Con dao găm được chôn cùng Pha-ra-ông Ai Cập Tutankhamun được làm từ một thiên thạch, theo một nghiên cứu mới đây.
Các nhà nghiên cứu cho rằng quặng sắt được sử dụng để rèn lưỡi dao của Pha-ra-ông không có nguồn gốc trên Trái Đất.
“Phát hiện của chúng tôi đã xác nhận rằng các cuộc khai quật lăng mộ quan trọng, bao gồm của pha-ra-ông Tutankhamun, đã hé lộ các hiện vật tùy táng có nguồn gốc thiên thạch từ trước thời kỳ Đồ đá”, nghiên cứu nói.
Con dao găm nổi tiếng này đã được nhà khảo cổ học Howard Carter phát hiện bên trong tấm vải bọc xác ướp vị vua vào năm 1925. Ông đã tìm thấy con dao gần đùi phải của vị vua trẻ ba năm sau khi lăng mộ của vị vua này được phát hiện. Con dao găm này đi kèm một vỏ bọc bằng vàng được chạm khắc các họa tiết hoa lily ở một mặt, và lông ngỗng ở mặt bên kia, cũng như một cái đầu chó rừng.
Con dao găm, với niên đại từ thế kỷ 14 TCN, là một trong số ít những hiện vật bằng sắt được phát hiện trong tay những người Ai Cập cổ đại, vốn được cho là chưa phát triển được kỹ thuật luyện sắt vào thời đó.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người Ai Cập đã “nắm vững đáng kể các kỹ thuật rèn sắt từ thời vua Tutankhamun”.
“Chúng tôi cho rằng người Ai Cập cổ đại đã rất coi trọng việc sử dụng thành phần sắt từ thiên thạch để chế tác các món đồ trang trí hoặc nghi lễ mãi cho tới thế kỷ 14 TCN”, nghiên cứu cho hay, đồng thời nói thêm rằng đối với người Ai Cập cổ đại sắt còn giá trị hơn cả vàng.
Kết quả phân tích thành phần cấu tạo con dao găm cho thấy nó chứa 10% Niken, 0,6% coban và còn lại là sắt.
Các nhà nghiên cứu đã viện đến một kỹ thuật gọi là phương pháp phân tích huỳnh quang tia X (X-ray fluorescence – XRF). Các cuộc đo lường bằng phương pháp này đã được tiến hành trên con dao găm của Pha-ra-ông Tutankhamun, 11 tảng thiên thạch với thành phần được biết rõ, và 11 mẫu sắt chuẩn.
“Thành phần nguyên tố Niken khá cao trong lưỡi dao, cùng với lượng nhỏ Coban với tỷ lệ Ni/Co vào khoảng 20, là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy một nguồn gốc ngoài Trái Đất”, theo kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những miêu tả về “quặng sắt từ bầu trời” từng được người Ai Cập sử dụng vào thế kỷ 13 TCN.
“Việc xuất hiện thuật ngữ hợp chất mới cho thấy những người Ai Cập cổ đại, theo sau gót những người cổ đại khác ở khu vực Địa Trung Hải, đã hiểu được rằng những khối sắt hiếm gặp này đã rơi xuống từ bầu trời vào thế kỷ 13 TCN, trước nền văn minh phương Tây hơn hai thiên niên kỷ”, các nhà nghiên cứu nói.
Vi vua Ai Cập này đã qua đời ở tuổi 18. Nguyên nhân cái chết được cho là do một vụ tai nạn.
Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí “Meteoritics and Planetary Science (tạm dịch: Ngành nghiên cứu thiên thạch và khoa học hành tinh)”.
Tác giả: Denisse Moreno, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: