Người bị sa dạ dày nếu như không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng tới chức năng của dạ dày và hệ tiêu hóa, làm cho sức khỏe bị ảnh hưởng, về lâu dài người bệnh sẽ khó ăn uống dẫn tới cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Sa dạ dày cũng có thể dẫn tới xuất huyết và nếu như không được kiểm soát tốt có thể nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

Sa dạ dày chính là hiện tượng dạ dày không nằm đúng vị trí, khi có sự biến đổi, dạ dày sẽ bị sa dài gây ảnh hưởng cho việc tiêu hóa. Dạ dày của người bình thường giống hình sừng bò, ở bên trên khoang bụng. Nếu như dạ dày thay đổi từ hình sừng bò sang hình móc câu và rủ xuống khoang bụng dưới kèm theo biểu hiện chán ăn, ăn xong chướng bụng, khó tiêu thì là đã mắc bệnh sa dạ dày.

Nguyên nhân dẫn đến sa dạ dày

1. Cơ thể suy yếu: Khí huyết hư tổn, nguyên khí chưa được khôi phục, người thường xuyên mệt mỏi thì dễ gây nên sa dạ dày, Những người cơ thể suy nhược, gầy ốm, giảm cân nhanh khiến cho cơ thể bị thiếu hụt chất, mất cân đối dưỡng chất làm cho gân cơ bụng lỏng lẻo không có tính đàn hồi tốt, mỡ ở vách bụng thiếu, áp suất bụng giảm cũng dẫn tới sa dạ dày.

Người thường xuyên mệt mỏi có khả năng gây ra sa dạ dày. (Ảnh: Pixabay)

2. Ăn uống không khoa học: Những người thường xuyên có thói quen ăn quá no trong một thời gian dài làm cho đáy dạ dày bị giãn ra và tụt xuống dưới. Một số người có thói quen không nghỉ ngơi sau khi ăn uống mà làm việc nặng hay luyện tập ngay cũng là nguyên nhân dẫn tới sa dạ dày, vì lượng thức ăn ở dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã bị áp lực và đẩy xuống dưới dạ dày.

3. Stress và lo lắng: Người suy nghĩ quá nhiều, tinh thần không yên ổn hoặc tinh thần luôn ở tình trạng căng thẳng, kết hợp việc ăn uống giảm sút, mất ngủ thời gian lâu làm cho dạ dày tổn thương mà gây sa dạ dày.

4. Thuốc: Những người phải dùng thuốc điều trị các bệnh mãn tính như bệnh nội tiết, bệnh viêm dạ dày, các loại thuốc chống co thắt, thuốc ức chế canxi, thuốc điều trị bệnh huyết áp… cũng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa dạ dày.

5. Bệnh: Người mắc bệnh viêm đa cơ, đau nửa đầu, chóng mặt, lupus ban đỏ, bệnh nội tiết chuyển hóa, viêm đường mật, viêm tuy hay cả viêm dạ dày cũng dễ mắc sa dạ dày hơn bình thường.

Triệu chứng của bệnh sa dạ dày

  • Bệnh nhân thường đau bụng (vùng quanh rốn hoặc trên rốn), có thể co thắt liên tục không dứt. Mỗi lần phát bệnh tình trạng đau kéo dài vài ngày đến vài tuần.
  • Sa dạ dày làm chức năng tiêu hóa suy giảm nên dẫn đến các chứng ăn khó tiêu, chướng hơi đầy bụng hay buồn nôn, nôn mửa sau khi ăn.
  • Sau khi ăn thấy dạ dày khó chịu, xuất hiện đầy bụng, có cảm giác như dạ dày sa xuống, căng hoặc có cảm giác như có gì ép vào
  • Trong dạ dày thường có tiếng động của nước nhưng khi nằm ngửa thì hết.
  • Thường ợ hơi, trong miệng có mùi hôi.
  • Ăn uống kém, tình trạng dinh dưỡng toàn thân kém.
  • Sắc mặt không tươi sáng, miệng đắng, khô, tinh thần dễ bị mệt mỏi, sợ lạnh.
  • Đại tiện thất thường, lúc táo, lúc lỏng.
  • Nhức đầu mất ngủ, sụt cân, gầy gò,

