Niklas Zennstrom, nhà sáng lập Skype – người từng dự đoán đúng sự bùng nổ của công nghệ điện toán đám mây và di động – giờ đây cho rằng “trí thông minh nhân tạo” sẽ trở thành công nghệ quan trọng bậc nhất trong 10 năm tới.

“Công nghệ cao” là lĩnh vực khởi nghiệp ấn tượng ở Châu Âu trong năm nay, trong đó có những lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, thực tế ảo và rô bốt, trong đó trí thông minh nhân tạo thu hút nhiều tài trợ nhất.

Theo số liệu của hãng phân tích Pitchbook, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Châu Âu đến quý IV/2016 đã tài trợ 53,24 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp ngành trí thông minh nhân tạo, vượt con số 31,86 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

Tại một sự kiện công nghệ Slush ở Phần Lan, ông Niklas Zennstrom cho biết nhiều công ty khởi nghiệp có lẽ đã bổ sung lĩnh vực “trí thông minh nhân tạo” vào giấy đăng ký kinh doanh của mình để thu hút đầu tư. Cho dù được tài trợ hay không, “trí thông tin nhân tạo” sẽ có tác động lớn trong tương lai.

Ông Niklas Zennstrom, đồng sáng lập Skype, phát biểu trên kênh CNBC
Ông Niklas Zennstrom, đồng sáng lập Skype, phát biểu trên kênh CNBC

“Mọi người chắc chắn nghĩ đây là điều hão huyền nhưng nó sẽ trở thành sự thực. Giống như khi nói về công nghệ điện toán đám mây và di động vài năm trước, chúng tôi đã vấp phải sự nghi ngờ, nhưng nay tất cả đã trở thành hiện thực,” ông phát biểu trên kênh CNBC.

“Chúng tôi dự đoán “trí thông minh nhân tạo” sẽ trở thành công nghệ quan trọng nhất trong 10 năm tới, làm thay đổi sâu sắc cách chúng ta làm việc và nâng cao hiệu quả cho nhiều lĩnh vực”, ông nói.

Theo thông tin từ quỹ đầu tư mạo hiểm CB Insights, các tập đoàn lớn trong ngành công nghệ Mỹ đã tham gia cuộc chạy đua “trí thông minh nhân tạo”. Từ năm 2011, các tập đoàn lớn đã thâu tóm gần 140 công ty tư nhân.

Châu Âu đã trở thành thị trường sôi động về mua bán và sáp nhập các công ty trong ngành công nghệ và là nơi các tập đoàn Mỹ nhắm đến. Năm 2014, Google đã mua lại công ty phát triển trí tuệ nhân tạo DeepMind của Anh với giá 500 triệu USD. Còn năm nay, Microsoft đã mua lại công ty phát triển ứng dụng bàn phím ảo SwiftKey với giá 250 triệu USD.

Diệu Linh

Xem thêm: