Chia tay, không ít thì nhiều sẽ khiến người trong cuộc mỏi mệt. Sau khi chia tay, nhiều người sẽ phải đối mặt với sự suy giảm về sức khoẻ tâm sinh lý. Nếu bạn vừa kết thúc một cuộc tình, ai đó sẽ khuyên bạn đừng nên vội vàng bắt đầu cuộc tình mới, đặc biệt là khi người mới giống người cũ.
Xưa nay luôn tồn tại một định kiến về việc yêu người mới ngay sau khi chia tay. Nhưng có bằng chứng cho rằng điều này thực tế lại rất tốt cho những con tim đang thương tổn. Vậy lý do gì khiến định kiến này vẫn trường tồn, có nên kiếm tìm một mối quan hệ mới ngay sau khi chia tay không và yêu người giống người yêu cũ, rốt cuộc lợi hay hại?
Nhà tâm lý học Claudia Brumbaugh, chuyên gia nghiên cứu “Thuyết gắn bó ở người lớn” (Adult Attachment) tại Đại học City University, New York, nói: “Người bắt đầu một mối quan hệ mới sớm thường có nhiều những cảm xúc lãng mạn hơn”. Kết luận này được cô đưa ra sau một nghiên cứu về sức khoẻ tâm sinh lý của những người vừa trải qua việc chia tay. “Họ tự tin hơn, khao khát hơn và đáng yêu hơn. Họ cảm thấy trưởng thành và độc lập hơn. Càng quên người cũ nhanh, họ càng có cảm giác yên ổn. Không có trường hợp nào cho thấy biểu hiện tốt hơn ở những người độc thân”.
Cô Brumbaugh nói, người ta thường cho rằng một người nên đợi ít nhất 5 tháng trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới và rằng một mối quan hệ như vậy sẽ không lâu dài. Nhưng đó là người ta nói, không phải điều các dữ liệu chỉ ra. Một nghiên cứu thực hiện với những người mới chia tay cho thấy, người mau chóng tìm kiếm cho mình một đối tượng mới tự tin hơn, khoẻ mạnh hơn, và ít cảm thấy lo lắng hơn. Mối quan hệ mới giúp cho cuộc sống của họ vận chuyển nhẹ nhàng khi chuyển từ yêu người này sang yêu người khác.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người “yêu sớm” thường là người hay cảm thấy bất an trong mối quan hệ cũ. Những người yêu sớm sau khi chia tay này cũng có chỉ số tự tin cao hơn. Nhưng kết luận này có thể là kết quả của việc so sánh khi đo lường chỉ số bất an trong một mối quan hệ có nguy cơ tan rã rồi sau đó lại đo lường sự tăng trưởng của sự tự tin sau khi tìm được người yêu mới.
Trưởng thành sau chia tay
Một giải thích được đưa ra cho việc cần có “một khoảng lặng” trước khi bắt đầu mối quan hệ mới là người ta cần có thời gian để hàn gắn vết thương lòng và chín chắn hơn, mạnh mẽ hơn. Điều này cũng khá logic. Sau khi chia tay, một cá nhân thông thường cho thấy họ đã trưởng thành hơn. Họ nói kiểu như: “Tôi cảm thấy tự tin hơn” hoặc “Tôi thấy độc lập hơn”.
Tuy vậy, những thí nghiệm này dựa trên những báo cáo cá nhân về mức độ trưởng thành, nghĩa là chúng có thể không được khách quan lắm. Một người có thể nói anh ta cảm thấy tự tin hơn nhưng anh ta có thực sự tự tin hay không là một vấn đề khác. Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng không có sự thay đổi về mức độ chín chắn sau khi một người trải qua một sự kiện đau lòng. Chúng ta về cơ bản cho rằng mình đã chín chắn hơn là bởi một nhận thức thiên kiến gọi là “ảo giác tích cực”.
“Người ta đôi khi thổi phồng những đánh giá này để nâng cao lòng tự trọng của bản thân”, nhà tâm lý học Ty Tashiro, tác giả cuốn The Science of Happily Ever After (Khoa học của Hạnh phúc vĩnh cửu) nói. “Chia tay có thể làm tổn thương lòng tự trọng của bạn. Nhưng nếu bạn nói với mình rằng bạn cảm thấy độc lập hơn, nó có thể cân bằng điều đó. Có thể sự thực là bạn không độc lập hơn chút nào, nhưng nghĩ như vậy sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn trước thực tế là bạn vừa bị đá”.
Các nghiên cứu của Tashiro thời ông còn làm việc tại trường Đại học Maryland cho thấy, việc tìm một đối tượng mới sớm hay muộn không ảnh hưởng tới độ chín chắn của một người. Vậy nên, chờ đợi để yêu người mới cũng sẽ không khiến bản thân bạn tốt hơn, nó chỉ bất quá là tạo ra cho bạn cảm giác mình đã trưởng thành.
Chia tay rồi, là lỗi của đối phương, lỗi của bạn, hay có nguyên nhân bên ngoài? Nghiên cứu chỉ ra rằng việc bạn “dành” phần trách nhiệm ấy cho ai thực sự có tác động đến sự phát triển tính cách cá nhân. Người có xu hướng đổ lỗi cho các yếu tố về hoàn cảnh như công việc hay không hoà thuận với gia đình của đối phương cho thấy sự thay đổi tích cực ở bản thân họ. Ngược lại, những người tự trách bản thân lại thay đổi ít hơn.
Nhưng rốt cuộc thì những biến cố trong cuộc đời luôn để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc. Cùng một sự việc như vậy nhưng khi bắt đầu một mối quan hệ mới, một người sẽ có những phương cách xử lý cụ thể hơn. Nhà tâm lý học Tashiro nói rằng câu trả lời thú vị nhất mà ông nhận được là từ một chàng trai kể rằng anh ta đã học được cách nói câu: “Anh xin lỗi”.