Cách phòng bệnh sa dạ dày

Ăn uống điều độ, không ăn quá no sẽ giúp ích cho dạ dày. (Ảnh: Pixabay)
  • Ăn uống điều độ, không nên ăn quá no. Tránh làm việc hay tập luyện nặng ngay sau khi ăn.
  • Hạn chế ăn thức ăn lạnh, cay, chua, thức ăn khó tiêu. Nên ăn các món mềm, dạng lỏng để dạ dày dễ co bóp và tiêu hoá.
  • Hạn chế sử dụng bia rượu và không hút thuốc lá.
  • Luyện tập cơ bụng vừa phải sau khi ăn khoảng 2 giờ.
  • Sử dụng thuốc cho những bệnh mạn tính phải được kê đơn từ bác sĩ, không tự ý dùng thuốc sẽ khiến bạn sẽ dễ bị phản ứng từ thuốc và làm cho bệnh càng nặng thêm.

Những điều cần chú ý khi bị sa dạ dày

  • Tránh ăn uống quá nhiều, nên chọn ăn các loại thức ăn có đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa nhưng kích thước phải nhỏ.
  • Không nên ăn quá nhiều loại thức ăn nhiều năng lượng, thức ăn chứa nhiều protein hay nhiều chất béo vì những thức ăn này dễ tăng mỡ bụng, gây ảnh hưởng xấu cho dạ dày.
  • Ăn ít, nên ăn làm nhiều bữa nhưng không quá 5 bữa/ngày để giảm gánh nặng cho dạ dày.
  • Không nên đứng lâu hoặc vận động nặng sau khi ăn.

Điều trị bệnh sa dạ dày

1. Bài tập ở nhà cho người bị sa dạ dày

  • Hai chân gấp gối, gót chân để sát mông, ưỡn người chống hai chân lên làm cho nửa thân người nâng lên (làm 4 – 8 lần), một lần làm như vậy duy trì từ 1 – 2 phút. Vẫn ở tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay để sau gáy dùng sức của cơ bụng để ngồi dậy, nằm xuống làm từ 4 – 8 lần.
  • Nằm ngửa duỗi thằng 2 chân 2 tay, dùng sức cơ bụng từ từ nâng 2 chân lên cao, sao cho tạo với nửa thân trên thành một góc 90 độ, duy trì như vậy một lúc khoảng 2 phút, sau mới đặt chân xuống, làm từ 4 – 8 lần.

2. Các món ăn có lợi cho người bị bệnh sa dạ dày

  • Cà rốt và rau cần: Cà rốt 400g, lá su hào 200g, táo 300g, rau cần 200g, mật ong 30ml; tất cả nguyên liệu rửa sạch rồi để ráo nước, cắt nhỏ và đem ép lấy nước; sau đó cho mật ong vào trộn đều chia làm hai lần dùng trong ngày.
  • Chuối trộn mật ong: Chuối tiêu 2 quả, mật ong 30 ml, táo tây 2 quả. Táo rửa sạch, chuối bỏ vỏ xay nhuyễn; sau đó cho mật ong vào trộn đều rồi chia làm 2 lần dùng trong ngày.
  • Nước củ sen và cam thảo: Củ sen 200g, Bạch thược 10g, Cam thảo 3g, táo 2 quả. Táo và củ sen đem rửa sạch, cắt nhỏ, ép thành nước; Bạch thược và Cam thảo cho vào nồi đất cùng 300 ml nước nấu lấy nước. Sau đó trộn 2 loại nước với nhau khuấy đều và chia thành 2 lần dùng trong ngày.

Trong quá trình điều trị bệnh sa dạ dày theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện để hỗ trợ chữa trị mang lại hiệu quả cao.

Thái Sơn