Ngày nay, cụm từ “sản xuất tại Trung Quốc” (“made in China”) đã trở thành dấu hiệu tai tiếng cho các mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng và thậm chí là công nghệ rởm. Hoàn toàn trái lại, Trung Hoa cổ đại vốn là quê hương của tơ lụa, gốm sứ, ngọc ngà, đá quý chất lượng cao, đồng thời còn là nơi phát minh ra giấy, kỹ thuật in và la bàn. 5.000 năm văn minh Trung Hoa đã dựng nên một trong những di sản văn hóa huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Khi những người ngoại quốc được hỏi họ liên tưởng về điều gì khi nhắc đến “văn hóa truyền thống Trung Quốc”, câu trả lời thường là “các vũ công biểu diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh”, “võ thuật trong các buổi trình diễn kungfu Thiếu Lâm”, “các khóa học Thái Cực Quyền” và cũng có khi là “các chương trình Viện Khổng Tử được mở tại trường đại học của tôi”.
Đây là một số ví dụ tiêu biểu cho sự trá hình văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà ngay cả những người Trung Quốc bản địa ngày nay cũng khó lòng nhận biết được di sản văn hóa của cha ông mình thực sự là gì. Tại Trung Quốc, trong những thập kỷ qua, các cuộc vận động chính trị nhằm xóa bỏ nền văn hóa truyền thống, cùng với việc kiểm duyệt truyền thông có hệ thống và đàn áp tự do tín ngưỡng đã tước đi nội hàm tinh hoa của văn hóa truyền thống.
Nội hàm tinh hoa của văn hóa truyền thống Trung Quốc là gì?
Trung Quốc sở hữu một di sản văn hóa phong phú với vô số sử liệu, di tích văn hóa, nền văn học kinh điển, các truyền thuyết cũng như quốc sử qua các triều đại khác nhau. Đây là nền văn minh duy nhất trên thế giới có lịch sử 5.000 năm được ghi chép liên tục, cho phép con cháu Hoa Hạ kế thừa những đức tính và trí tuệ được tích lũy từ thế hệ tổ tiên hằng bao đời.
Nền văn hóa Trung Quốc, được tin là do Thần truyền xuống, đã bắt đầu với những thần thoại như Bàn Cổ tạo ra Trời và Đất, Nữ Oa tạo ra con người, Thần Nông tìm ra hàng trăm loài thảo dược, Thương Hiệt phát minh ra chữ Hán.
Thương Hiệt là một sử quan thân cận của Hoàng Đế – vị quân chủ huyền thoại sống cách đây hơn 5.000 năm và được coi là thuỷ tổ của tất cả người Trung Hoa. Hoàng Đế thực ra là một người tu Đạo và ông đã giáo huấn thần dân của mình sống theo Thiên Đạo.
“Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo và Đạo thuận theo Tự Nhiên”. Sự uyên thâm của Đạo gia về sự hòa hợp giữa Thiên – Địa – Nhân đã được nhà hiền triết Lão Tử đúc kết từ hơn 2.500 năm trước trong cuốn “Đạo Đức Kinh” và đã chảy xuyên suốt trong huyết mạch của nền văn hóa Trung Quốc.
Vào hơn 2000 năm trước, một triết gia khác của Trung Quốc là Khổng Phu Tử (Khổng Tử) đã mở trường dạy học cho học sinh từ mọi tầng lớp. Ông đã truyền cho xã hội những tư tưởng của Nho giáo, đại diện bởi ngũ thường (năm đức tính chính) là nhân – lễ – nghĩa – trí – tín. Ông cũng đã giảng rằng: “Cái Đạo của Đại học là ở chỗ Đức sáng”.
