“…Và anh nhảy ra ngồi ở chạc cây trứng cá với tôi. Hết coi chim tha rác, chúng tôi lại nhìn ra dãy xe cộ nối đuôi nhau chạy ngoài đường. Chán nhìn xe cộ, chúng tôi nhìn sang những sân nhà láng giềng. Giữa những cành lá bao vây um tùm, chúng tôi mê mải nhìn sự sinh hoạt của các ngôi nhà trước mặt. Thật là một đài quan sát lý tưởng…” Ấy vậy mà, một ngày nọ, chính tác giả phải chứng kiến cảnh cái cây trứng cá ấy, người bạn tuổi thơ thân thiết, bị đốn hạ. Bao kí ức ùa về, cùng với niềm thương cảm, xót xa khó cất thành lời. Tuổi thơ của chúng ta, phải chăng ai cũng có một người bạn như vậy?
Ăn tối xong, tôi thấy ba tôi ngồi hì hục tháo những vòng dây dừa dài. Tôi hỏi:
– Ba định làm gì đó?
– Để chặt cây trứng cá.
Tôi kêu lên hớt hải:
– Sao lại chặt nó?
– Nó héo rồi. Nó cỗi rồi. Nó sắp chết.
– Nhưng nó chưa chết.
– Nó sắp…
Ba tôi không nói hết câu. Chắc tiếng “chết” làm ông nghẹn lời.
Cây trứng cá ba tôi trồng cho chúng tôi đó. Nó đứng ở trước sân, hiện diện từ lúc còn là một thân tơ lá to xanh mướt, gốc lớn bằng ngón chân cái. Da nó láng, có lấm chấm từng điểm mốc. Cao độ một thước là nó đã lấm tấm nở hoa, những đóa hoa năm cánh trắng mỏng. Khi hoa rụng, trái thành hình, trái lớn thật mau, tròn trĩnh, màu xanh lục. Rồi đến một ngày nào màu xanh chuyển sang vàng, màu vàng chuyển sang đỏ. Ba vin cành xuống cho đứa con út là tôi hái trái đầu tiên. Trái thứ hai dành cho anh tôi. Trái thứ ba dành cho chị tôi. Từ trái thứ tư thì mạnh ai nấy hái.
Trời ơi, mới đó mà đã mười lăm năm rồi. Cây trứng cá được mười lăm tuổi và hôm nay là ngày chết của nó.
Tôi bật ngọn đèn trước sân. Ánh sáng nê-ông xanh mát soi rõ tàng cây ủ rũ. Những lá nhỏ, héo tạo những khoảng trống thưa thớt giữa các nhánh. Khi cây đang sung sức, lá đan dày kín trên cao, phủ bóng mát xuống sân, phủ bóng mát xuống hiên, vừa khoe khoang vừa giấu kín những trái chín đỏ. Từng bầy dơi bay rần rật đảo qua lượn lại vào giờ này. Chúng bay vút qua sân, bay xuyên qua tàng lá nhanh và thẳng như những mũi tên màu đen.
Bây giờ thì tất cả đều im lặng. Cây đứng chơ vơ một mình buồn bã ốm yếu. Những chiếc lá nhỏ lay động uể oải theo từng cơn gió nhẹ.
Tôi cố gắng thuyết phục ba tôi:
– Chúng ta thử chờ xem cây nó có hồi sinh được không?
Ba tôi lắc đầu:
– Ba đã ra công tưới nó suốt cả tuần rồi. Hôm đi Sài Gòn về, ba để ý thấy lá nó sao chợt nhỏ lại và không còn màu xanh đậm nữa. Ba sợ nó thiếu nước nên mỗi tối ba chăm chỉ tưới nước cho nó. Nhưng nó không khá hơn. Qua một cơn mưa giông dồi dào, ba thấy tình thế vẫn không biến chuyển. Coi như nó đã kiệt lực rồi.
– Nhưng thà để cho nó chết hẳn đã. Chớ chặt nó khi nó còn thoi thóp thở…
– Phải đành lòng vậy. Cảnh tượng một thân cây đứng chết dần từng ngày từng giờ trông buồn hơn.
