Tốc độ nhanh nhất trong thế giới động vật vừa được xác lập bởi một con kiến ​​không lớn hơn đầu ngón tay của bạn với khả năng đóng mở hàm gấp 5 nghìn lần tốc độ chớp mắt.

Kiến Mystrium camillae – một loài động vật nhỏ bé nhút nhát nhưng nổi tiếng vì cách thức sinh tồn có phần hơi đáng sợ – hút máu từ ấu trùng không chân, vì vậy loài kiến này còn được đặt biệt danh là Dracula, Science Aleart hôm 11/12 đưa tin.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố trên Royal Society Open Science còn cho thấy loài kiến này cũng sở hữu một biệt tài khác. Theo đó, nó có thể đóng mở hàm nhanh hơn năm nghìn lần so với chớp mắt.

Sử dụng máy ảnh tốc độ cao, lần đầu tiên các nhà khoa học tại Smithsonian đã bắt gặp chuyển động đáng chú ý này.

Cơ chế hoạt động giống như chúng ta thực hiện một cái búng tay, ngoại trừ với tốc độ không tưởng, nhanh hơn một nghìn lần so với những gì bàn tay con người có khả năng thực hiện.

Nhấn các đầu của hai hàm lại với nhau, áp lực giữa hai hàm của con kiến ​​bắt đầu hình thành và gia tăng cho đến khi nó đạt đến một điểm phá vỡ để cuối cùng trượt qua nhau.

Từ đầu đến cuối, hành động mất 0,000015 giây, đi từ 0 đến khoảng 320 km / h trong khoảnh khắc. Tốc độ đáng kinh ngạc này giúp loài kiến ​​Dracula giành huy chương vàng cho cuộc thi chuyển động sinh học nhanh nhất được biết đến từ ​​trước đến nay.

Kiến Dracula
Chuyển động hàm của kiến Dracula được camera quay chậm ghi lại (Ảnh: Royal Society Open Science)

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn lý do tại sao con kiến khó hiểu này đã phát triển hàm dưới đặc biệt như vậy.

Trong các loài kiến ​​bẫy như các chi Odontomachus và Myrmotera – nơi các cấu trúc lò xo, chốt và cò được tách ra – phải mất ba đến sáu mươi lần để hàm đóng lại. Và ngay cả ở tốc độ cực đại, chuyển động này vẫn chậm hơn từ mười đến hai mươi lần so với những gì Mystrium camillae có khả năng.

Các tác giả của bài báo nghĩ rằng có lẽ những hàm đặc biệt này được phát triển cùng với môi trường sống dưới lòng đất độc đáo của loài kiến ​​này – ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Úc – nơi hàm mở không thực sự là một lựa chọn.

“Thói quen tìm kiếm và làm tổ của Mystrium cũng bị hạn chế ở các đường hầm đục trong các khúc gỗ và trong đất, và điều này có thể ủng hộ loại hệ thống khuếch đại này, nơi loài kiến ​​không thể mở rộng hàm của nó như chúng ta thấy ở những con kiến ​​bẫy mà phần lớn thức ăn đặt trong điều kiện không gian mở ” các tác giả đề xuất .

Tuy nhiên, họ cũng chia sẻ rằng họ không thực sự chắc chắn về điều đó. Những sinh vật này giống như một kho báu bí ẩn bị chôn vùi, và sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa nếu chúng ta muốn biết lý do tại sao chúng lại phát triển được bộ hàm cực nhanh đến như vậy.

Hoài Anh