Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêut Khalid al Falih cho biết các nước vẫn đang cân nhắc về việc cắt giảm sản lượng dầu.
OPEC và các nước đồng minh hy vọng có thể chặn đứng đà giảm của giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng thông qua cuộc họp ngày 6/12 tại Vienna (Áo).
Ảrập Xêut, lãnh đạo không chính thức của OPEC, cho biết họ ủng hộ việc cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sau khi rời cuộc họp, bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêut Khalid al Falih cho biết các nước vẫn đang cân nhắc và thảo luận về việc cắt giảm sản lượng này.
Trong khi đó, Iran – một thành viên của OPEC, cho hay nước này sẽ loại trừ tất cả quyết định liên quan đến hạn ngạch sản lượng trong tương lai cho tới khi các biện pháp trừng phạt Tehran được dỡ bỏ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh bác bỏ khả năng Tehran sẽ theo chân Qatar rời khỏi OPEC. Ông Zanganeh nêu rõ “Iran là nước sáng lập OPEC và sẽ không rời khỏi tổ chức này.”
Hiện tại, bộ trưởng của các nước thành viên OPEC đang chờ tin tức từ Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak từ Vienna về nước ngày 5/12 và trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về kế hoạch này.
Nếu Nga đồng ý cắt giảm 150.000 thùng/ngày, OPEC có thể cắt giảm 1 triệu thùng/ngày. Trong trường hợp Nga giảm sản lượng 250.000 thùng/ngày thì tổng số cắt giảm tính cả OPEC là 1,3 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Novak đã cho rằng Nga khó cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong mùa đông bởi thời tiết lạnh khắc nghiệt.
Quyết định cuối cùng về việc OPEC và các nước thành viên có thống nhất cắt giảm sản lượng dầu hay không sẽ được công bố vào tối 7/12 sau khi kết thúc hội nghị.
Trước đó, ngày 5/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi OPEC và các nước sản xuất giữ sản lượng khai thác dầu ở mức cao trong năm 2019.
“Hy vọng là OPEC sẽ giữ sản lượng dầu ở mức hiện nay, không hạn chế. Thế giới không muốn, hay cần giá dầu cao”, ông chủ Nhà Trắng viết trên mạng xã hội Twitter.
Ngoài ra, Qatar hôm 3/12 thông báo sẽ rút khỏi OPEC vào tháng 1/2019 để tập trung sản xuất khí đốt. Giới đầu tư lo ngại quyết định này của Qatar có thể ảnh hưởng đến hoạch định chính sách dầu mỏ toàn cầu.
Dầu thô giảm gần 3% sau khi OPEC và các đồng minh kết thúc cuộc họp mà không thông báo quyết định cắt giảm sản lượng thô. Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,50 USD, tương đương 2,4%, xuống 60,06 USD/thùng, sau khi trong phiên có lúc xuống tận 58,36 USD/thùng. Dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm 1,40 USD, tương đương 2,7%, xuống 51,49 USD, sau khi chạm mức thấp 50,08 USD. Giá dầu đã giảm hơn 25% kể từ tháng 10, một phần do lo ngại về tình trạng cung vượt cầu khi sản lượng của Mỹ, Ảrập Xêut và Nga đều tăng. |
(Tổng hợp)