Từ một thân cây to bằng ngón chân, cây trứng cá đã lớn lên hết mức, mọc tẻ ra hai nhánh thẳng hình chữ V. Lúc nhỏ anh tôi và tôi hay ngồi ở chạng cây để nói chuyện vẩn vơ, nói đủ thứ chuyện, để nhìn ra dãy xe cộ chạy ngoài đường hoặc nhìn sang những sân nhà trước mặt. Khi ba tôi đi làm, chị tôi đi học thì ở nhà chỉ còn có ba người là anh tôi, tôi và chị giúp việc tên Bốn. Anh tôi lúc đó lên sáu tuổi. Đáng lẽ đã phải đi học rồi, nhưng ba sợ tôi ở nhà một mình cô đơn nên ba bắt anh ở nhà luôn. Ba giao cho anh tập viết và tập làm những bài tính cộng trừ. Tôi lên ba, chỉ biết chơi chớ chưa biết học. Chị Bốn cũng mới chỉ mười hai tuổi, còn ham chơi hơn là làm việc trong bếp. Cả ba người ở nhà cộng lại vừa hơn hai mươi tuổi nên ba tôi căn dặn hễ ba tôi và chị tôi đi khỏi là phải đóng cổng gài chốt lại cẩn thận. Đề phòng chúng tôi chạy ra đường và đề phòng kẻ cắp vào nhà.
Anh tôi hì hục ở bàn học chừng độ mười phút là tay chân đã bắt đầu ngứa ngáy. Anh cất tiếng gọi:
– Thủy ơi!
Tôi dạ.
– Mày ở đâu?
– Em ở sau giếng.
– Mày làm cái gì ngoài đó?
– Em coi con gà nó ấp.
Im lặng một lát. Chắc lúc đó trí óc anh xáo trộn dữ lắm. Nửa muốn ngồi tập viết, nửa muốn chạy ra coi “con gà nó ấp”. Cuối cùng con gà thắng bài tập viết. Anh lê dép đi ra sân sau.
Tôi nói:
– Coi chừng! Không tập viết đủ một trang, chị Bé về đánh đòn đó.
Anh ngần ngừ:
– Ừ, để tao coi một lát rồi tao lên viết.
Một lát có nghĩa là một giờ. Đôi khi hai giờ. Có bữa là luôn cả buổi. Anh bị chị Bé đánh hoài vì tội không kiểm soát được mỗi cái “lát” của mình.
Thỉnh thoảng anh cũng có làm bổn phận một cách đầy đủ. Chẳng hạn làm xong bốn bài tính cộng. Chẳng hạn tập viết xong một trang. Những lúc đó anh đắc thắng bỏ mạnh cây viết xuống bàn rồi cất tiếng gọi tôi:
– Thủy ơi!
Tôi dạ.
– Mày ở đâu?
– Em ở trước sân.
– Chỗ nào?
– Ở gốc cây trứng cá.
– Làm gì ngoài đó?
– Coi hai con chim nó tha rác.
– Đợi tao ra coi với.
– Lo làm tính xong đã.
– Tao làm xong rồi.
Và anh nhảy ra ngồi ở chạc cây trứng cá với tôi. Hết coi chim tha rác, chúng tôi lại nhìn ra dãy xe cộ nối đuôi nhau chạy ngoài đường. Chán nhìn xe cộ, chúng tôi nhìn sang những sân nhà láng giềng. Giữa những cành lá bao vây um tùm, chúng tôi mê mải nhìn sự sinh hoạt của các ngôi nhà trước mặt. Thật là một đài quan sát lý tưởng. Số 48 là nhà của má chị Liên. Má chị sinh một bầy con gái và ba chị làm an lòng bà bằng cách đặt cho các con những cái tên bắt đầu bằng chữ L: Liên, Loan, Lệ, Luận, Lương, Lợi. Có một chút hài hước để đùa lại số mệnh hoặc một chút an vui cam phận.
Số nhà 52 có thằng Hùng, thằng Hạ, con Nhơn. Mỗi lần mẹ chúng nó đi chợ về vừa bước tới cổng là chúng nó chạy ùa ra lục giỏ. Rồi mỗi đứa lãnh một củ khoai hay một trái bắp đi nghêu ngao, vừa cạp vừa múa hát. Tôi nói nhỏ với anh tôi:
– Ăn bắp mà tụi nó không gỡ mấy sợi râu ở đầu.
Anh tôi không trả lời. Tôi lén đưa mắt thì thấy nét mặt anh có vẻ thẫn thờ. Tôi hỏi:
– Anh muốn ăn bắp phải không?
Anh tôi giật mình quay lại:
– Mới ăn xôi hồi sáng còn no. Mà… bắp ở đâu mà ăn?
– Ờ… mình không có má để được ăn bắp như lũ con Nhơn.
– Ba đã dặn mình muốn ăn món chi thì nói chị Bốn mua.
– Chị Bốn chớ đâu phải là má.
Có một sự khác nhau giữa chị Bốn với một người gọi là má, tôi cảm thấy rõ ràng mà không nói được.
Anh tôi gật đầu:
– Ừ, có má sướng hơn có chị Bốn.
