Mỗi phút có 180kg hydrogen rò rỉ ra ngoài vũ trụ và quá trình này được cho là sẽ dẫn tới kết cục chết chóc với Trái đất.
Theo Daily Mail, đây là hiện tượng rò rỉ khí quyển , được nhà vật lý thiên thể Anjali Tripathi, mô tả trong buổi thuyết trình gần đây tại TED.
Bầu không khí trên Trái đất, bao gồm khí oxy, là nguồn sống của các sinh vật, giúp Trái đất trở nên khác biệt so với phần còn lại của Hệ Mặt trời.
“Hiện tượng rò rỉ khí quyển diễn ra liên tục và đủ để khiến bạn cảm thấy lo ngại, dù chỉ một chút”, Tripathi nói. Một khi bị rò rỉ quá nhiều hydrogen, Trái đất sẽ biến thành hành tinh đỏ giống như sao Hỏa.
Hiện tượng này được NASA phát hiện bằng tia cực tím (UV) . “Vấn đề ở đây là khí quyển không chỉ tồn tại trong Trái đất mà chúng còn thoát ra ngoài vũ trụ , với tốc độ đáng báo động”.
Tại sao khí quyển lại thoát ra ngoài? Chính là do nhiệt lượng từ Mặt Trời. Để dễ hình dung, hãy xem những bức hình sau, chụp tại lễ hội hoa đăng (hay lễ hội thả đèn trời) ở Thái Lan.
Khi đèn lồng được thắp nến, sức nóng từ nhiệt đã giúp đèn thắng sức hút của trọng lực, và đẩy nó lên không trung. Điều tương tự áp dụng trong tình huống khí quyển thất thoát khỏi địa cầu: Khi nhiệt lượng từ Mặt Trời tác động lên khí quyển Trái Đất, tuy lực hấp dẫn của Trái Đất góp phần giữ cản trở khí quyển không “chạy ra ngoài”, nhưng Trái Đất vẫn thất thoát lượng khí quyển nhất định qua thời gian.
Nhưng Trái đất không phải hành tinh duy nhất trải qua hiện tượng này, vì nó xảy ra với tất cả các hành tinh.
Sao Hỏa nhỏ bé hơn nhiều so với Trái đất và nó có ít trọng lực hơn, nên không giữ được khí quyển lâu như Trái đất. Điều này lý giải vì sao sao Hỏa có màu đỏ dễ nhận biết.
Dạng Oxy và Hydro còn lại trên sao Hỏa tạo ra màu đỏ như “rỉ sét” trên bề mặt sao Hỏa.
Theo Tripathi, khí quyển sẽ còn “bốc hơi” khỏi Trái đất nhanh hơn trong tương lai khi Mặt trời ngày càng tỏa nhiệt nhiều hơn.
“Vì vậy chúng ta nên lường trước đến thời điểm Trái đất trở nên giống như sao Hỏa. Những gì còn lại ở đây sẽ chỉ là một màu đỏ khô cằn” , Tripathi nói.
Quang Khánh