“Tôi thích câu nói đó vì có một sự đặc thù liên quan đến câu nói ấy”, ông nói. “Nó cũng rất thực tế nữa. Tôi có thể tượng tưởng ra hoàn cảnh mà anh ta nói câu đó. Biết cách nói câu xin lỗi sẽ giúp anh chàng này rất nhiều trong các mối quan hệ sau này”.
Cảm giác gắn bó
Cách một cá nhân hành xử trong một mối quan hệ là yêu thương, quan tâm, gần gũi hay thờ ơ, lãnh đạm có liên hệ mật thiết với tính cách và những quan niệm của người đó.
Những người hay cảm thấy bất an trong tình yêu thường được nuôi dưỡng trong gia đình có cha mẹ sử dụng phương thức giáo dục nhất quán (consistent treatment), nghĩa là những người luôn hành xử theo một cách cố định, không thay đổi. Họ tìm kiếm sự chia sẻ từ bên ngoài. Họ có xu hướng tin tưởng người khác, họ tìm đến những người bạn thân hoặc người thân trong gia đình.
“Lý thuyết gắn bó” cũng trở nên phức tạp hơn khi chúng ta nhìn vào người trong cuộc của một mối quan hệ bấp bênh. Những người này thường có xu hướng tìm kiếm một mối quan hệ sớm hơn người khác. Quá chấp trước vào người cũ và đối diện với tổn thương bằng sự hận thù chính là nguyên nhân khởi phát cho sự bất an và lo lắng của họ. Những người này cũng trải qua nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần, họ thậm chí còn đi đến cực đoan để cứu vãn mối quan hệ cũ. Ngược lại, một người mạnh mẽ và độc lập sẽ không để bóng hình người cũ ảnh hưởng đến cuộc sống và tình yêu mới của họ.
“Người bất an thường lo lắng, ghen tị hoặc tìm mọi cách để có được sự chú ý nhưng lại không đạt được điều ấy”, nhà tâm lý học Brumbaugh cho biết. “Người tự ti hay tách mình ra khỏi sự thân mật, không sẵn sàng mở lòng mà thường tập trung vào công việc. Dù đang yêu nhưng họ vẫn không thích sự thân mật”.
Phương pháp giáo dục của cha mẹ thời thơ ấu cũng tác động khá nhiều đến việc hình thành các quan niệm và chấp trước tuổi trưởng thành nhưng cũng không phải tuyệt đối. Bố mẹ không giàu tình cảm không nhất định hình thành một cá tính tự ti, mặc cảm mãi mãi. Một trái tim ấm ấp và giàu tình cảm có thể hâm nóng hoặc khơi gợi sự tự tin và an tâm của họ. Tuy nhiên, cũng có vài bằng chứng chỉ ra rằng những chấp trước này là di truyền, chứ không nhất thiết là do ảnh hưởng từ người khác.
Tìm kiếm bóng hình người cũ ở người mới
Một người thường có xu hướng bộc lộ những quan niệm về sự gắn bó này khi đối mặt với người yêu mới. Trường hợp người yêu mới có nhiều điểm tương đồng với người yêu cũ, họ thậm chí còn mặc định những quan niệm và niềm tin này nhiều hơn.
“Con người chúng ta thích sự ổn định,” ông Brumbaugh nói. “Bằng cách tìm một người giống với người yêu cũ, họ có được sự ổn định này. Những người yêu người khác ngay khi chia tay cũng tự thấy rằng họ tìm kiếm nhiều điểm tương tự của người cũ ở người mới. Chúng tôi chưa thể khẳng định khách quan rằng điều này tồn tại vì đó là những báo cáo cá nhân, nhưng bản thân họ thấy được sự giống nhau đó”.
Các cặp đôi thường coi nhau như một phần của đối phương. Họ chia sẻ với nhau các mối quan hệ bè bạn và sở thích. Chính vì vậy mà sau khi chia tay, không ít người tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Là mất đi một phần cá tính, cũng là mất đi một người họ cùng chung niềm vui và sở thích. Nhu cầu tìm kiếm người mới để lấp đầy những chỗ trống ấy cũng là dễ hiểu.
Sự việc nào trên thế gian này cũng tồn tại hai mặt đối lập. Sự tương đồng này có thể khiến một người tiến vào một mối quan hệ mới một cách dễ dàng nhưng cũng đem lại những điều dở. “Nếu bạn trai cũ của tôi là Sam, bạn trai mới là Bob và có điều gì đó ở Bob khiến tôi liên tưởng tới Sam, tôi sẽ có xu hướng nhận định nhiều hơn cần thiết về Bob”, Brumbaugh nói. “Chẳng hạn Sam là một anh chàng giỏi nấu ăn và lãng mạn, tôi sẽ trông chờ điều tương tự ở Bob. Điều này trên thực tế lại gây ra nhiều phiền phức. Tôi muốn anh ấy cũng lãng mạn như Sam và bất cứ khi nào anh ấy không như vậy, tôi lại cảm thấy hụt hẫng và thất vọng, mặc dù Bob là người cũng khá lãng mạn”.
Bạn thân mến, dẫu có yêu ngay sau khi chia tay hay không cũng cần lý trí mà nhận định rằng, đó không phải giải pháp hoàn hảo cho một trái tim tan vỡ. Đừng quá đau buồn nếu ai đó làm bạn tổn thương, vì biết đâu trong dòng chảy dài của sinh mệnh, bạn cũng đã từng gây cho họ thương tổn. Luân hồi bao nghìn năm, gặp nhau đời này âu cũng là duyên số. Là thiện duyên hay ác duyên, hãy bình thản đón nhận…