Xem Diên Hi công lược, khán giả không chỉ bị cuốn vào cuộc đấu tranh thiện – ác chốn hậu cung mà còn say mê bởi tạo hình cổ trang. Từ áo long bào cho đến chiếc trâm cài đầu nhỏ bé của phi tần… đều được đầu tư chỉn chu.
Nhà Thanh là triều đại không chỉ giàu có mà còn nổi tiếng về trang phục cầu kỳ, được đánh giá là phức tạp nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Diên Hi công lược đã chinh phục được cả những khán giả khó tính nhất bởi sự đầu tư chỉn chu và kỹ lưỡng trong tạo hình phục trang.Chính sự đầu tư nghiêm túc này đã góp phần làm nên thành công vang dội cho phim.
Long bào được thêu thủ công suốt nửa năm
Toàn bộ trang phục thêu trong phim được thực hiện bởi ê-kíp của nghệ nhân nổi tiếng Trương Hồng Diệp. Bà đã cùng 8 thợ thủ công dồn nhiều công sức hoàn thiện phần thêu rồng trên áo long bào của Càn Long.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ, họa tiết rồng được thực hiện bằng phương pháp “đả tử thêu” – kỹ thuật thêu nổi của Trung Quốc – nhằm tôn lên lớp vảy rồng sắc nét.
Chu trình thêu này vô cùng kỳ công và đòi hỏi người thợ phải rất lành nghề. Khi muốn kết ngọc vào phần hoa văn, thợ thêu phải xỏ từng hạt ngọc theo thứ tự đã định hình vào một sợi chỉ rồi cố định lại. Sau đó, mới lần theo từng đường may để đơm ngọc lên hoạ tiết.
Quạt tròn từ tơ lụa thêu hoa
Khong chỉ ấn tượng bởi cảnh quay sắc nét hay trang phục đẹp mắt, Diên Hi công lược còn nhận về cơn mưa lời khen khi đầu tư vào những chi tiết tưởng như nhỏ nhất.
Hình ảnh Cao Quý Phi luôn gắn liền với chiếc quạt tròn. Thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng thực tế, chiếc quạt được thực hiện bởi kỹ thuật dệt lụa hoa đặc biệt đắt đỏ.
Điểm đặc biệt của chiếc quạt này là được dệt tay từ nhiều sợi tơ tằm kesi màu sắc khác nhau. Bề mặt quạt không chỉ phẳng mịn mà còn có bức trang tuyệt đẹp. Chính diễn viên Đàm Trác cũng cảm thấy rất bất ngờ khi biết được quá trình công phu tạo ra chiếc quạt.
Trâm hoa cài tóc của các phi tần
Dàn quý phi, hoàng hậu trong phim sở hữu nhiều trâm cài đầu độc đáo và tinh tế. Thiết kế tinh xảo của những chiếc trâm này được chế tác từ nghệ thuật tơ nhung Nam Kinh, chúng cũng chính là di sản phi vật thể của tỉnh Giang Tô.
Mỗi chiếc trâm lại có một hình dáng hoa khác nhau, điển hình cho cốt cách và phong thái riêng. Nghệ nhân Triệu Thụ Hiến chia sẻ, Hoàng hậu Phú Sát luôn có trâm cài là hoa mẫu đơn, vì bà là người đoan chính, hiểu tình nghĩa và sống giản dị.
Ngoài ra, các phi tần sẽ cài kiểu hoa bốn mùa, có màu sắc đa dạng và bắt mắt. Các cung nữ thì chỉ cài hoa nhỏ và đơn sắc.
Tổng Hợp