Trong khi dư luận đang tập trung vào các thảm họa nghiêm trọng ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc của Trung Quốc, một báo cáo kiểm toán do đơn vị kiểm toán của tỉnh Hà Nam nước này công bố đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. 

NTD đưa tin, theo báo cáo, gần 10 tỷ nhân dân tệ trong quỹ tái thiết cho tỉnh Hà Nam đã bị thanh toán gian lận, thậm chí cả nền tảng tài chính của chính phủ cũng lưu giữ số tiền này và không hề giải ngân. Hãng truyền thông Lu Media cho biết, số tiền này hoàn toàn không được sử dụng cho dân thường.

Vào giữa tháng 7/2021, sau khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở Hà Nam do mưa lớn, chính quyền địa phương đã nhận được một khoản tiền khổng lồ để tái thiết. Tuy nhiên hai năm sau, quy trình kiểm toán của các bộ phận liên quan đã phát hiện ra rằng, có những vấn đề nghiêm trọng trong việc sử dụng gần 10 tỷ sau thảm họa. Sau khi Cục Kiểm toán tỉnh Hà Nam công bố “Báo cáo công tác kiểm toán việc thực hiện ngân sách cấp tỉnh và các khoản thu, chi tài chính của năm 2022”, vào ngày 28/7, nó đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông đại lục Trung Quốc “Tin tức kinh tế hàng ngày” vào ngày 5/8, Báo cáo trên của Văn phòng Kiểm toán tỉnh Hà Nam cho biết, lần này cơ quan tập trung kiểm tra 44 quận bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa và phát hiện các vấn đề nổi cộm như sau:

Đầu tiên, 242 dự án ở 73 quận bao gồm cả Trịnh Dương (Zhengyang) đã sử dụng tổng số tiền tái thiết là 3,346 tỷ nhân dân tệ, nhưng chất lượng của các dự án này, theo báo cáo là “đáng lo ngại”. Trong số đó, liên quan đến khoản đầu tư theo kế hoạch là 3,127 tỷ nhân dân tệ,  tiến độ xây dựng của 162 dự án ở 24 thành phố và quận bao gồm Boai rất chậm; 

22 dự án bao gồm Hoàng Xuyên(Huangchuan) đã thông tin sai về việc khởi công cũng như hoàn thành xây dựng, theo đó, số tiền được báo cáo sai lệch lên tới 1,283 tỷ nhân dân tệ; 

Liên quan đến khoản đầu tư 563 triệu nhân dân tệ tại 9 thành phố và quận bao gồm Tín Dương (Xinyang), 24 dự án đã được bàn giao mà không được nghiệm thu;

9 quận bao gồm huyện Thất tiên (Qixian) và 1 doanh nghiệp cấp tỉnh có 405 triệu nhân dân tệ trong quỹ khôi phục và tái thiết sau thảm họa, đã vi phạm các quy định sử dụng; 

4 thành phố và quận bao gồm Tân Mật (Xinmi ), đã có hơn 15 dự án được báo cáo với số tiền hoàn thành đầu tư là 432 triệu nhân dân tệ.

Ngoài ra báo cáo cũng cho biết: có 3 “dự án không bị ảnh hưởng bởi thiên tai” ở 3 quận bao gồm Quận Jun, đã nhận được 375 triệu nhân dân tệ từ quỹ tái thiết; và các nền tảng tài chính của chính phủ ở 2 quận bao gồm Vệ Huệ (Weihui), đã ngang nhiên giữ lại 30,9128 nhân dân tệ của quỹ này.

Trước những vấn đề nêu trên, một số phương tiện truyền thông đại lục đặt câu hỏi trong các báo cáo liên quan rằng: Quỹ tái thiết sau thảm họa là quỹ được phân bổ đặc biệt, tại sao ngân sách này không được sử dụng cho người dân thường? “Ai dám làm như vậy? Quy trình kiểm định ở đâu?”.

Cư dân mạng Trung Quốc cũng tỏ ra vô cùng phẫn nộ trước thực trạng tiêu cực nói trên.

Trước đó, theo Báo cáo điều tra thảm họa mưa bão bất thường “ngày 20/7” ở Trịnh Châu, Hà Nam – được công bố chính thức vào cuối tháng 1 năm 2022, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 7 năm 2021, tỉnh Hà Nam đã xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, gây thương vong nặng nề và thiệt hại về tài sản. 

Thảm họa đã khiến tổng cộng 14,786 triệu người tại 150 quận (thành phố, huyện) của tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng, và đã khiến 398 người thiệt mạng hoặc mất tích do thiên tai. Trong số đó, có 380 người ở thành phố Trịnh Châu; thiệt hại kinh tế trực tiếp là 120,06 tỷ nhân dân tệ, trong đó thành phố Trịnh Châu là 40,9 tỷ nhân dân tệ.