Dự ngôn là lời tiên tri mà các bậc cao nhân, Thánh giả để lại cho hậu thế. Có người thắc mắc: Đã là tương lai thì sao có thể đoán trước được? Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu như một quyển sách có thể tiên đoán chính xác sự thay triều đổi đại trước đó cả ngàn năm, thì điều gì sẽ xảy ra?
Có người hồ hởi nâng niu cuốn sách ấy như vật báu, nhưng cũng lại có người tim đập chân run, mất ăn mất ngủ, muốn trừ bỏ cuốn sách đi mới có thể yên tâm. Và đó chính là vận mệnh của cuốn sách tiên tri “Thôi Bối Đồ”.
“Thôi Bối Đồ” viết: “Mang mang thiên số thử trung cầu”, nghĩa là: Thiên mệnh mênh mang đều có thể được tìm thấy trong cuốn sách này.
“Thôi Bối Đồ” được Lý Thuần Phong biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán của triều Đường, bao gồm 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi bức hình đều kèm theo “Sấm viết” và “Tụng viết” bằng thơ, dự ngôn các sự kiện trọng đại phát sinh từ triều Đường cho tới nay.
Nội dung từ Tượng 2 cho tới Tượng 9 dự đoán các sự việc của triều Đường (618-907), trong đó có các sự kiện như Võ Tắc Thiên nắm quyền, loạn An Sử, cái chết của Dương Quý Phi, dị tộc xâm nhập Trung Nguyên, loạn Kiến Trung, Hoàng Sào dấy binh cho tới Chu Ôn diệt Đường, v.v.
Tiếp theo từ Tượng 10 cho tới Tượng 14 là thời Ngũ Đại; Tượng 15 tới Tượng 20 nói về Bắc Tống; Tượng 21 đến Tượng 24 nói về Nam Tống, với triều Nguyên chỉ có hai Tượng 25 và 26 trong khoảng thời gian chưa đầy 100 năm. Tiếp đó Tượng 27 là triều Minh khai quốc cho đến Tượng 32 là triều Minh diệt, Tượng 33 đến Tượng 37 nói về triều Thanh. Cho tới Tượng 39 là Nhật Bản xâm lược Trung Hoa, bước vào thời cận đại.
Mặc dù các dự ngôn đa phần liên quan đến Trung Quốc, nhưng những dự ngôn sau này (từ tượng 41 đến 60) lại là các sự kiện trọng đại có sức ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
Bài viết này giới thiệu đến độc giả một vài đồ tượng tiêu biểu trong “Thôi Bối Đồ”.
Tượng 42 Ất Tỵ: Nghệ thuật đến từ phương Tây nhưng lại khôi phục truyền thống Á Đông
Sấm viết:
“Mỹ nhân tự Tây lai
Triều trung nhật tiệm an
Trường cung tại địa
Nguy nhi bất nguy”
(Mỹ nhân đến từ Tây
Trong triều dần dần an
Cung dài dưới đất
Nguy mà không nguy)
Tụng viết:
“Tây phương nữ tử Tỳ Bà tiên
Kiểu kiểu y thường sắc cánh tiên
Thử thời hồn tích cư triều thị
Nháo loạn quân thần bách vạn bàn”
(Cô gái Tây phương Tỳ Bà tiên
Trang phục rực rỡ sắc hơn tiên
Lúc này vết đục nơi triều thị
Nháo loạn vua tôi trăm vạn bàn)
Trong đồ hình là một thiếu nữ phương Đông mặc trang phục cổ đại, ôm cây đàn Tỳ Bà, đoan trang đứng ở chính giữa bức họa; bên trái là một cây cung đặt trên mặt đất; bên phải là một con thỏ ngọc đang nằm.
Thiếu nữ ôm cây đàn Tỳ Bà là biểu tượng của diễn xuất văn nghệ, mà đàn Tỳ Bà lại là nhạc cụ tiêu biểu nhất cho văn hóa truyền thống Trung Hoa, do đó có thể nói Tượng 42 tiên đoán về sự xuất hiện của một hình thức nghệ thuật mang đậm nét văn hoá truyền thống Á Đông.
“Tây phương nữ tử Tỳ Bà tiên; Kiểu kiểu y thường sắc cánh tiên” (Cô gái Tây phương Tỳ Bà tiên, Trang phục rực rỡ sắc hơn tiên): Cô gái mang dáng dấp của người Á Đông, trên tay ôm cây đàn Tỳ Bà của Trung Hoa nhưng lại được gọi là “Tây phương nữ tử”, trang phục rực rỡ được ví như một nàng tiên, cũng là vẻ đẹp thánh khiết từ thiên quốc. Như vậy đó là thứ nghệ thuật đến từ phương Tây nhưng không phải nghệ thuật hiện đại, mà là nghệ thuật Thần truyền, thấm nhuần nét văn hoá và truyền thống của người phương Đông.
