Nhiều người đã khá quen thuộc với cảnh mở đầu bộ phim Indiana Jones và chiếc rương thánh tích, trong đó một quả cầu đá khổng lồ suýt nghiền nát Indiana Jones. Dù bộ phim là một tác phẩm hư cấu, nhưng những quả cầu đá khổng lồ thì không.

 

videoinfo__video3.dkn.tv||e26254613__

Khi dọn rừng để xây đồn điền trồng chuối vào năm 1940 tại vùng đồng bằng Diquis của Costa Rica, nhân viên tập đoàn thực phẩm Hoa Kỳ United Fruit Company đã phát hiện thấy nhiều quả cầu đá lớn bị chôn vùi một phần bên dưới sàn rừng, trang Ancient Origins cho hay.

Gần như ngay lập tức, những quả cầu bí ẩn trở thành những món đồ trang trí quý giá, được đặt trang trọng tại sân trước của các tòa nhà chính phủ và trụ sở công ty trên khắp Costa Rica. Nhiều quả cầu đã bị vỡ hoặc hư hỏng, một số khác bị kích nổ hủy đi trong một giai đoạn mà không nhiều người nhận thức được giá trị khảo cổ của chúng.

Theo John Hoopes, phó giáo sư nhân chủng học và giám đốc Chương trình Nghiên cứu các Quốc gia Bản địa Toàn cầu, có khoảng 300 quả cầu tồn tại, quả lớn nhất nặng 16 tấn và có đường kính 2,4 m, quả nhỏ nhất bằng một quả bóng rổ. Hầu như tất cả chúng đều được làm từ granodiorite, một loại đá magma cứng.

Ai đã tạo ra những quả cầu đá khổng lồ ở Costa Rica?
Ảnh: Reuters
Ai đã tạo ra những quả cầu đá khổng lồ ở Costa Rica?
Ảnh: Green Global Travel

Chúng được dùng để làm gì?

Kể từ khi được phát hiện mục đích thực sự của chúng vẫn còn là ẩn đố với nhiều chuyên gia, và là chủ đề của nhiều phỏng đoán suy luận, từ các giả thuyết cho rằng chúng là những quả cầu chỉ đường, cho đến các di vật có liên hệ đến vòng tròn đá nổi tiếng Stonehenge tại Anh, hoặc sản phẩm của một nền văn minh cổ đại thất lạc chưa được biết đến.

Ai đã tạo ra những quả cầu đá khổng lồ ở Costa Rica?
Ảnh trên trang History, chụp vòng tròn đá Stonehenge từ trên không.

Một phần bí ẩn là vì chúng được tạo thành các khối cầu gần như hoàn hảo và bắt nguồn từ một mỏ đá cách đó hơn 50 dặm, đồng thời chúng được tạo ra trong một khoảng thời gian các công cụ kim loại chưa xuất hiện, dựa trên ước tính niên đại vào khoảng năm 600 sau Công nguyên (SCN). Tuy nhiên, phương pháp xác định niên đại các khối cầu cũng chỉ mang tính phỏng chừng, bởi mốc niên đại chỉ thật sự hé lộ thời điểm các quả cầu được sử dụng gần đây nhất, không phải thời điểm chúng được tạo ra lần đầu tiên.

“Những vật thể này có thể đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ và vẫn ngồi yên ở đó sau hàng ngàn năm. Vì vậy, rất khó để nói chính xác chúng được tạo ra khi nào”, Hoopes giải thích.

Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất vẫn là việc chúng được tạo ra với mục đích gì. 

“Chúng tôi thực sự không biết tại sao chúng được tạo ra,” Hoopes nói. “Những người tạo ra chúng không để lại bất kỳ tư liệu bản thảo nào. Chúng tôi chỉ có các dữ liệu khảo cổ để tái lập lại bối cảnh khi đó. Nền văn hóa của những người kiến tạo chúng đã bị tuyệt chủng không lâu sau khi người Tây Ban Nha đến chinh phạt. Vì vậy không có huyền thoại, truyền thuyết hoặc những câu chuyện nào khác được những người dân bản địa ở Costa Rica truyền thừa và kể lại về nguyên nhân tạo ra những quả cầu này”.

Tương tự các bức tượng moai trên Đảo Phục Sinh, một giả thuyết cho rằng các khối cầu chỉ đơn giản là biểu tượng cho địa vị xã hội. Những khối đá, hiện nằm dưới sự bảo vệ của UNESCO, cũng có thể đã được sắp xếp thành các mô hình lớn có ý nghĩa thiên văn, bởi nhiều khối đá có bố cục khá trật tự, như thành đường thẳng và đường cong, cũng như hình tam giác và hình bình hành.

“Những khối cầu ấn tượng, vốn vẫn tiếp tục khiến các nhà nghiên cứu phải suy đoán về phương pháp và công cụ chế tác của người cổ đại, đã minh chứng cho truyền thống nghệ thuật và kỹ thuật thủ công khéo léo của các xã hội cổ đại thời tiền Colombo”, UNESCO cho hay. 

Bởi hầu hết tất cả các quả cầu đã được dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu, nên các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn để tìm ra ý nghĩa thực sự của chúng.