Có hay không câu chuyện Thiên Đàng – Địa ngục, hay thế giới Thiên Quốc mỹ diệu của Phật Pháp nhiệm màu? Câu hỏi này từng khiến nhân thế ngàn năm băn khoăn trăn trở: giới tu luyện chính Pháp, chính Đạo thì luôn tin đó là ‘Bến quê’ – nơi trở về của ngọn nguồn sinh mệnh, giải thoát mọi khổ đau phiền lụy trong cõi vô thường. Người chưa ngộ Đạo lại coi đó là chuyện huyền bí hoang đường, phi thực tại…
Trong khuôn khổ của loạt bài viết này, chúng tôi không đưa ra lời khẳng định từ cơ điểm khoa học hoặc tôn giáo mà chỉ đơn thuần khách quan giới thiệu lại câu chuyện trải nghiệm của một vị cao tăng – Pháp sư Khoan Tịnh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Chuyện được ông kể lại trong buổi thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Đà (Sin-ga-po) vào tháng 4 năm 1987, ngõ hầu đem tới cho quý độc giả những hình dung thú vị về một cảnh giới nào đó thuộc Thế giới cao tầng. Nếu không tin, các bạn cũng có thể xem như là mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích.
“Tây phương Cực Lạc thế giới du ký” được Bút giả cư sĩ Lưu Thế Hoa căn cứ theo lời kể của Khoan Tịnh Pháp sư mà ghi lại, phóng viên thời báo Đại Kỷ Nguyên tổng hợp và giới thiệu.
Du ngoạn cảnh Tiên, được Bồ Tát Di Lặc và ân sư chỉ dạy…
Sau đó chúng tôi cùng tiến vào nội điện của cung trời Đâu Xuất để đảnh lễ Bồ Tát Di Lặc. Vẻ đẹp đẽ và hùng tráng của Điện Di Lặc thật là không bút mực nào có thể hình dung ra được, nơi đâu cũng lấp lánh, óng ánh vàng.
Trên cửa điện có gắn 3 chữ lớn tỏa ánh vàng kim viết bằng hán văn: ‘Đâu Xuất Thiên’. Tại đây, chính mắt tôi được diện kiến đức Bồ Tát Di Lặc. Dáng vẻ của Ngài không giống như ông Phật cười ngất với cái bụng to, tròn ung ủng như tượng Phật Di Lặc mà dưới thế gian vẫn thường hình dung. Bồ Tát Di Lặc hiện tướng trang nghiêm với đủ 32 tướng tốt và 80 oai nghi, trông Ngài rất là đẹp!
Hai bên đại điện có rất nhiều Bồ Tát. Những Bồ Tát ấy mặc các loại áo đạo khác nhau đang đứng hoặc ngồi, nhưng những vị mặc áo cà sa đỏ có ánh hào quang tỏa ra từ y phục là chiếm đa số. Mỗi vị đều ngự trên một tòa sen. Tôi bèn tiến lên đảnh lễ Bồ Tát Di Lặc và xin Ngài chỉ dạy. Bồ Tát Di Lặc khai thị cho tôi một số pháp âm:
– Ta sẽ giáng sinh vào thế giới Ta Bà khi mở Hội Long Hoa lần thứ ba. Lúc ấy cả địa cầu không nơi đâu có núi cao hay biển sâu, hang ổ vực thẳm… cả cõi đất đều bằng phẳng như bàn tay. Thế giới Ta Bà sẽ biến thành tịnh thổ nhân gian. Để dọn đường, các ông dưới ấy cần thương yêu lẫn nhau, giữa đạo này với đạo khác đều không nên chê bai gièm pha, phỉ báng nhau. Trong cùng một đạo, giữa tông phái này với tông phái khác cũng phải tương hỗ khuyến khích lẫn nhau tinh tấn tu trì. Cần phải sửa đổi cái sai, phò trì cái đúng…
Ngài còn giảng nói nhiều nữa nhưng tôi nhớ không hết, cuối cùng tôi đảnh lễ tạ ân Ngài rồi lui ra ngoài.
Ân sư của tôi – Hư Vân lão hòa thượng lại dẫn tôi đến một tòa lầu các lớn. Trước tòa ấy có một vị ăn mặc giống như quần áo của võ tướng nhà Minh, xem ra không phải là Bồ Tát Vi Đà. Vị này dẫn tôi vào bên trong, rồi dọn ra đãi chúng tôi bánh mật hoa mà các tiên nữ ở đây hái và luyện thành. Tôi ăn thử một miếng. Chao ôi, sao mà thơm ngon, dịu ngọt và hấp dẫn đến thế!
Phước Vinh Đại Sư nói với tôi:
– Trên trời mọi người đều dùng loại bánh chế luyện bằng mật hoa này. Không những thân thể luôn thanh tịnh, kéo dài tuổi thọ mà còn làm trẻ lại và khỏe ra nữa.
Ông bảo:
Cứ ăn nhiều lên đi có lợi lắm đó!
Sau này đúng là thể trạng tôi phục hồi thanh xuân, tôi cảm thấy trẻ ra và thân thể cũng cảm thấy nhẹ nhàng phiêu đãng hơn nhiều, và mãi cho đến hôm nay, tôi chưa hề phải dùng đến một viên thuốc nào cả.
Tiếp đến Đại Sư Phước Vinh lại nói:
– Người ở Thượng giới nếu ham vui chẳng chịu tu hành thì cũng y như người giàu có ở thế gian vậy: không chịu tu luyện chỉ ở nhàn hưởng cái phúc trước mắt mà chẳng hề biết là bản thân chưa ra khỏi tam giới, chưa thoát khỏi khổ đau của kiếp sinh tử luân hồi. Chúng tôi nay ở đây nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết pháp, sau này giáng thế cứu độ chúng sinh, mới là thực sự hành Bồ Tát Đạo, thoát khỏi sinh tử…
Lúc ấy Ân Sư tôi cũng dạy tôi thêm:
– Thời kỳ mạt pháp này cần phải tu hành, cứu độ chúng sinh. Trong hoàn cảnh ác liệt nhất, trong tình huống xấu xa nhất cũng đều phải thể hiện tâm đại từ bi, đừng tham cầu tiện nghi trong thuận cảnh mới độ sinh, mới từ bi hỷ xả được. Vậy nên đừng né tránh nghịch cảnh, cần phải giảng cho người ác biết giác ngộ, biết quay đầu hướng thiện, hành thiện. Con người có hướng thiện, cuộc sống mới tốt lành. Để thanh tịnh mà tu, ở ngay trong hoàn cảnh xấu ác nhất mà kiên quyết giữ được Huệ mạng Phật, Bồ Tát đó mới là thực hành chính đạo Bồ Tát. Ta dặn con, khi trở lại thế gian cần nói cùng đồng đạo, nhất là các bạn cùng tu, cần lấy giới làm Thầy, theo cũ mà hành trì, đừng cải cách duy tân, sửa đổi tăng chế. Ta rất đau lòng thấy có người cho chú Lăng Nghiêm là giả, có kẻ còn không tin nhân quả, lại còn bịa ra trứng là chay lạt! Đã không chịu khó tu trì để cảm hóa chúng sinh lại còn dùng những pháp tà mị để giải nói về kinh Phật tới loạn cuồng lên những mong hưởng của cúng dường! Những thứ ấy đều là do ma giáo trà trộn vào cõi phàm để triệt tiêu huệ căn của Như Lai, khiến quần ma có thể xuất đầu lộ diện, nhiễu hại chúng sinh, con hiểu chưa? Còn điều này nữa, con cần hết sức noi theo ý chí ta, mới là trò ta. Ta cho con biết, sau này con sẽ đi khắp các nước Âu Á để thuyết pháp độ sinh. Nhưng muốn chuyển hóa chấn động được lòng người ở hoàn cảnh xấu ác nhất thì con cần phải sửa sang lại, phục hưng lại được tâm tính và đạo đức người tu Đạo. Bởi thế nên hồi mới truyền pháp cho con ta mới đặt danh cho con là Phục Hưng đó, con có biết không?
Ngưng một lúc, Ân sư tôi đột nhiên lớn tiếng ngâm rõ từng câu kệ:
“Thâm tùng sương tuyết du kiên uyển,
Hải thiên nhất sắc biến Tam thiên.”
(Trong hoàn cảnh sương tuyết dầy đặc ấy, cây thông vẫn kiên trì giữ lẽ sống của mình; Màu biển nếu tựa màu trời, có thể lan tỏa mãi thế tới thế giới Tam thiên).
Nghỉ ngơi một hồi Bồ Tát Quán Âm dẫn tôi ra khỏi đại điện đi tham quan thắng cảnh. Cả một bầu trời chói lọi ánh sáng trong lành, những chim chóc tuyệt đẹp đua nhau ca hót véo von, âm sắc du dương chợt xa chợt gần. Các tiên nữ, tiên đồng mặc đủ loại áo tiên thướt tha, mỹ lệ tuyệt vời, đi lại chỉnh tề, tự tại dạo chơi. Hoa mọc khắp nơi, đua nở với mọi hình sắc lộng lẫy huy hoàng. Ẩn hiện xa gần là những đình đài lầu các, bảo tháp bảo đàn… tất cả đều phát ra những ánh sáng lung linh huyền diệu, thật là cảnh ở trên trời so với thế gian tươi sáng đẹp đẽ như muôn với một vậy! Tôi vừa thưởng ngoạn vừa không ngớt miệng khen. Bồ Tát Quán Âm thấy vậy đưa tay chỉ cho tôi thấy ở phía xa xa ấy có một ngọn núi to hơn quả núi Côn Lôn, phóng ra muôn vạn hào quang đủ mọi màu sắc, Bồ Tát Quán Thế Âm nói với tôi rằng:
– Đấy là xứ của Thái Thượng Lão Quân (tức Lão Tử), gọi là: ‘Luyện Ðan Ðại Tháp’.