Trong thế kỷ đầu tiên, Phật giáo của Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền từ Ấn Độ cổ vào Trung Quốc với sự nhấn mạnh vào tính Thiện và sự cứu độ tất cả chúng sinh (từ bi phổ độ). Nhờ vậy, nền văn hóa Trung Quốc càng trở nên phong phú và sâu sắc hơn. Sau đó, Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã trở thành các tín ngưỡng bổ trợ lẫn nhau trong xã hội Trung Quốc và đưa triều đại nhà Đường (618-907) lên đến đỉnh cao của sự huy hoàng và thịnh vượng.
Dưới ảnh hưởng của Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo, các giá trị tinh thần và quan niệm đạo đức đã khắc sâu trong tâm khảm người Trung Quốc cả ngàn đời. Có thể kể đến một vài trong vô vàn những giá trị đạo đức sâu sắc mà Tam giáo đã truyền cho xã hội Trung Quốc, như “Kính Thiên tri mệnh”, “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” hay “Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn”. Trí tuệ Trung Hoa cổ đại ấy đã làm phong phú cuộc sống với những tinh hoa của y học cổ truyền, cho đến Kinh Kịch, vũ đạo, kiến trúc và cả võ thuật. Các triều đại như Hán, Tống và Đường đều có rất nhiều danh y, thi hào và danh tướng xuất chúng. Phương pháp y học độc đáo, những tác phẩm kinh điển hay nghệ thuật quân sự mà họ sáng tạo ra khiến nhiều chuyên gia ngày nay phải trầm trồ kinh ngạc. Hầu như tất cả những danh nhân này đều là người tu luyện.
Nói ngắn gọn, văn hóa truyền thống Trung Quốc là một nền văn hóa được truyền cấp và khơi gợi cảm hứng từ các vị Thần, một truyền thống tu tâm dưỡng tính và kính ngưỡng Thần linh. Bởi lẽ này, từ thời cổ đại, Trung Quốc đã được biết đến với cái tên “Thần Châu”, nghĩa là vùng đất nơi các vị Thần và người phàm cùng sinh sống. Nếu rũ bỏ nội hàm này, bất kể màn biểu diễn nào mang danh “truyền thống”, dù là triển lãm văn hóa hay chương trình ngôn ngữ đi chăng nữa, cũng chỉ đơn thuần là giải trí mà thôi.
Vàng thau lẫn lộn, phân biệt ra sao?
Trong những năm gần đây, sự phổ biến của các Viện Khổng Tử – các chương trình quảng bá văn hóa và giáo dục công cộng do chính quyền Trung Quốc ngầm tài trợ và chỉ đạo ở hàng chục quốc gia trên toàn thế giới – đã làm người ta lầm tưởng rằng chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy và đề cao các giá trị văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Thế nhưng hãy xem những gì ĐCSTQ đã làm với Thần Vận (Shen Yun) – đoàn nghệ thuật vũ đạo Trung Hoa cổ điển và âm nhạc truyền thống hàng đầu thế giới, có trụ sở tại New York với sứ mệnh “hồi sinh 5.000 năm văn minh Trung Hoa”, chúng ta sẽ thấy khó mà lý giải. Theo các báo cáo, “ĐCSTQ đã giở đủ trò, từ việc rạch lốp xe chở đoàn nghệ thuật Shen Yun, cho đến việc thuê một đội ngũ bôi nhọ Thần Vận trên Internet khiến cộng đồng mạng hiểu sai về công ty này. ĐCSTQ đã yêu cầu các lãnh sự quán Trung Quốc viết thư cho các quan chức sở tại, nói rằng việc cho phép Shen Yun biểu diễn trong địa khu của các quan chức này sẽ làm rạn nứt mối quan hệ với Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn tự gọi điện đến các nhà hát (hoặc thông qua các bên ủy quyền được thuê) để yêu cầu hủy bỏ lịch diễn của Shen Yun”.