Nói chuyện dông dài quên hết thời gian. Có bữa chị Bé đi học về đậu xe trước cổng rồi mà từ cái đài quan sát chúng tôi không hề biết. Chị bấm chuông làm chúng tôi giật mình. Anh tôi lúng túng không biết nên chạy ra mở cổng hay chạy vô nhà ngồi trước bàn học. Hoặc chạy vô nhà rồi sau đó mới chạy ra mở cổng, làm như mình vừa chăm chỉ ngồi làm bài. Tôi thì bấn loạn không kém chỉ vì thấy dáng điệu âu lo của anh tôi.
Những năm trôi qua. Từ cái đài quan sát chúng tôi đã chứng kiến sự ra đi của gia đình chị Liên và thay vào bằng gia đình chị Cẩm. Chứng kiến ngôi nhà của ông Nam An đang từ tầng trệt mà xây vượt lên ba tầng, có cửa kính kéo ri-đô đỏ. Chứng kiến sự biến cải của ngôi trường sơ học Đại Trung thành tiệm sửa xe đạp.
Hôm nay thì sự biến đổi xảy đến cho chính cái đài quan sát. Chị tôi và anh tôi đang ở xa, chỉ có mình tôi làm chứng nhân đau khổ.
Ba tôi đã tháo xong mấy đường dây dừa. Ông đang cẩn thận nối chúng lại với nhau thành một đường dây thật dài và thật chắc. Sự cẩn thận tỉ mỉ làm đau xót lòng tôi. Sợi dây này sẽ góp phần để kéo ngã cây trứng cá xuống. Nó đóng vai trò dụng cụ giảo hình.
Hỡi cây trứng cá thân yêu ơi, cây có biết số phận nào đang chờ đợi cây không? Và nếu đã biết rồi thì cây có buồn không? Trong một chuyện xưa tôi nghe kể có anh em họ Điền kia, sau khi cha mẹ chết đi, vẫn chung sống hòa thuận với nhau trong một ngôi nhà. Nhưng khi người em út cưới vợ thì lại cưới nhằm một ả tham lam lắm điều. Ả giục chồng đòi các anh phải chia gia tài. Người anh cả thuyết phục không được đành phải đem của cải của cha mẹ tổ tiên để lại chia ra thành những phần đều nhau. Chia xong ruộng nương, nhà cửa, chia hết tiền bạc, xanh, chảo, chén bát. Đến cây hòe trước sân, người em dâu út cũng bắt buộc phải chặt ra mà chia. Anh cả năn nỉ giữ lại, nhưng người em út nhất định không chịu. Anh đành hẹn sáng hôm sau sẽ chặt cây mà chia.
Sáng hôm sau anh em tề tựu đông đủ, rìu búa trên tay, nhưng khi đến gốc cây nhìn lên thì cây đã héo chết rồi. Cây không chịu đựng nổi sự chia cắt từng phần, cây thà chịu chết trọn vẹn rồi sau đó mặc kệ cho người muốn làm gì thì làm trên thân xác đó. Cây có linh hồn. Cây có tình có nghĩa. Cây dạy cho người bài học thương yêu. Người anh cả trong truyện lại ngồi ôm gốc cây mà khóc.
Ba tôi leo lên thân cây và buộc một đầu dây vào cành cao nhất. Sau đó chú tôi cầm rựa bổ vào gốc. Lưỡi rựa không được bén tạo nhiều tiếng dội. Và cành lá rung rinh điên đảo.
…Bao nhiêu năm trước đây lá chỉ khẽ rung rinh mỗi khi có gió nhẹ. Ba tôi hay bắc ghế ra nằm dưới bóng cây để đọc sách. Tràng hoa trắng bay rụng trên áo, trên mái tóc, trên trang sách, rụng rải rác trên mặt đất. Ba tôi hứng những cánh hoa mỏng bay rơi lả tả nhẹ nhàng, nâng niu trên bàn tay mà bảo tôi:
– Ở giữa phố thị, không dễ mà có được một cảnh đẹp như thế này, và nghệ thuật sống ở đời là phải biết tận hưởng những lạc thú nhỏ mà mình có. Thường người ta trồng cây trứng cá để tìm bóng mát vì cây mau lớn và cành đâm ngang. Trẻ con thì thích những trái ngọt. Hầu như không ai biết tới những hoa trắng mỏng của nó, mỏng như cánh chuồn. Và với cảnh cánh hoa rơi nhẹ từ cành cao xuống đất như một trận mưa sương.
Những cô bạn đến thăm tôi thường cũng không chú ý đến những cánh hoa trắng mỏng đó. Họ chỉ thấy trái chín. Họ ào ào leo lên hái, có khi năm sáu người thượng lên cây một lượt và tôi phải trao cho mỗi người một túi ni-lông nhỏ để họ đựng trái.