Phóng tầm nhìn ra, tôi thấy tòa tháp luyện đan ấy vô cùng tráng lệ ẩn hiện trong lớp lớp tầng mây, cũng chẳng biết bao nhiêu tầng mây tía ôm lấy quanh quả núi chói lọi hào quang đó. Chúng tôi chỉ nhìn mà không ghé thăm núi ấy, Bồ Tát Quán Âm nói thêm:
– Tháp ấy là nơi cư trú của các chư vị Thượng Tiên, Ðại Tiên, chung quanh các phía có rất nhiều những cây Linh Nguyên (cây Linh Nguyên là Nguyên thần của người tu theo đạo Tiên), cùng hoa quả bốn mùa.
Nghe nói cách tu của đạo Tiên ở thế gian, từ khi phát nguyện tu là trên trời mọc một cây Linh Nguyên như vậy. Tu khá thì cây ấy tốt đẹp, bằng không thì cây ấy èo uột và có khi chết yểu nếu ở thế gian vị tu Đạo ấy phạm quá nhiều lầm lạc…
Lúc ấy Bồ Tát Quán Âm lại hối thúc tôi:
– Thì giờ eo hẹp lắm đi cho nhanh, tôi dắt ông đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, so với những cảnh này còn đẹp và thích thú hơn nhiều!…
Đôi chút luận bàn:
Vì sao trên cõi Thượng giới ấy, Pháp sư Khoan Tịnh được đức Bồ Tát Di Lặc khai thị rằng: để Thế giới Ta Bà sau này biến thành tịnh thổ nhân gian, thì các chúng sinh ở dưới ấy cần “thương yêu lẫn nhau, giữa đạo này với đạo khác đều không nên chê bai gièm pha, phỉ báng nhau. Trong cùng một đạo, giữa tông phái này với tông phái khác cũng phải tương hỗ khuyến khích lẫn nhau tinh tấn tu trì. Cần phải sửa đổi cái sai, phò trì cái đúng”; Hư vân lão hòa thượng cũng nhất mực dặn dò đệ tử của ông như sau:
“Thời kỳ mạt pháp này cần phải tu hành, cứu độ chúng sinh. Trong hoàn cảnh ác liệt nhất, trong tình huống xấu xa nhất cũng đều phải thể hiện tâm đại từ bi, đừng tham cầu tiện nghi trong thuận cảnh mới độ sinh, mới từ bi hỷ xả được. Vậy nên đừng né tránh nghịch cảnh, cần phải giảng cho người ác biết giác ngộ, biết quay đầu hướng thiện, hành thiện. Con người có hướng thiện, cuộc sống mới tốt lành”…
Cổ ngữ có câu: ‘Thời thịnh thế chơi đồ cổ, thời loạn thế tích vàng kim, thời mạt pháp phải tu hành’. Tu hành ấy cũng chính là con đường hồi thăng các giá trị đạo đức từ đó mà quay trở về với bản nguyên sinh mệnh. Siêu thoát khỏi mọi khổ đau phiền lụy nơi cõi vô thường. Đáng tiếc thay, nay đã vào thời mạt Pháp nhưng cõi nhân sinh vẫn mải mê tìm kiếm, ngụp lặn tranh đấu trong ‘danh – lợi – tình’. Có người chỉ vì chút đỉnh lợi ích cá nhân mà bất chấp cả đạo lý, ấy cũng bằng như tự làm hao tổn phúc phận, triệt hạ đi con đường sinh mệnh của chính mình.
Lại có những kẻ không còn tin vào quy luật nhân quả, tuyên truyền tà thuyết: ‘giả – ác – đấu’. Phủ nhận Phật Pháp, bức hại người tu luyện, phá hủy các giáo đường, Thánh địa… xem ra những tội ác đó cũng không hề nhỏ nữa! Làm nên những chuyện ‘thương thiên hại lý’, bại hoại đạo đức nhân luân như vậy thì phải chăng: “Những thứ ấy đều là do ma giáo trà trộn vào cõi phàm để triệt tiêu huệ căn của Như Lai, khiến quần ma có thể xuất đầu lộ diện, nhiễu hại chúng sinh”… đúng như lời mà Hư Vân lão hòa thượng đã từng nhận định.
Câu chuyện Pháp sư Khoan Tịnh tiến nhập vào Thiên quốc Tây phương Cực Lạc vô cùng kỳ thú và mỹ diệu sẽ còn tiếp tục triển hiện ra sao, những lời tiên tri ẩn dụ nào được nhắn gửi về miền nhân thế? Xin kính mời quý vị độc giả đón đọc tiếp kỳ sau…
Còn tiếp…
Đường Phong