Những phản ứng trái ngược của chính phủ Trung Quốc đối với hai thực thể được cho là ủng hộ văn hóa truyền thống Trung Quốc đã tiết lộ động cơ thực sự của nó. Theo các cáo buộc quốc tế được Fox News đưa tin, lợi dụng các Viện Khổng Tử, ĐCSTQ đang ngấm ngầm áp đặt một hệ thống tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, kiểm duyệt tin tức, xuyên tạc các thông tin chân thực và các xung đột xã hội. Trong khi đó, Shen Yun trình diễn một Trung Quốc trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền và phơi bày sự thật trong lịch sử hiện đại của nước này.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã dùng mọi cách để phá hủy nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Các phong trào do nhà nước phát động bao gồm “Phong trào Trấn phản” đầu thập niên 1950, nhằm tiêu diệt các tôn giáo truyền thống của Trung Quốc là Phật giáo và Đạo giáo; “Phong trào chống cánh hữu” năm 1957 nhắm vào giới trí thức, được coi là giới tinh hoa văn hóa; cho đến cuộc Đại Cách mạng Văn hóa quy mô chưa từng có (1966 – 1976), gần như đã xóa sổ hoàn toàn nền văn hóa 5.000 năm Trung Hoa. Bị coi là những vật thể của “chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xét lại”, các đền chùa của Phật giáo, Đạo giáo, các bức tượng Phật, các danh thắng cổ tích, các bức thư pháp, các tác phẩm mỹ thuật hội họa và đồ cổ đã trở thành những mục tiêu phá hoại chính của Hồng Vệ binh.
Tinh vi hơn, ĐCSTQ thậm chí còn cử các Đảng viên ngầm của mình thâm nhập trực tiếp vào tôn giáo và phá hoại từ bên trong. Giáo hội Phật giáo Trung quốc được thành lập năm 1952 và Giáo hội Đạo giáo Trung quốc được thành lập vào năm 1957 đều đã tuyên bố rõ ràng trong bản tuyên bố thành lập rằng họ sẽ hoạt động “dưới sự lãnh đạo của chính quyền nhân dân”.
Tôn giáo là một cách để con người tu luyện bản thân và siêu thoát thế giới trần tục, nhấn mạnh “bờ bên kia” (bờ của giác ngộ hoàn toàn) và “thiên đường”. Tuy nhiên, các thầy tu chính trị lại thành lập mặt trận thống nhất với ĐCSTQ và khuyến khích Phật tử, Đạo sĩ truy cầu những lợi ích thế tục như của cải, địa vị và hạnh phúc trong đời này, coi thường giới luật, đồng thời cải biên các học thuyết và ý nghĩa của tôn giáo. Họ đã nói hàng loạt những câu lừa đảo và dối trá như “Phật giáo nhân gian” hay “không có mâu thuẫn giữa bờ bên này và bờ bên kia”.
Một trong những biểu tượng văn hóa và tôn giáo của Trung Quốc là chùa Thiếu Lâm hay còn gọi là Thiếu Lâm Tự ở tỉnh Hà Nam, nằm dưới chân núi Tung Sơn, một trong Ngũ nhạc (năm ngọn núi linh thiêng nổi tiếng nhất của Trung Quốc). Đây là cái nôi của Thiền Tông Trung Hoa và võ thuật Thiếu Lâm (kungfu). Suốt nhiều thế kỷ trong quá khứ, các nhà sư Thiếu Lâm Tự đã dành tâm huyết cả đời để thiền định, cầu nguyện và luyện tập võ thuật. Họ sống thanh bần dựa vào trồng trọt tự nhiên và sự cúng dường của tín chúng. Tuy nhiên, các nhà sư Thiếu Lâm Tự ngày nay lại dấn thân vào đủ lĩnh vực kinh doanh, từ buôn bán thực phẩm và thuốc, xây dựng, cho đến giải trí và tư vấn.