Trong đồ hình còn có cây cung vốn dĩ có thể dùng để bắn thỏ lại bị vứt trên mặt đất. Cây cung có một hàm nghĩa là “võ” (võ lực). Chữ “võ” và “vũ” là đồng âm, võ tướng cổ đại lấy chữ “võ” từ biểu diễn vũ đạo. Cung đặt dưới đất, hiển nhiên là chỉ dùng chữ “vũ”, chính là lấy ca vũ làm chủ, triển hiện vũ múa cổ điển chân chính của Trung Hoa.
“Thử thời hồn tích cư triều thị, Nháo loạn quân thần bách vạn bàn” (Lúc này vết đục nơi triều thị, Nháo loạn vua tôi trăm vạn bàn): “Vết đục nơi triều thị” là ám chỉ chính quyền tham ô hủ bại và đầy rẫy những cuộc đấu đá quyền lực của Bắc Kinh. Một loại hình nghệ thuật Thần truyền của Trung Hoa đến từ phương Tây sẽ làm cho chính quyền Bắc Kinh chao đảo. Người Trung Hoa tin vào Thiên lý, đạo Trời, cũng tin vào lý tương sinh tương khắc: những thứ xấu xa hủ bại tất sẽ không muốn đứng cùng với những gì thánh khiết và thanh cao. Do đó, nghệ thuật Thần truyền mang âm hưởng của Thiên quốc ấy tất yếu sẽ khiến “nháo loạn vua tôi trăm vạn bàn”.
Tượng 40 Quý Mão: Bộ môn tu luyện làm chấn động nhà cầm quyền Trung Quốc
Sấm viết:
“Nhất nhị tam tứ
Vô thổ hữu chủ
Tiểu tiểu Thiên Cang
Thùy củng nhi trị”
(Một hai ba bốn
Không đất có chủ
Tiểu tiểu Thiên Cang
Không làm cũng trị)
Tụng viết:
“Nhất khẩu đông lai khí thái kiêu
Cước hạ vô lữ thủ vô mao
Nhược phùng Mộc Tử băng sương hoán
Sinh ngã giả hầu tử ngã điêu”
(Một miệng phía chủ khí thật kiêu
Chân không có móng đầu không mao
Nếu gặp Mộc Tử băng sương hết
Tôi sinh là khỉ chết là điêu)
Bức hình vẽ ba thiếu niên mặc cổ trang, đứng thành vòng tròn, mỗi người cầm trên tay một vật có dạng bánh xe (luân tử), trông giống bánh xe đang quay (phi luân). Mỗi người cầm bánh xe đều đưa tay về phía trước. Trông như mấy đứa bé đang chơi đùa, cũng giống như mỗi người cầm luân tử đang bận làm điều gì đó. Ngoài ra, ba tiểu hài cầm phi luân được vẽ ở Tượng 40 cũng có liên quan đến tu luyện.
“Thôi Bối Đồ” có rất ít bức họa với một vài người cùng làm một việc gì đó, đều là dùng một cá nhân để khái quát sự việc. Bức họa này vẽ ba cá nhân cùng làm một việc, là một câu đố chữ, ba cá nhân ở cùng một chỗ, ba chữ “nhân” (人) hình thành nên một chữ “chúng” (众), có nghĩa là “nhiều, đông”, đó là để nói có rất nhiều người cầm phi luân, dự báo sự hồng truyền của văn hoá tu luyện.
“Nhất nhị tam tứ, Vô thổ hữu chủ” (Một hai ba bốn, Không đất có chủ): Người có đất trong quá khứ được mọi người tôn kính, người có nhiều đất xưng là Vương hoặc là Hậu, người có đất lớn nhất xưng là Hoàng đế, cũng như câu “Thiên hạ dưới gầm trời này đều là đất của Vua”. Còn ở đây người không có đất lại được tôn làm Chủ, thì hiển nhiên là chỉ lãnh tụ tinh thần được mọi người tôn kính.
“Tiểu tiểu Thiên Cang, Thùy củng nhi trị” (Tiểu tiểu Thiên Cang Không làm cũng trị): Đạo gia cho rằng Thiên Cang là chòm sao Bắc Đẩu trong số 36 thần tinh. Người tu luyện công thành viên mãn, thần thông đại hiển, được ví như “Tiểu tiểu Thiên Cang”, không động tay không động chân mà vẫn có thể làm điều người động tay động chân mới có thể làm, do đó mới có chuyện “Không làm cũng trị”.
