Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước do sự tăng giá của 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ.

Trong tháng 10, nhóm giao thông tăng giá mạnh nhất với mức tăng 1,55% do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng dầu tháng 10 tăng 3,45% đã góp phần đẩy CPI chung tăng 0,14%.

Tiếp theo là nhóm giáo dục tăng 0,58%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,65%, góp phần khiến CPI chung tăng 0,03%. Nguyên nhân là do trong tháng có 7 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%, còn nhóm hàng hóa và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%.

Trong nhóm hàng hóa dịch vụ, ngành lương thực tăng 0,15%; thực phẩm tăng 0,18% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,34%.

Ngoài ra, một số nhóm khác có mức tăng nhẹ là may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%.

Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04% trong tháng 10.

1011 nhom hang hoa va dich vu tang gia day cpi thang 10 tang nhe
10/11 nhóm hàng hóa trong tháng 10 tăng giá. (Ảnh: TTXVN)

Cũng theo báo cáo, CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng CPI tháng 10/2018 tăng 3,54% so với tháng 12/2017 và tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng tăng 1,43% so với cùng kỳ năm 2017.

Chia sẻ trên Báo Đầu tư về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019, TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, tin rằng Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4%.

Cũng theo TS. Đinh Văn Nhã, kiểm soát lạm phát của Việt Nam khó hơn nhiều nước khác vì lạm phát không chỉ chịu tác động bởi thiên tai, hạn hán, bão lũ, thị trường thế giới, mà còn chịu áp lực bởi nhiều loại phí trước đây Nhà nước cung cấp với giá thấp, trong đó có những loại phí thiết yếu, tác động đến hầu hết người dân như viện phí, học phí, giờ đã chuyển thành giá dịch vụ cùng với lộ trình xã hội hoá.

Để kiểm soát lạm phát năm 2019 và các năm tiếp theo, TS. Đinh Văn Nhã cho rằng cần tránh tăng giá dịch vụ vào những thời điểm nhạy cảm và tránh tăng giá dịch vụ đồng loạt trong thời gian ngắn.

Vĩ An