Sét là một hiện tượng tự nhiên ngoạn mục, là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu đôi khi còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi (cát). 

Dưới đây là 7 loại sét phổ biến nhất trên Trái Đất mà bạn cần biết để phòng tránh:

1. Sét hòn

Cho đến nay, sét hòn vẫn là hiện tượng điện trong khí quyển chưa được giải thích. Thuật ngữ này đề cập tới những vật thể sáng chói, thường có hình cầu có kích thước từ cỡ hạt đậu đến vài mét đường kính. Nó thường gắn với những cơn giông, nhưng kéo dài lâu hơn đáng kể so với ánh sáng chớp nhoáng của tia sét. Nhiều báo cáo trong quá khứ nói rằng sét hòn sẽ nổ trước khi biến mất, đôi khi gây ra tử vong, để lại trong không khí mùi của khí sulfur.

Sét hòn sáng tương đương bóng đèn 100W. (Ảnh: senspeople.ru)

Các thí nghiệm đã tạo ra được những hiệu ứng tương tự với những báo cáo về sét hòn, nhưng hiện tại người ta vẫn không biết liệu những hiện tượng này có thật sự liên hệ với bất kì hiện tượng tự nhiên nào xảy ra hay không. Các dữ liệu khoa học về sét hòn rất ít ỏi vì tính thất thường và không dự báo trước được của nó.

Bức tranh thế kỷ 19 miêu tả một hiện tượng sét hòn. (Ảnh: LongRoom.com)

2. Sét khô

Sét khô được hình thành trong những cơn mưa giông ở tầng cao nhưng không gây ra mưa. Những giọt nước mưa bị bốc hơi trước khi rơi xuống mặt đất, vì vậy không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của mưa ở không gian xung quanh. Sét khô là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng, nhất là tại những vùng đất đang thời kỳ khô hạn.

(Ảnh: nauka.offnews.bg)

3. Sét núi lửa

Loại sét này chỉ xuất hiện trong những đám khói núi lửa mỗi khi phun trào. Năm 2010, các nhiếp ảnh gia chụp được cảnh tượng những tia sét xuất hiện giữa đám khói bụi và dung nham trên miệng núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland. Cho đến nay, hiện tượng trên vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn và cần được nghiên cứu thêm trong thời gian tới.

Tia sét trên miệng núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland. (Ảnh: spacetoday.com.br)

4. Sét giữa đám mây và mặt đất

Đây là loại sét mà ai cũng nghĩ đến nó đầu tiên mỗi khi sét đánh, nó được tạo ra bởi sự phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức duy nhất tạo thành tia sét. Nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí Science cho thấy, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, số lượng tia sét giữa đám mây và mặt đất ở Mỹ mỗi năm tăng lên 12% khi nhiệt độ tăng thêm 1oC. Nếu cứ theo tiến độ như vậy, các nhà khoa học ước tính đến cuối thế kỷ 21, tỷ lệ sét đánh mỗi năm có thể tăng tới 50%.

(Ảnh: sciencealert.com)

5. Sét Catatumbo

Sét Catatumbo (Tiếng Tây Ban Nha: Relámpago del Catatumbo) là một hiện tượng tự nhiên ở Venezuela, nó chỉ xảy ra trên khu vực trên đỉnh núi sông Catatumbo đổ vào hồ Maracaibo. Với những tia sét mạnh xảy ra thường xuyên bên trên một diện tích nhỏ, nơi này được coi như là nơi tạo ra ozone (ở tầng đối lưu) nhiều nhất thế giới.

Sét đánh trên hồ Maracaibo vào ban đêm. (Ảnh: elconfidencial.com)

Nó bắt nguồn từ những đám mây bão lớn ở độ cao trên 5 km và xảy ra trong suốt 140 đến 160 đêm một năm, 10 giờ một ngày và lên đến 280 lần mỗi giờ. Nó xảy ra bên trên và quanh khu vực Hồ Maracaibo, điển hình là trên vùng đầm lầy được tạo bởi sông Catatumbo chảy vào hồ.

Một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân gây ra những trận sét là do  những cơn dông tố xuất hiện liên tục do khối không khí ấm ven biển tiếp xúc với khối không khí lạnh vượt khỏi dãy núi Andes, trong khi nhiều người khác lại cho rằng hiện tượng trên có thể liên quan đến lượng khí mêtan thoát ra khỏi hồ Maracaibo.

Video:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

6. Sét trong nội bộ đám mây

Đây là hình thức phổ biến nhất của tia sét, trông giống như một bữa tiệc khiêu vũ đang diễn ra sâu trong những đám mây. Khi các vùng mang điện tích dương và âm trong cùng một đám mây đủ lớn, một tia lửa điện khổng lồ sẽ xuất hiện, di chuyển giữa các khu vực mang điện tích trái dấu tạo thành tia sét.

(Ảnh: modenatoday.it)

7. Sét trong không gian

Các trạm quan sát của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang nghiên cứu những tia chớp hình thành trong thời gian rất ngắn ở phía trên những đám mây. Hình ảnh trên là những tia sét trong một cơn bão ở Bolivia được lấy từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Năm 2013, NASA đã gửi một công cụ đặc biệt gọi là Firestation đến ISS để ghi lại tất cả những dấu hiệu bất thường liên quan đến hiện tượng sét, bao gồm sét dị hình Elves, Sét dị hình Sprites màu đỏ, sét xanh, chớp gamma.

(Ảnh: Science & Magic – WordPress.com)

Video:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Sơn Tùng