Việt Nam nổi tiếng thế giới với những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, nơi ẩn chứa vô số điều bí ẩn được kể lại. Một trong số đó là những câu chuyện về Người rừng, hay còn được gọi là Batatu. Người rừng Việt Nam thực sự tồn tại hay chỉ là câu chuyện của trí tưởng tượng? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết này.

1. Câu chuyện của các binh lính Mỹ

Đã có rất nhiều báo cáo về người rừng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, trong đó có các báo cáo của lính Mỹ về việc người rừng xuất hiện tại tỉnh Kontum, gần đường biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia. Họ miêu tả về một sinh vật không giống người, cũng không giống khỉ và cho rằng đó là sinh vật mà người Việt Nam gọi là “người rừng.”

Vị trí mà người lính Mỹ phát hiện ra người rừng trên bản đồ. Hình tam giác màu đỏ là khu vực phát hiện. (Ảnh: Peter Alan Lloyd)

Một lính Mỹ tên là Gary Linderer khi đang đi tuần tra với sáu người thuộc Đội trinh sát không quân 101 kể lại rằng anh đã nhìn thấy một sinh vật có “đôi mắt sâu với hai hàng lông mày rậm rạp, cao 5 feet (tương đương 152cm) với cánh tay dài và đầy cơ bắp. Sinh vật đó đi thẳng với vai rộng và thân hình nặng nề”. Các đồng đội nói rằng anh đã nhìn thấy một con vượn nhưng Linderer bác bỏ điều này bởi vì anh đã từng nhìn thấy vượn trước đây.

Linderer không phải là người lính duy nhất báo cáo về việc nhìn thấy người rừng. Trong chương trình Finding Bigfoot (Đi tìm người rừng) năm 2013, Cựu chiến binh Mỹ Thomas M. Jenkins, người từng làm lính trinh sát ở Việt Nam năm 1969 kể rằng ông đã từng thấy một đàn vượn lớn trông giống người ném đá vào trung đội của mình. Đó là lý do tại sao những người lính Mỹ gọi những sinh vật này là “vượn đá”.

Trong một chương trình truyền hình khác có tên Monster Quest (Truy tìm quái vật), ông Larry Wilson, một cựu phi công trực thăng ở Việt Nam cho biết, vào cuối năm 1970, ông đã nhìn thấy một người rừng đang chuyển mình trên cành cây. Ông cho biết sinh vật lông lá này có đỉnh đầu phẳng, khuôn mặt có nét giống một người đàn ông, và không có đuôi.

Năm 2012, các nhà thám hiểm của chương trình truyền hình Destination Trut (Mỹ) cho rằng họ đã phát hiện thấy dấu vết của Batutut sau khi sử dụng thiết bị ảnh nhiệt trong các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, Hà Tĩnh (Việt Nam). Tuy nhiên, bằng chứng này vẫn chưa thực sự rõ ràng để giúp họ xác định được người rừng có thực sự tồn tại hay không.

Dấu chân của Batutut được phát hiện tại Việt Nam. (Ảnh: Daily Mail)

Không chỉ có các báo cáo của lính Mỹ về việc nhìn thấy người rừng, mà quân đội Bắc Việt cũng có rất nhiều báo cáo về việc nhìn thấy người rừng với lông màu đỏ nâu che phủ khắp thân. Một số nhà khoa học Việt Nam đã vào cuộc tìm kiếm, trong đó phải nhắc đến tên tuổi PGS.TS Trần Hồng Việt, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và động vật quý hiếm thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Có thể nói, ông là một trong những nhà khoa học hiếm hoi còn tiếp tục nghiên cứu, thậm chí có thể nói là “ám ảnh” với đề tài này.

2. Hành trình 20 năm miệt mài tìm kiếm

“Người rừng là có thật và ở Việt Nam có người rừng”, đó là những lời khẳng định của PGS.TS Trần Hồng Việt sau hơn 20 năm miệt mài tìm kiếm dấu vết “người rừng”. Kể về hành trình đi tìm người rừng, PGS.TS Trần Hồng Việt cho biết ông là người rất may mắn khi tận mắt thấy và chụp được dấu chân người rừng để lại ở trên đỉnh núi Ngọc Vin hay còn gọi là núi Ngọc Linh ở Tây Nguyên vào năm 1982.

Đó là một ngày đầu mùa mưa khi ông đang thực hiện chuyến thám hiểm trong khuôn khổ chương trình bảo vệ môi sinh 5.202. Nhờ có cơn mưa đầu mùa nên các loài động vật sống ở trong rừng mới ùa ra và để lại dấu chân. Càng may mắn hơn khi cơn mưa chỉ vừa đủ để đất dẻo mà không bị nhão nên khi “người rừng” đi qua đã để lại dấu chân in lên mặt đất rất rõ.

