Có câu danh ngôn (khuyết danh) rằng: “Bách niên giai lão thực ra chẳng liên quan gì đến tình yêu, chỉ đơn giản là nhẫn nại… Thế nhưng, nhẫn nại cũng chính là một loại tình yêu. Vì thế, người thực sự yêu bạn, thực chất chính là người luôn tỏ ra nhẫn nại với bạn”. Tôi cho rằng việc này không hẳn đúng là như vậy…

Ông nội tôi sinh thời rất thích bánh bao, ông có thể ăn món này liền tù tì cả tháng mà không chán. Mỗi lần ông hỏi bà nội tôi “Hôm nay ăn bánh bao có được không bà?”, thì bà lại tủm tỉm “Được. Hôm nay ông thích ăn nhân thịt hay chay?”. Thế là ông lại vui vẻ nhường quyền chọn cho đầu bếp – “Bánh bao nhân gì tôi cũng thích, tuỳ bà lựa chọn đấy!”.

Bà nội tôi không đặc biệt thích bánh bao, nhưng sống cùng ông bao năm, bà cũng quen với món ăn dân dã này. Bà học cách làm nhiều loại nhân khác nhau, lại nặn ra vài cỡ to nhỏ, rồi thì hấp, rán… nên ông ăn mãi mà không chán.

Bánh bao là món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình. (Ảnh: savourydays.com)

Bố tôi lớn lên trong “tình yêu bánh bao” của ông bà, nên từ nhỏ đã thích ăn món này. Sau này, khi đã có gia đình riêng, bố cũng nhiều lần nói với mẹ “Hôm nay ăn bánh bao em nhé?”.

Ban đầu, mẹ cũng vui vẻ chiều ý bố, cặm cụi làm bánh rồi cả nhà cùng ăn. Lâu dần, thấy bố đòi ăn bánh bao liên tục, mẹ ra ngõ mua cho bố bánh làm sẵn, còn mình thì nấu cơm ăn bình thường.

Đến một ngày, bố lại hỏi:

– Hôm nay ăn bánh bao em nhé?

Mẹ tôi không nhịn được nữa, sẵn tâm trạng không tốt, liền đáp:

– Bánh bao, lại bánh bao! Chẳng lẽ anh không còn món nào khác nữa hay sao?!

Đột nhiên bị mẹ phản ứng như thế, bố cũng “ăn miếng, trả miếng”:

– Bánh bao ngon nên anh muốn ăn chứ sao? Nếu không thì em thích ăn món gì?

Mẹ tôi thở dài cái sượt, giận dỗi đáp:

– Sống với nhau bao nhiêu năm rồi mà vợ thích ăn cái gì cũng chẳng biết, chồng tốt đến thế là cùng!

Thế là, mẹ bỏ ra ngoài, bố thì ở đó làu bàu cái gì nghe không rõ.

Thực ra, không hẳn là bố không biết, mà chỉ vô tâm thôi. Mẹ vốn rất thích ăn cơm trắng với canh chua. Mùa hè, đi ngoài đường về mướt mát mồ hôi mà được ăn món này thì mát ruột lắm. Mẹ đã nhường nhịn bố nhiều lần, mà bố không để tâm, cuối cùng thì cũng không nhẫn nại được nữa.

Chuyện gì rồi cũng qua đi. Nhưng vẫn còn đôi chút lấn cấn, nên một hôm tôi thuận miệng hỏi ông:

– Ông thích ăn bánh bao lắm phải không ạ?

Ông cười xoà:

– Ông thích ăn bánh bao lắm, nhưng lần nào ông cũng hỏi ý kiến bà trước. Nếu bà muốn làm món khác, ông sẽ vui vẻ thuận theo, vì bà đã chiều ông mà làm bánh bao nhiều lần rồi!

Tôi vỡ lẽ, thì ra mỗi khi nói đến sở thích của mình, trước tiên ông luôn thương lượng với tâm thái ưu ái và sẵn lòng thuận theo ý bà. Thế nên bà cũng thường vui vẻ chiều ông, nhẫn nại cả cuộc đời.

Còn bố thường đưa ra yêu cầu mà không xuất tâm tìm hiểu, ướm hỏi xem mẹ muốn gì. Mẹ vốn hiền lành, nhẫn nại, nhưng đôi khi tâm trạng không tốt, lại cảm thấy bị áp đặt, phớt lờ như vậy, nên cũng có lúc không nhẫn nại được với bố.

Đạo vợ chồng bắt đầu từ việc yêu thương nhau, thấu hiểu lẫn nhau nhưng để sống với nhau đến “đầu bạc răng long” thì cần sự nhẫn lại bao dung. (Ảnh minh họa: yardee.com)

 

“Bách niên giai lão” là thành ngữ Hán – Việt, có ý nghĩa là “cùng sống trăm năm đến tuổi già”. Đây là thành ngữ được dùng khá phổ biến, nhưng các bạn trẻ cũng dễ bị nhầm văn cảnh, vì chữ giai ở đây có nghĩa là cùng nhau, nó chỉ được tiếng Việt mượn dùng trong trường hợp chúc phúc hôn nhân. Nó khác với chữ giai hàm nghĩa “đẹp, tốt đẹp” trong giai âm, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại… và chữ giai nói về “phân loại, bậc” trong giai cấp, giai tầng, giai đoạn… 
              (Theo PTS.TS. Ngọc Trâm, 
                     Viện Ngôn ngữ học)

Trở lại với nhận định “Bách niên giai lão thực ra chẳng liên quan gì đến tình yêu, chỉ đơn giản là nhẫn nại… Thế nhưng, nhẫn nại cũng chính là một loại tình yêu. Vì thế, người thực sự yêu bạn, thực chất chính là người luôn tỏ ra nhẫn nại với bạn”.

Theo tôi, “thực sự yêu” không hẳn nghĩa là “mãi mãi yêu”, còn nhẫn nại mãi với một dạng khảo nghiệm thì cũng chỉ là hình thành thói quen chịu đựng nó. Tình yêu giúp người ta nhẫn nại trước thử thách mà bạn tình tạo ra, nhưng đó là một dạng năng lượng không thể tồn tại “luôn luôn” và “mãi mãi”, nếu không được bồi bổ, hồi đáp bằng hình thức tương xứng nào đó. Tức là, câu cuối của danh ngôn nói trên chỉ nên gói gọn lại như sau: “…người thực sự yêu bạn chính là người đang nhẫn nại với bạn”. Vì tôi cho rằng, người ta không thể nhân danh tình yêu và lạm dụng sự nhẫn nại của bạn tình để nuôi dưỡng mãi tính ích kỷ của mình.

Sau câu chuyện bánh bao của ông bà nội và bố mẹ, tôi ngộ ra một phần đạo vợ chồng, đạo làm người. Hôn nhân thành hay bại đôi khi chỉ là chuyện hôm nay ăn gì, ai dọn nhà đón con, về lúc mấy giờ… Và sự tu dưỡng cũng không nhất thiết đòi hỏi áp dụng những đạo lý cao siêu, rộng lớn… mà thể hiện ngay trong những thói quen sinh hoạt thường ngày.

Thanh Ngọc