Sau 26 năm đặt nền móng và không ngừng phát triển, ông Trần Đình Long từ người chuyên bán đồ cũ đã trở thành vị doanh nhân giàu có và quyền lực bậc nhất trong ngành thép. Tạp chí Forbes vừa xếp ông vào danh sách những tỷ phú USD của thế giới.

Khởi nghiệp từ buôn đồ cũ

Trần Đình Long là một doanh nhân khá kín tiếng trên thương trường và rất ít khi xuất hiện trên các tờ báo chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lại là một trong những tấm gương khởi nghiệp thành công nhất ở Việt Nam.

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986. Năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân là Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng – công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga.

Năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để nhập hàng. Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty. Năm 1994, khi tìm mua bàn ghế cho một khách hàng trên đường Giải Phóng, ông Long nhận thấy các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan. Vì vậy, ông đã quyết định tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore và thành lập công ty nội thất.

Năm 1996, công ty thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền “bôi trơn” mới mua được 5-10 tấn. Nhận thấy việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.

Sau 8 năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, “thép xây dựng” mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.

Ông “vua” ngành thép

Tháng 10/2016, Hòa Phát lần đầu tiên vượt Vnsteel (Tổng công ty Thép Việt Nam) trở thành doanh nghiệp giữ sản lượng và thị phần thép số 1 Việt Nam. Đến năm 2017, công ty của ông Long đạt bước tiến mạnh mẽ khi thiết lập hàng loạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu năm 2017 của Hòa Phát đạt trên 46.000 tỷ đồng và khoản lãi ròng cao kỷ lục: hơn 8.000 tỷ đồng – điều chưa một doanh nghiệp thép nào tại Việt Nam làm được.

Những năm trước đó, doanh thu của Hòa Phát đều đạt trên 20.000 tỷ đồng và lãi ròng đều trên 3.000 tỷ đồng. Ông chủ Hòa Phát được giới doanh nhân đánh giá là người làm nhiều hơn nói.

Việc Hoà Phát chính thức khởi động đầu tư thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD củng cố thêm vị thế “vua thép” Việt Nam của ông Long.

Như nhiều doanh nghiệp khác, sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ…

Song những kết quả kinh doanh khả quan trên chưa đủ để thỏa mãn vị chủ tịch Hòa Phát.

“Doanh nghiệp luôn phải phát triển, chưa cần nói đến thụt lùi, chỉ cần đứng lại là chết”, ông Long chia sẻ, cho biết Hòa Phát vẫn sẽ phải chiến đấu để tiếp tục tăng trưởng, tăng thị phần.

Không thích bị gọi là đại gia

Sớm lọt vào danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, và mới nhất là được Forbes vinh danh trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, nhưng doanh nhân Trần Đình Long khẳng định bản thân không thích được gọi là đại gia. Thậm chí, Chủ tịch Hòa Phát còn cho rằng chẳng ai thích “bị gọi” dưới danh xưng như vậy.

“Tôi thì không đến mức tiêu cực là thấy ghét đâu, nhưng thực ra thì mình thích hay không thích thì mọi người sẽ vẫn gọi như thế, nên thôi kệ nó, sống chung với lũ là xong”, ông Long chia sẻ.

Không vui vẻ với danh xưng đại gia, nhưng “vua thép” Long lại chẳng nề hà tự nhận mình là người “quê một cục”. Vị tỷ phú thích tận hưởng những kỳ nghỉ lễ bên gia đình, khoái ngồi trà đá với anh em, thích bàn chuyện chính trị, thời sự và nghe các bài hát thời xưa.

Nguyễn Trang