Với quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/7, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tạm thời chưa tăng lên kịch khung như đề xuất của Chính phủ.

Theo Vnexpress, thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan thường trực Quốc hội chưa biểu quyết, chưa ban hành nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá.

Quyết định của Chủ tịch Quốc hội đưa ra sau khi lắng nghe nhiều ý kiến băn khoăn về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần sẽ gây sức ép lên lạm phát những tháng cuối năm.

Do chưa biểu quyết thông qua tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội lần này, dự thảo Nghị quyết biểu thuế môi trường sẽ được cơ quan thường trực Quốc hội tiếp tục thảo luận ở kỳ họp vào tháng 8.

Theo tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị xăng tăng 1.000 đồng/lít lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng 500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dự kiến thời gian điều chỉnh từ ngày 1/10.

Lý giải về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng giá xăng ở Việt Nam đang thấp hơn các nước có chung đường biên giới. Đơn cử như giá xăng của Việt Nam thấp hơn Lào 5.556 đồng/lít, Campuchia 3.745 đồng/lít, Trung Quốc 1.468 đồng/lít.

Bộ Tài chính tính toán, với phương án điều chỉnh như trên, số thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là 55.096 tỷ đồng/năm, tăng 14.368 tỷ đồng.

Mặc dù thừa nhận việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung sẽ khiến CPI bình quân năm 2018 tăng 0,11-0,15%, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường) nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường, cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tác động của việc tăng thuế đến hiệu quả của nền kinh tế, sản xuất, đời sống người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần làm rõ việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế bảo vệ môi trường cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường như thế nào.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thời điểm tăng thuế môi trường với các mặt hàng này trong bối cảnh cân đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018 dưới 4%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao là 4%. Ngoài ra, tháng 9 là thời gian bắt đầu năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp… Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Vỹ An