Bloomberg vào năm 2015 đã đưa tin về sự việc trụ trì chùa Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín (Shi Yongxin) có ý định mở rộng quy mô của ngôi chùa sang Úc, với cái tên “Làng Thiếu Lâm”. Dự án này đã biến hình ảnh ngôi chùa cổ kính, linh thiêng với các sảnh đường cầu nguyện và các điện thờ Phật trang nghiêm, cùng sân chùa rợp bóng cây cổ thụ trở thành một khu phức hợp hiện đại bao gồm một khách sạn 4 sao với 500 phòng, những căn biệt thự và một sân gôn 27 lỗ, có chi phí hơn 270 triệu USD (hơn 6.000 tỷ VND). Thích Vĩnh Tín cũng đồng thời giữ chức vụ Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Trung Quốc kiêm Đại biểu Quốc hội.
Phóng viên Christopher Beam đã thuật lại chuyến thăm Thiếu Lâm Tự trong bài viết của mình như sau:
“Tôi đã nghe nhiều lời đồn đại về việc thương mại hóa chùa Thiếu Lâm, nhưng vẫn không thể đảm bảo cho mình có một chuyến thăm suôn sẻ đến Tập đoàn Phật giáo này. Tôi đã trả phí vào cửa 16USD (khoảng 366.000VND) và cuốc bộ trên con đường dài rợp bóng cây từ cổng trước của Khu thắng cảnh Thiếu Lâm Tung Sơn vào trong chùa. Nhạc phim “Thiếu Lâm Tự” được phát ra từ những chiếc loa được bắc trên cây”.
“Các nhóm du khách tụ tập trước ngôi chùa để chụp vội các bậc thềm trước và mái ngói dốc, và bất chấp quy định không cho phép, chụp hình cả nhà sư thời vụ. Một người đàn ông mặc áo khoác đã chào tôi mua một bức ảnh chế (qua chỉnh sửa Photoshop) mà trong đó, tôi được Thích Vĩnh Tín và Vladimir Putin đứng bên cạnh hộ tống như những vệ sĩ”.
“Tôi đã bỏ ra 30USD (khoảng 686.000VND) để xem đêm biểu diễn của 400 người là Nghi lễ Âm nhạc Thiền Thiếu Lâm (Shaolin Zen Music Ritual) và xem một màn biểu diễn Kungfu mà sân khấu được giăng đầy thương hiệu của một công ty lốp xe. Trong một cửa hàng quà tặng giống như một khu mua sắm, tôi đã mua một khẩu súng đồ chơi”.
Trong cuốn sách của mình, Thích Vĩnh Tín giải thích mục đích của ông là bảo tồn và truyền bá cái gọi là văn hóa Thiếu Lâm đích thực chứ không phải là thương mại hóa. Ông biện bạch rằng để làm được điều đó, các nhà sư cần phải dấn thân vào thế tục.
Theo Bloomberg, khi lên làm trụ trì vào năm 1999, Thích Vĩnh Tín đã vận động chính quyền địa phương chấp thuận việc phá dỡ trong khu vực, bất chấp sự phản đối từ những người dân mà kế sinh nhai của họ đang bị đe dọa. Vào năm 2002, việc cưỡng chế di dời đã được tiến hành, làm cho vị trụ trì rất ưng ý. “Bây giờ thì Thiếu Lâm Tự đã sở hữu một chút nét duyên dáng thơ mộng mà tôi đã ấp ủ từ lâu”, ông Vĩnh Tín viết. Dự án này ăn khớp với những phi vụ tranh chấp bảo vệ nhãn hiệu của Thích Vĩnh Tín, trong khi ông đang cố gắng kiểm soát hình ảnh của ngôi chùa trong và ngoài nước.
Ngoài công việc kinh doanh bận rộn đến nỗi bị người đời gán luôn cho biệt danh là “nhà sư CEO” (CEO: giám đốc điều hành một doanh nghiệp), cuộc sống riêng tư của Thích Vĩnh Tín cũng ngập trong bê bối. Đầu tiên, ông bị cáo buộc sống một lối sống ngày càng xa hoa: từ việc nhận chiếc xe Volkswagen SUV trị giá 125.000USD do chính quyền huyện Đăng Phong tặng vào năm 2006, cho tới chiếc áo choàng với đường chỉ bằng vàng trị giá 25.000USD – món quà từ một công ty dệt thổ cẩm ở Nam Kinh.
Sự vô độ chưa dừng lại ở đó: Thích Vĩnh Tín còn bị cáo buộc cưỡng hiếp một nữ tu, nuôi hai con và biển thủ tiền quỹ. Thích Diên Lỗ (Shi Yanlu) từng là đệ tử trung thành một thời của Thích Vĩnh Tín nhưng sau đó muốn làm ăn riêng chứ không chung với Thiếu Lâm Tự, đã báo cáo với chính phủ rằng bắt đầu từ năm 2005, Thích Vĩnh Tín đã bắt đầu đòi tiền anh này. Người đại diện của Thích Diên Lỗ đã nói với hãng truyền thông Caixin: “Ông ta rất vô độ”. Thích Diên Lỗ cũng nói về việc mình phải trả 2 triệu nhân dân tệ cho nữ doanh nhân Thâm Quyến bị cáo buộc có quan hệ tình dục với Thích Vĩnh Tín. “Ông ấy là trụ trì, vì vậy tôi phải làm theo những gì ông ấy nói”, Thích Diên Lỗ viết. “Sau đó, ông ta cảnh báo tôi không được ý kiến gì về số tiền này, nếu không tôi sẽ bị đuổi khỏi chùa”.
Mặc dù tất cả những cáo buộc đối với “nhà sư CEO” Thích Vĩnh Tín đều vô cùng nghiêm trọng, tuy nhiên các nhà chức trách Trung Quốc chưa bao giờ công bố đầy đủ kết quả điều tra và Thích Vĩnh Tín vẫn tại vị cho đến nay. Một cư dân mạng Trung Quốc đã viết: “Ông ta là một nhà sư tốt của Đảng, tất nhiên ông ta sẽ chẳng hề hấn gì”.
Một nền văn hóa hầu như đã biến mất khỏi Trung Quốc đại lục, nhưng nguyên nhân là gì?
Những ngôi chùa như Thiếu Lâm Tự vốn là những nơi thanh tịnh mà mọi người có thể tu luyện, lắng nghe tiếng chuông ngân khi bình minh hé rạng và tiếng trống vang rền buổi hoàng hôn, cúi thờ Phật trước những ngọn đèn dầu. Những người bình thường cũng có thể tìm lại bình an trong tâm hồn bằng cách đến chùa sám hối và thờ phụng. Việc tu luyện cần một trái tim thuần tịnh, không mưu cầu, cũng giống như việc sám hối và thờ phụng cần một không gian trang nghiêm, tĩnh tại. Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập môn võ Thiếu Lâm Tự và Thiền tông, đã đi vào một hang động trong núi Tung Sơn và ngồi quay mặt vào vách đá trong suốt 9 năm cho đến khi đạt được giác ngộ. Ông đã ngồi lâu đến nỗi bóng của ông khắc sâu vào đá.
Thế nhưng, nhiều ngôi chùa ngày nay đã trở thành những khu du lịch náo nhiệt, không khác gì trường sở thế tục với đủ loại tranh giành lợi ích và danh vọng. Bằng cách khôi phục lại vẻ ngoài bề thế, song lại phá hủy nội hàm của văn hóa truyền thống, ĐCSTQ đã thành công trong kế hoạch làm suy đồi những giá trị linh thiêng này, cho dù đó là Phật giáo, các tôn giáo khác hay bất cứ loại hình văn hóa nào bắt nguồn từ các tôn giáo này.
