn nói là đừng bắt nạt ta ra thì những người còn lại đều chịu án rất nặng.

***

Kết cục khác nhau của những người thợ săn khiến cho chúng ta phải suy ngẫm. Người thợ săn độc ác đã hành hạ tôn giả Milarepa là phải chịu quả báo bi thảm nhất – bị xử tử hình. Người thợ săn có lòng nhân từ đã nói lời công đạo, muốn ngăn chặn tội ác và bày tỏ lòng tôn kính với tôn giả Milarepa thì bình an vô sự. Đáng nói nhất là những người thợ săn còn lại, không trực tiếp tham gia vào tội ác bức hại người tu luyện, chỉ bàng quan đứng nhìn, họ cũng đều chịu án rất nặng.

Điều này cho thấy làm ngơ trước tội ác cũng là tội ác. Napoleon từng nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Khi thế lực tà ác đang bức hại người lương thiện, người tu hành, nếu như chúng ta không thể làm một anh hùng ra tay cứu giúp, thì ít nhất trong tâm cũng cần minh bạch thiện – ác, nói lời đạo nghĩa, vậy mới có thể bình an vô sự.

Khiêm Từ

(Tham khảo Minh Huệ Net)

videoinfo__video3.dkn.tv||6d644aa53__