Một cây bút chì nhỏ vừa xuất xưởng. Nó rất tò mò về cuộc sống ngoài kia, thế nên trước khi được chuyển đến cửa hàng, cây bút chì nhỏ đã đem thắc mắc của mình hỏi người thợ làm bút chì.
Người thợ già nhìn chiếc bút chì nhỏ xinh, mỉm cười: “Có năm điều mà cháu và các anh em của cháu nên nhớ khi bắt đầu cuộc sống. Nếu cháu nhớ và làm được thì cháu sẽ trở thành cây bút chì tốt nhất.
Thứ nhất: Cháu có thể làm được những điều kỳ diệu nhất nếu cháu nằm trong tay một người nào đó và giúp họ làm việc.
Thứ hai: Cháu sẽ cảm thấy đau đớn mỗi khi bị gọt, nhưng phải như thế cháu mới tốt hơn và có thể tiếp tục cuộc sống của mình.
Thứ ba: Nếu cháu viết sai một lỗi, hãy nhớ để sửa lại là được. Không một ai trên thế gian này là hoàn hảo cả, đó cũng chính là lí do trên mỗi cây bút chì thường có gắn thêm một cục tẩy!
Thứ tư: Điều quan trọng nhất đối với cháu và những người dùng cháu không phải là nước sơn bên ngoài của cháu, mà là những gì bên trong cháu đấy.
Và cuối cùng: Trong bất cứ trường hợp nào, cháu vẫn phải tiếp tục viết, đó là cuộc sống của cháu. Cho dù cháu gặp tình huống khó khăn như thế nào, hãy luôn viết thật rõ ràng và để lại những dấu ấn của mình, dù cháu chỉ là một cây bút chì bé nhỏ”.
***
Giá trị của cây bút chì được thể hiện ra khi nó giúp người khác làm việc. Con người chúng ta cũng vậy, giá trị của một người thể hiện ra khi họ biết nghĩ cho người khác và mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Người xưa có câu rằng: “Con người là anh linh của vạn vật”, bởi lẽ con người chúng ta có chuẩn mực đạo đức để câu thúc nhân tâm, tránh làm điều xấu, hay làm điều tốt, thường xuyên tu dưỡng đạo đức bản thân để tạo ra những điều tốt đẹp, những điều kỳ diệu cho mọi người xung quanh.
Tất nhiên, đường đời nhiều chông gai, con đường chúng ta bước đi không hề bằng phẳng, có lúc bạn sẽ vấp ngã tưởng chừng không vực dậy nổi. Thế nhưng, những thử thách ấy sẽ tôi luyện con người bạn, tôi luyện ý chí kiên cường và lòng nhẫn nại của bạn, giúp bạn trưởng thành hơn, rắn rỏi hơn và mạnh mẽ hơn.
“Nhân vô thập toàn”, là một con người thì dĩ nhiên sẽ có lúc phạm sai lầm. Quan trọng là bạn nhìn nhận nó như thế nào: Bạn sẽ coi đó là một bài học, một kinh nghiệm để từ đó sửa sai và đứng lên? Hay bạn sẽ cố che giấu sai lầm đó và cứng đầu không sửa đổi? Can đảm nhìn vào sai lầm của mình để lần sau làm tốt hơn, ấy là phong thái của người trí tuệ.
Trong mối quan hệ giữa người với người, hãy đối xử với người khác bằng lòng chân thành. Đừng chỉ quan tâm tạo một hình tượng tốt đẹp bên ngoài nhưng nhân cách bên trong lại xấu xa nham hiểm, giống như câu cổ ngữ xưa đã từng phê phán:
“Mặt ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao“.
Người ta nói: Quân tử như cỏ chi lan mọc trong rừng sâu, không vì người đời không nhìn thấy mình mà không thơm. Hương thơm của đức hạnh sẽ ngược gió bay khắp muôn phương, người có phẩm chất đạo đức tốt sẽ được mọi người yêu mến và kính trọng.
Có thể trên thế giới hơn 7 tỷ người này, chúng ta chỉ là một cá nhân bé nhỏ. Nhưng dù chỉ là một ngọn đèn nhỏ, bạn vẫn có thể tỏa ra ánh sáng độc nhất của mình. Hãy tu dưỡng đạo đức, hãy biết nhận sai và sửa sai, hãy vực dậy khi vấp ngã và biết nghĩ cho người khác. Tất cả điều đó sẽ tạo nên giá trị thật sự của mỗi chúng ta.
Thiên Thanh
Bạn đang đọc bài viết: “Cây bút chì và bài học thấm thía về giá trị của một con người” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |