Những người thích đọc sách những năm thập niên 90 thế kỷ 20, chắc chắn sẽ không bỏ qua tạp chí “Kiến thức ngày nay” với nhiều nội dung, kiến thức rất phong phú về lịch sử, văn hóa, giáo dục và đời sống.

Và chắc chắn, chúng ta cũng không quên một chuyên mục đặc sắc, làm lên thương hiệu của “Kiến thức ngày nay”. Đó là mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tác giả An Chi, một chuyên mục đầy kiến thức lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ truyền thống rất cuốn hút với độc giả, với giọng văn dí dỏm, uyên bác.

Bút danh An Chi – Huệ Thiên là ai?

Tác giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 tại Sài Gòn. Ông vốn là học sinh giỏi toán, từng làm công nhân, học Trung cấp Sư phạm, dạy cấp 2 ở Thái Bình. Ông giỏi các ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và chữ Hán, hầu hết đều mày mò tự học là chính.

Ông chia sẻ: “Năm 9 tuổi, loạn lạc xảy ra liên miên nên gia đình cho tôi về Chợ Lớn học ở mấy trường người Tàu dạy nên tôi có bạn bè là người Hoa nhiều. Mấy tiệm gần nhà mua sách báo cân ký về gói hàng nên tôi hay qua chơi lùng đọc, nhờ vậy mà trau dồi, biết thêm nhiều kiến thức. Phía trước nhà, ba má tôi cho chị bán tạp hóa người Quảng Đông hành nghề nên rảnh rỗi tôi lại thọ giáo chị về cách phát âm chuẩn nhất. Sau này mới có điều kiện và vốn liếng từ ngữ để viết lách tranh luận với các cây đa cây đề trong lĩnh vực này”.

Tác giả An Chi. (Ảnh: youtube.com)

Huệ Thiên mang ý nghĩa gì?

Về bút danh Huệ Thiên của ông, có một giai thoại khá thú vị. Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Bùi Giáng có viết bài thơ tặng Huệ Thiên như sau: 

Một trời trí huệ thênh thang
Đi về bắt gặp thằng lang thang Bùi
Bỗng dưng vô tận ngậm ngùi
Từ đâu vô lượng lấp vùi nỗi đau.

Chữ Huệ Thiên, nhà thơ Bùi Giáng cho rằng là chữ Hán “Huệ Thiên” (慧天), nghĩa là một trời trí huệ (trí tuệ). Vì cảm phục tri thức thông kim bác cổ của An Chi – Huệ Thiên, nên Bùi Giáng đã viết tặng mấy câu thơ trên. Nhà thơ cũng rất khiêm tốn, coi mình là người lang thang: “thằng lang thang Bùi”.

Còn An Chi – Huệ Thiên thì giải thích ông lấy tên Huệ Thiên là đọc ngược từ tên thật của ông, Thiện Hoa, ngược lại là Họa Thiên, một trời tai họa. Nghe ghê quá nên đọc chệch ra là Huệ Thiên, và lấy chữ Hán là 蕙芊, trong đó Huệ là hoa huệ, và còn có nghĩa cao nhã, thanh khiết, và chữ Thiên nghĩa là tốt tươi.

Như vậy Huệ Thiên nghĩa là vẻ tươi tốt của hoa huệ, cũng có nghĩa vẻ tươi tốt của cao nhã thanh khiết. Có thể thấy, An Chi – Huệ Thiên rất khiêm tốn, học vấn uyên thâm, thông kim bác cổ, nhưng chỉ nhận mình là bông hoa huệ nhỏ nhoi, giữ cốt cách thanh cao, hiến dâng cho đời chút hương thơm thanh khiết mà thôi.

An Chi là cái chi chi?

Còn bút danh An Chi có ý nghĩa ra sao thì cũng là một câu chuyện thú vị, mang ý nghĩa sâu sắc. Bút danh này thể hiện học vấn uyên thâm, theo phong cách cổ nhân. Ví dụ vua Minh Mạng, tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, sau khi lên ngôi lấy niên hiệu Minh Mạng. Niên hiệu Minh Mạng lấy từ sách “Thượng thư – Hàm hữu nhất đức”: “Khắc hưởng thiên tâm, thụ thiên minh mạng (mệnh)”, có nghĩa là: Được hưởng lòng Trời, được cái mệnh (mạng) sáng của Trời.

Trang bìa các số báo Kiến thức ngày nay. (Ảnh: brandcom.vn)

Vua Minh Mạng lấy niên hiệu từ câu kinh điển trong sách Thượng Thư, còn An Chi – Huệ Thiên lấy bút danh An Chi từ sách “Luận Ngữ”. Trong Luận Ngữ có đoạn như sau:

Một hôm, Nhan Uyên và Tử Lộ đứng hầu bên Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Các trò hãy nói chí hướng của mình ta coi”.

Tử Lộ nói: “Con sẵn lòng chia sẻ quần áo, xe ngựa cùng với bạn bè, dùng đến hỏng, rách cũng không hối tiếc”.

Nhan Uyên nói: “Con không muốn phô bày những điều tốt đẹp, sở trường của mình, không phô bày công lao của mình”.

Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử: “Chúng con mong muốn được biết chí hướng của thầy”.

Khổng Tử nói: “Chí hướng của ta là muốn làm cho người già yên tâm, an vui, làm cho bạn bè tin tưởng tín nhiệm lẫn nhau, làm cho trẻ em được quan tâm chăm sóc” (Nguyên văn: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi).

Từ bút danh An Chi, có thể thấy ông rất tôn kính và yêu thích học thuyết Nho gia với tư tưởng Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Ông khâm phục tư tưởng và hoài bão của Khổng Tử, muốn cho người già được yên tâm, an vui, muốn cho bạn bè tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau, muốn cho trẻ em được quan tâm chăm sóc. Có lẽ đó cũng là ước mơ của An Chi, và cũng là động lực để ông tự học dùi mài để có được vốn kiến thức hiểu biết sâu rộng như thế này.

An Chi – Huệ Thiên, một bông hoa huệ tươi đẹp, nhỏ bé, vẫn cần mẫn lặng lẽ, hiến dâng cho đời hương thơm thanh khiết của mình, với mong ước một xã hội bình an, các tầng lớp, các lứa tuổi trong xã hội đều được quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ai ai cũng yên vui, an lạc.

Nam Phương

Từ Khóa: