Gần đây, cùng với việc TT Trump nhậm chức, tình hình quốc tế nhanh chóng thay đổi. Chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa TT Putin và ông Tập Cận Bình, TT Trump đã thay đổi lập trường thân thiện trước đó đối với TT Putin và ngầm đe dọa rằng TT Putin đang phá hủy nước Nga.

Vào ngày đầu tiên TT Trump nhậm chức, ông không đề xuất kế hoạch thuế đối với Trung Quốc, mà lại áp thuế 25% đối với các đồng minh truyền thống là Canada và Mexico. Theo giải thích của Wall Street Journal, TT Trump đánh thuế cao đối với Canada và Mexico nhằm vào giới doanh nghiệp Mỹ, chủ yếu vì các công ty Mỹ đã chuyển sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác sang Mexico và Canada để giảm chi phí. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể sẽ làm suy yếu nước Mỹ, do đó TT Trump hiện đang dùng thuế để buộc các công ty này quay trở lại Mỹ.

Theo Wall Street Journal, vào sáng thứ Hai, TT Trump dường như muốn hoãn lại các cam kết thuế trong chiến dịch tranh cử, nhưng đến chiều tối, ông đã thay đổi và công bố thuế đối với Canada và Mexico.

TT Trump cho biết sẽ áp thuế 10% đối với Trung Quốc từ tháng 2, nhưng với tính cách thất thường và khó đoán của ông, chính sách này cũng có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Ian Bremmer, người sáng lập và chủ tịch của Eurasia Group, cho biết việc TT Trump đánh thuế Trung Quốc khác với việc đánh thuế Mexico, Canada và châu Âu. Các khu vực khác có thể sẽ xảy ra xung đột ban đầu, nhưng cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận. Do những thách thức kinh tế hiện tại, Trung Quốc không thể nhượng bộ TT Trump, điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải có biện pháp trả đũa. Bremmer nói rằng mọi người xung quanh TT Trump đều có xu hướng “chúng tôi muốn tấn công Trung Quốc – chúng tôi muốn tách rời kinh tế với Trung Quốc,” cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ bắt đầu trong năm nay.

Một số người mô tả, khác với việc chém một nhát, TT Trump đánh thuế Trung Quốc bắt đầu từ 10%, sau đó lại từng bước gây áp lực lên Bắc Kinh, và dùng thuế để trao đổi với ông Tập về nhiều thứ khác. Trong khi thuế vẫn còn đang treo lơ lửng, ông Tập Cận Bình đã có động thái lớn nhằm vào TT Trump. Vào chiều ngày 21/1, ông đã có cuộc hội đàm video với Tổng thống Nga Putin kéo dài 1 giờ 35 phút.

Nhà bình luận Lan Thụ cho rằng, việc TT Putin tìm gặp ông Tập lần này là nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina, vì mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Nga và Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở chiến lược và an ninh, do đó mối quan hệ đồng minh này rất khó thay đổi. Sau khi ông Trump nhậm chức, dưới áp lực của ông Trump, Ukraina và Nga có thể sớm đạt được ngừng bắn và bắt đầu đàm phán. Cuộc điện đàm dài giữa TT Putin và ông Tập nhằm để hai bên trao đổi và chuẩn bị cho các cuộc đàm phán. TT Putin cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh trong quá trình đàm phán, trong khi ông Tập cũng cần để phía Nga hiểu, trong quá trình đàm phán, phía Nga cần phải chăm sóc đến lợi ích cụ thể của Bắc Kinh.

Vài giờ sau, TT Trump đã có buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc nói về vấn đề Nga-Ukraina, thể hiện thái độ nghiêm khắc, hoàn toàn khác trước đó. Ông nói, Tổng thống Ukraina Zelensky đã nói với tôi rằng ông ấy muốn đạt được thỏa thuận. Nhưng tôi không biết TT Putin có cùng ý định không, ông ấy có thể không muốn… nhưng tôi nghĩ rằng nếu ông ấy không đạt được thỏa thuận, ông ấy đang phá hủy nước Nga. Tôi nghĩ nước Nga đang gặp rắc rối lớn, bạn có thể xem nền kinh tế của họ và xem lạm phát ở Nga. TT Trump cũng đề cập đến việc quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề, nói rằng điều này sẽ khiến TT Putin trông không tốt. Có người suy đoán rằng TT Trump đang ngầm ám chỉ việc xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, mặc dù ông Tập và TT Putin đã có cuộc điện đàm, nhưng thực ra cả hai đều muốn nhượng bộ trước TT Trump, họ muốn sử dụng nhau như một quân bài để bán bên kia cho TT Trump.

Người làm truyền thông độc lập Giang Tôn Triết cho biết, ông Tập đã cử một đoàn đại biểu cấp cao do Phó Chủ tịch Nhà nước, cựu Ủy viên Thường vụ Hàn Chính dẫn đầu để tham dự lễ nhậm chức của TT Trump, và còn kịp thời cho Nhật báo Nhân dân phát biểu vào ngày 19/1 về một khởi đầu mới trong quan hệ Trung-Mỹ, điều này khiến TT Putin nghĩ rằng Bắc Kinh đang cố gắng lấy lòng Mỹ, vì vậy TT Putin mới tìm ông Tập để yêu cầu một câu trả lời.

Theo video cuộc họp được Điện Kremlin công bố, ông Tập đã gọi TT Putin là người bạn tốt nhất. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã lại không đề cập đến điều này. Giang Tôn Triết cho rằng thực ra ông Tập đang cố gắng xoa dịu TT Putin, nhưng các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc rõ ràng muốn che giấu điều này. Từ thông cáo của Tân Hoa Xã, rõ ràng là ông Tập tỏ ra nhiệt tình hơn, còn TT Putin thì tương đối lạnh nhạt.

Giang Tôn Triết cho biết, ông Tập và TT Putin cố ý phát hành video cuộc họp để thể hiện mối quan hệ thân thiện của họ trước TT Trump, nhưng từ nội dung cuộc đối thoại có thể thấy, cả ông Tập và TT Putin đều có mưu đồ riêng, cho thấy kế hoạch ly gián của TT Trump khá thành công.