Lịch sử hơn 400 năm qua ghi nhận hơn 200 trường hợp con người tự bốc cháy tới chết dù không hề có dấu hiệu bị thiêu bằng một nguồn nhiệt ngoài. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?

Các nạn nhân thường được phát hiện đơn độc ở trong nhà, với phần đầu và thân cháy rụi. Tuy nhiên tay chân lại còn nguyên vẹn. Trong vài trường hợp hiếm hoi, nội tạng không bị tổn hại. Các căn phòng hiện trường cũng không phát hiện thấy dấu vết bị cháy, ngoài một dư lượng dầu mỡ trên đồ nội thất và tường.

 Năm 1641, bác sĩ người Đan Mạch, Thomas Bartholin (1616-1680), đã mô tả cái chết lạ của Polonus Vorstius – một hiệp sĩ người Ý, trong cuốn sách ghi chép về những căn bệnh lạ. Năm 1470, sau khi uống một ít rượu mạnh, Vorstius bắt đầu nôn ra lửa trước khi bốc cháy. Đây được coi là trường hợp tự bốc cháy đầu tiên trong lịch sử nhân loại được ghi nhận.
Vụ tự bốc cháy đầu tiên được cho là có từ thế kỉ 15 (Ảnh minh họa)

Năm 1673, tác giả người Pháp Jonas Dupont cũng đã xuất bản một cuốn sách nghiên cứu về các Trường hợp tự bốc cháy (SHC). Một trong những vụ nổi tiếng nhất ở Pháp là năm 1725, một chủ nhà trọ ở Paris tỉnh giấc và phát hiện vợ mình đã cháy thành tro, thi thể nằm trên tấm đệm rơm. Tấm đệm còn nguyên, không bị cháy. Đồ gỗ xung quanh bà cũng còn nguyên.

Tất cả những gì còn lại của người vợ, bà Millet, một người nghiện rượu mãn tính, là hộp sọ, vài đốt xương sống và xương cẳng chân. Người chồng ban đầu bị tình nghi giết vợ, tuy nhiên sau đó đã được tuyên vô tội, nhờ vào lời khai của một bác sĩ phẫu thuật tên là Claude-Nicolas Le Cat. Bác sĩ tình cờ nghỉ lại tại khu nhà trọ đã làm chứng cho người chồng. Cái chết của người vợ ông chủ nhà trọ sau đó được tuyên bố là do “sự trừng phạt của Chúa”.

SHC được nhiều người biết tới vào thế kỷ 19, khi nhà văn nổi tiếng người Anh Charles Dickens, dùng nó để “giết chết” một trong những nhân vật trong tiểu thuyết Bleak House. Các nhà phê bình cáo buộc Dickens đã mô tả những thứ không tồn tại, nhưng ông phản bác, chỉ ra cho đến thời điểm đó, đã có 30 ca SHC được ghi nhận.

Cảnh nhân vật bốc cháy trong tiểu thuyết Bleak House. (Ảnh:Acient Origins)
Cảnh nhân vật bốc cháy trong tiểu thuyết Bleak House. (Ảnh:Acient Origins)

Thế kỉ 20, những vụ SHC cũng không phải là hiếm thấy. Năm 1951, một góa phụ 67 tuổi tên Mary Reeser sống tại St. Peterburg, Florida, Mỹ đã chết cháy tại nhà riêng. Người hàng xóm của bà khi đi qua đã phát hiện ra cửa trước bị nóng nên đã cùng 2 người làm công phá cửa đi vào phòng. Khi vào trong, họ phát hiện ra một phần còn lại của chiếc ghế bị cháy và một bên chân của bà Reeser.

Hiện trường vụ Marry Reeser tại St. Peterburg, Florida, Mỹ năm 1951.

Đến năm 1966, người ta phát hiện phần thi thể còn sót lại của người đàn ông 91 tuổi J.Irving Bentley tại căn nhà riêng của ông ta tại Pennslyvania, Mỹ. Hầu hết cơ thể bị cháy thành tro, chỉ trừ 1 bên ống chân và chiếc giầy ông đang đi.

Kinh ngạc hơn, mặc dù đủ thời gian và sức mạnh để thiêu cháy người đàn ông này nhưng ngọn lửa lại gần như không làm hư hại gì đến căn nhà. Tại hiện trường cũng không phát hiện chất gây cháy.

nguoi tu boc chay
Hiện trường vụ John Irving Bentley tại Coudersport, Pennslyvania, Mỹ năm 1966.

Các vụ nạn nhân tự bốc cháy thường có đặc điểm: là người nghiện rượu mãn tính, thường là nữ giới trung niên, ngọn lửa gây ra rất ít thiệt hại tới các đồ vật xung quanh, cơ thể bốc cháy toát ra mùi hôi thối khó chịu.

Đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của hiện tượng này, như chất béo trong cơ thể dễ cháy, acetone tích tụ, tĩnh điện, vi khuẩn, khí metan và thậm chí có cả sự can thiệp của Chúa. Nguyên nhân được giới khoa học đồng tình nhiều nhất là “hiệu ứng sợi bấc”.

Nếu coi cơ thể con người là một cây nến, thì phần chất béo trong người chính là sáp nến, nhiên liệu cho sự cháy. Tóc hay quần áo chính là sợi bấc. Nếu vì một nguyên nhân nào đó quần áo hay tóc bắt lửa, đầu tiên lửa sẽ đốt cháy lớp da người. Phần mỡ dưới da sẽ ngấm vào quần áo và tiếp tục trở thành nhiên liệu cho sự cháy.

Giả thuyết này có thể giải thích được tại sao chỉ có cơ thể bị cháy, vùng xung quanh xác và các chi ít bị cháy. Tuy nhiên, nó chưa thể giải thích tại sao hiện tượng này chỉ diễn ra trong nhà. Chưa có vụ tự bốc cháy nào diễn ra ngoài đường phố, gần các nguồn dễ bắt lửa. Hiện tượng này cũng chỉ xảy ra ở người, không có báo cáo nào về việc động vật tự bốc cháy. Ngoài ra, giả thuyết này không thể giải thích tại sao các nạn nhân luôn bất động trong suốt thời gian bị cháy, cũng như tại sao đồ nội thất xung quanh thường vẫn còn nguyên vẹn. Hơn nữa, để có thể đốt nạn nhân thành tro, cần một nhiệt độ rất cao, vào khoảng 1.648 độ C. Nhiệt độ trong lò hỏa táng cũng chỉ đạt khoảng 982 độ C.

Giả thuyết “hiệu ứng sợi bấc”. (Ảnh: Acient Origins)
Giả thuyết “hiệu ứng sợi bấc”. (Ảnh: Acient Origins)

Cuộc tranh luận về nguyên nhân gây nên hiện tượng SHC hay sự tồn tại của hiện tượng SHC vẫn chưa ngã ngũ. Thậm chí có những người còn cho đây là những vụ giết người được che đậy một cách khéo léo. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, trình độ khoa học hiện hữu còn rất nhiều hạn chế và chưa đủ khả năng khám phá tất cả những tiềm năng của cơ thể con người chúng ta, do đó, khả năng con người có thể tự bốc cháy theo một cơ chế nào đó là hoàn toàn có thể xảy ra.

Video:

Nhật Minh