“Nhược phùng Mộc Tử băng sương hoán” (Nếu gặp Mộc Tử “木子” băng sương hết): “Băng sương” là chỉ vận động chính trị chỉnh nhân của ĐCSTQ. Trong hơn 60 năm cầm quyền, ĐCSTQ không ngừng đàn áp tín ngưỡng, bôi nhọ tôn giáo và bức hại những người tu luyện, từ Phật giáo đến Thiên Chúa giáo, từ Phật tử Tây Tạng đến người Duy Ngô Nhĩ, v.v. đều phải đổ máu dưới tay ĐCSTQ. Nhưng với môn tu luyện được nói đến trong Tượng 40 này, thì khi gặp Mộc Tử (木子) sẽ là “băng sương hết”, nghĩa là những kinh nghiệm đàn áp của ĐCSTQ trong quá khứ nay không còn linh nghiệm nữa.
Tượng 43 Bính Ngọ: Nhà nhà tu Đạo, người người luyện công
Sấm viết:
“Quân phi quân
Thần phi thần
Thủy gian nguy
Chung khắc định”
(Vua không vua
Tôi không tôi
Hết gian nguy
Rồi cũng định)
Tụng viết:
“Hắc thỏ tẩu nhập thanh long huyệt
Dục tận bất tận bất khả thuyết
Duy hữu ngoại biên căn thụ thượng
Tam thập niên trung tử tôn kết”
(Thỏ đen chạy vào huyệt thanh long
Muốn biết vĩnh viễn không thể nói
Chỉ có bên ngoài trên căn thụ
Trong ba thập niên con cháu kết)
Trong đồ hình là một già một trẻ đang luyện công, già mặc trang phục thường dân, trẻ mặc quan phục, đó là lúc không phân biệt quan dân, bần tiện, người người cùng nhau tu luyện.
“Quân phi quân, Thần phi thần” (Vua không vua, Tôi không tôi): Sẽ đến một thời kỳ, con người trong xã hội không còn hứng thú với những mưu cầu danh lợi, ai ai cũng chuyên tâm tu luyện, mong muốn được viên mãn, đắc Đạo, hồi Thiên.
“Hết gian nguy, Rồi cũng định”: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động, biến động của tự nhiên, và cả biến động của lòng người: Nào là thiên tai hạn hán, nào là lũ lụt sóng thần, nào là chiến tranh bạo loạn, nào là tranh quyền đoạt thế, nào là buôn gian bán lận, nào là dâm ô trộm cướp, nào là bệnh tật đầy thân… Nhưng rồi sẽ đến một ngày, tất cả những “gian nguy” ấy đều qua đi, nhân loại tiến vào một thời kỳ thái bình toàn thịnh, lòng người an định, đạo đức thăng hoa. Nội dung này có quan hệ chặt chẽ với Tượng 40, đó là kết quả tất yếu khi bộ môn tu luyện được hồng truyền khắp thế gian.
“Hắc thỏ tẩu nhập thanh long huyệt; Dục tận bất tận bất khả thuyết”: Câu đầu tiên là chỉ thời gian, nói “Hắc thỏ”, thì chỉ có Quý Mão là phù hợp nhất. Trong số các Thiên Can thì Nhâm, Quý chỉ Thủy, Thủy chủ màu đen, Mão chỉ thỏ. “Hắc thỏ” rõ ràng là chỉ năm Quý Mão. “Thỏ đen chạy vào huyệt thanh long”, ở đây Đông phương Giáp Ất Mộc thuộc vào thanh long, lại làm chủ mùa Xuân, sự việc này sẽ phát sinh vào mùa Xuân năm Quý Mão.
“Duy hữu ngoại biên căn thụ thượng; Tam thập niên trung tử tôn kết”: “Căn thụ” liên hệ với chữ “Mộc Tử” (木子) ở Tượng 40, và “Mộc Tử” cũng có hàm nghĩa là “căn thụ”. “Trong ba thập niên con cháu kết”, như vậy trải qua 30 năm, bộ môn tu luyện từng bị đàn áp tại Trung Quốc sẽ phát triển phồn vinh. Chi tiết này cũng nối liền Tượng 43 với Tượng 44 ngay sau đó, nội dung rất rõ ràng và minh hiển, dự ngôn về sự xuất hiện của một bậc Thánh nhân đưa văn hoá tu luyện hồng truyền khắp thế gian:
“Trung Quốc ngày nay có Thánh nhân
Dẫu không hào kiệt cũng chu toàn
Tứ Di nhìn lại xưng Thiên Tử
Khổ tận cam lai nước mãi Xuân”
Theo Chánh Kiến Net
Tác giả: Trương Kiệt Liên – Tuyết Liên
Tâm Minh biên tập