Tiến sỹ Việt cho biết, từ trước đến giờ ông cũng đã bắt gặp nhiều dấu chân được cho là của người rừng để lại nhưng chỉ có thể có thể đo được kích thước vì trên cát hoặc trên đất khô nên không rõ đó là lần duy nhất ông chụp được dấu chân người rừng rõ mồn một.

PGS.TS Trần Hồng Việt. (Ảnh: EsasCosas)

Ông không chỉ chụp lại mà còn dùng bột thạch cao mang theo người đổ vào dấu bàn chân người rừng mang về làm tư liệu nghiên cứu. Bàn chân đó dài khoảng 28cm, rộng khoảng 12 cm. Các ngón chân rất dài, giữa lòng bàn chân có một vùng lõm rất sâu rất phù hợp với điều kiện leo núi, đặc biệt là đi đứng trên các mỏm đá. Dấu chân chân này khi được bắt gặp vẫn còn rất mới.

Ngoài việc tận mắt nhìn thấy các dấu vết để lại, PGS.TS Việt cũng được nghe kể rất nhiều câu chuyện về người rừng. Nhiều người lính quân giải phóng cũng từng bắt gặp người rừng khi hành quân qua rừng Trường Sơn.

Dấu chân thật của người rừng Batutut được giáo sư Trần Việt Hồng thu thập. (Ảnh: ThePinsta)

Trong đó, đáng chú ý là chuyện về cuộc hội ngộ giữa một đoàn dân công với người rừng trong một đêm trăng sáng. Đêm đó, hơn hai chục anh chị em trong đoàn văn công đang thồ hàng lên núi thì đột ngột sững sờ khi thấy một cái bóng to lớn, sừng sững đi xuống từ trên đỉnh đèo Ngọc Vin.

Hình người to lớn đầy lông lá này thản nhiên rẽ đám đông sang hai bên và nhanh chóng mất hút trong rừng già. Sau này kể lại, các thành viên trong đoàn khẳng định họ đã nhìn thấy rõ người rừng, có người còn sợ quá trượt xuống cái hố bị thương. Ông cũng cho biết hiện nay một số nhân chứng trong đoàn văn công đó vẫn còn sống.

Hay câu chuyện năm 1980, anh nhân viên kiểm lâm ở lâm trường Bắc Sa Thầy đã tận mắt chứng kiến người rừng ở khoảng cách rất gần. Thoạt đầu, họ tưởng đó là gấu, nhưng tiến sát lại gần thì thấy một con vật to lớn, người đầy lông lá, đứng thẳng bằng hai chân, tóc xõa ngang lưng, đang rung một thân cây để nhặt trứng chim rơi xuống. Người rừng đó cao khoảng 1m80 và rất khỏe, cái cây lớn có đường kính khoảng 20cm và người rừng rung cây rất mạnh.

Trở lại Bắc Sa Thầy vào năm 1983, PGS.TS Trần Hồng Việt được một số người dân sinh sống trong rừng sâu cho biết: khoảng 1 tuần trước đó, họ đưa đoàn văn công biểu diễn xong thì trời đã tối nên vào một cái hang trong rừng để trú qua đêm và cũng đã “giáp mặt” với người rừng.

Theo lời kể, nửa đêm họ nhìn thấy một cái bóng cao lớn khoảng 1m50, đi thẳng hú lên và có nhiều tiếng hú xung quanh hang đáp lại. Sợ quá, họ liền lấy súng AK bắn dọa, người rừng sau đó bỏ đi và tiếng hú cũng xa dần. Sáng hôm sau họ nhìn thấy những dấu chân to hơn chân người xung quanh hang.

PGS Việt nhấn mạnh:

“Như vậy không chỉ có những cuộc bắt gặp những cá thể người rừng hay gia đình ba cá thể to lớn mà còn có những cuộc bắt gặp dạng người rừng thấp bé hơn và sống theo đàn.”

Bài viết đã tổng kết lại các câu chuyện và bằng chứng nghiên cứu về việc người rừng có tồn tại ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có một sự thật rằng, ở Việt Nam, người rừng vẫn luôn tồn tại trong các câu chuyện truyền miệng từ đời này qua đời khác của đồng bào dân tộc thiểu số – những cư dân của rừng già. Trên thế giới còn biết bao điều bí ẩn chưa được khám phá và chưa có nhà khoa học nào khẳng định rằng đã khám phá được hết sự tồn tại của các giống loài. Vậy nên, việc tồn tại của một sinh vật như người rừng ở Việt Nam cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhật Quang