Tệ hơn nữa, ĐCSTQ đã cố ý làm nổi bật những phần đồi bại trong lịch sử của Trung Quốc, những thứ đã xảy ra khi con người xa rời các giá trị truyền thống, như tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình hoàng tộc, việc sử dụng các thủ đoạn và âm mưu hay thực hiện chế độ độc tài và chuyên quyền. ĐCSTQ sử dụng các ví dụ lịch sử này để tạo nên một bộ chuẩn mực đạo đức, các cách tư duy và hệ thống lý luận của riêng nó. Bằng cách đó, ĐCSTQ đã tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng “văn hóa Đảng” là một sự kế thừa của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Thậm chí, lợi dụng sự ác cảm của một số người đối với “văn hóa Đảng”, ĐCSTQ đã kích động họ chối bỏ văn hóa truyền thống Trung Hoa đích thực.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc tại sao ĐCSTQ lại phải hủy hoại một nền văn hóa truyền thống vô hại và đẹp đẽ như vậy?
Nguyên nhân sâu xa là do ý thức hệ cố hữu của ĐCSTQ hoàn toàn đối lập với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Với nguồn gốc vô Thần, ĐCSTQ lo sợ rằng niềm tin vào Thần Phật sẽ làm suy yếu lòng trung thành và thách thức tính hợp pháp của sự cai trị của Đảng.
ĐCSTQ tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản là thiên đường trên mặt đất và con đường đi tới đó là do những người vô sản tiên phong hay ĐCSTQ lãnh đạo. Trong khi đó, văn hóa truyền thống Trung Quốc kính trọng Thiên ý, tin vào luân hồi sinh tử và quy luật nhân quả của thiện và ác.
Văn hóa truyền thống đề cao lòng tốt đối với người khác, còn ĐCSTQ thì khuyến khích đấu tranh giai cấp và duy trì sự thống trị bằng bạo lực và khủng bố. Nho giáo tôn trọng gia đình và đề cao đạo hiếu, ĐCSTQ cũng có thể bỏ tù những người không chu cấp cho cha mẹ của mình, nhưng lý do thực sự là nếu không như vậy thì những bậc cha mẹ này sẽ trở thành “gánh nặng” cho chính phủ, còn khi mà cha mẹ bị gán nhãn “phản cách mạng”, Đảng sẽ buộc con cái phải tố cáo chính cha mẹ mình.
ĐCSTQ muốn phong thánh cho những lãnh đạo của nó và quảng bá sự sùng bái cá nhân. Mao Trạch Đông đã từng nói rằng ông ta không theo Đạo cũng không theo Trời (vô Pháp vô Thiên). Ngược lại, văn hóa truyền thống coi hoàng đế là “Thiên tử”: còn có Trời ở trên hoàng đế. Hành xử của hoàng đế sẽ được phán xét theo các chuẩn mực kinh điển của Nho giáo và luôn có những giám quan để chỉ ra những sai lầm của hoàng đế. Nếu hoàng đế vô đạo đức, nhân dân có thể lật đổ ông. Chừng nào văn hóa truyền thống vẫn còn tồn tại, thử hỏi ai sẽ ca ngợi ĐCSTQ là “vĩ đại, quang vinh và đúng đắn” đây?
Cổ nhân Trung Quốc có câu: Vật cực tất phản. Lịch sử đã chứng minh rằng không có triều đại tàn bạo nào có thể tồn tại vĩnh viễn. Những đàn áp và hủy diệt mà ĐCSTQ đã gây ra trong suốt hơn một thế kỷ qua rồi sẽ đến lúc phải chấm dứt, và rồi nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc sẽ được hồi sinh trở lại trong sự vinh quang và tráng lệ nhất. Khi ngày đó đến, có lẽ bạn sẽ cảm giác giống như trong bài thơ “Xuân hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên:
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu?
Dịch thơ:
Buổi sáng mùa xuân
Giấc xuân, sáng chẳng biết,
Khắp nơi chim ríu rít.
Đêm nghe tiếng gió mưa,
Hoa rụng nhiều hay ít?
(Bản dịch của Nam Trân)
Trong kỳ sắp tới của Trung Quốc được tiết lộ, chúng ta sẽ cùng tìm tòi những manh mối của sự bảo tồn và hồi sinh nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, kính mời quý vị đón đọc.
Tác giả: Teresa Jones – The BL
Thanh Tâm biên dịch