Những tiếng rựa bổ chan chát vào gốc cây. Ba tôi nhắm hướng để sợi dây sẽ kéo thân cây ngã vào giữa sân, tránh đập vào hàng rào và đập vào mái nhà. Tránh cả những luống hoa lài, những bụi trúc, những cành hoa sứ. Khoảng sân thì hẹp mà cây cối thì nhiều, không vì một cây này mà làm bị thương một cây khác.
Khi những nhát rựa của chú tôi bắt đầu rời rạc thì chợt nghe có tiếng răng rắc. Ba tôi nói to:
– Đi giãn ra xa! Coi chừng!
Sợi dây căng đến tột độ. Thân cây trịnh trọng khẽ nghiêng rồi bỗng ngã đánh rầm trong một loáng mắt, nằm sóng sượt giữa sân.
Một khoảng trời xanh chợt hiện ra trên đầu. Một khoảng trống bỡ ngỡ, xa lạ, bất ổn. Chú tôi dùng rựa rong những cành nhỏ, chị Bốn lần lượt lôi bỏ ra vườn sau. Chú tôi hỏi:
– Bây giờ phải chặt ngang ra làm mấy khúc?
Ba tôi đứng nhìn, im lặng suy nghĩ. Rồi ông hỏi lại:
– Để nguyên, khiêng có nổi không?
– Hơi nặng.
– Cố gắng thử coi.
Tôi lại phụ tay với ba tôi, chú tôi và chị Bốn. Sức nặng làm đỏ rần mọi khuôn mặt. Phải nghỉ đến ba chặng mới khiêng được thân cây ra tới sân sau. Tôi đoán vì sao ba tôi không nỡ để cho cây bị chặt làm nhiều đoạn.
Sau khi dọn dẹp xong, ba tôi lại ngồi một mình trầm ngâm ở ghế sa-lông. Tôi biết ba tôi đang buồn. Một cái cây hiện diện cạnh mình trong nhiều năm trời, sớm chiều quen thuộc, thì tự nhiên mình đã coi như một người bạn trầm lặng. Ngoài ra một cái cây muốn lớn lên phải đòi hỏi nhiều năm cần cù nhẫn nại. Phải dinh dưỡng thường xuyên, cành cây muốn dài thêm một phân phải cần tháng này sang tháng khác. Những công trình nhân tạo như tòa lâu đài đồ sộ, nhà cao ốc chất ngất, như đập nước vĩ đại, con người có thể huy động sức người ra làm mau theo ý muốn, phá vỡ rồi làm lại theo ý muốn. Chớ một cái cây có đời sống độc lập của nó, loài người có thể hạ sát nó mà không thể ép buộc nó phải lớn mau theo ý muốn của loài người. Ba tôi quý trọng cuộc đời của những cây cối một phần chắc là bởi lẽ đó.
Trước đây bảy tám năm, một cây chùm ruột ở vại nước nhà tôi bị héo lá rồi chết khô. Ba tôi buồn nói:
– Cây chùm ruột này, ba lên tận Xuân Lạc xin cây con đem về trồng khi mới làm nhà. Hồi đó má các con còn mạnh. Từ khi má các con mất, đây là lần đầu tiên một cái cây chết ở vườn nhà chúng ta.
Sau cây chùm ruột đến cây ổi xá lị, vì bị hơi nóng đốt rác mà lá rụng dần rồi chết. Sau cây ổi đến một vườn mãng cầu, sa-pô-chê phải chặt đi để làm căn nhà mới. Chắc chắn là tâm hồn của ba tôi không còn bị xúc động nặng như lần đầu tiên nhìn cây chùm ruột chết khô. Khi một tâm hồn đã chằng chịt vết thương thì một vài vết cắt đến sau tự nhiên bớt đi phần cay xót.
Cây trứng cá giữ nhiều kỷ niệm với chúng tôi biết bao! Tôi nhớ những năm chúng tôi còn nhỏ, đến rằm Trung thu ba tôi mua đèn lồng treo trên những cành trứng cá thấp để chúng tôi chơi. Ba tôi lại tự tay ngồi phất những cái lồng đèn thật lớn, hình tròn, đem treo mãi trên đọt cây trứng cá cao, treo rải rác xuống từng cành, biến cây trứng cá thành một cây Nô-en vĩ đại và chúng tôi ngồi dưới gốc cây chong mắt nhìn lên.
Ba tôi chỉ cái đèn tròn lớn nhất:
– Đó là tượng trưng cho Mặt trời, trung tâm của Thái Dương hệ. Cái đèn tròn nằm ở gần dưới nó – ba tôi giơ tay chỉ – là Thủy tinh. Cái đèn nằm xa một chút nữa là Kim tinh.
Anh tôi ngắt lời:
– Người ta lấy thủy tinh đó để làm cái ly uống nước hở ba?
Ba lắc đầu:
– Không phải. Thủy tinh làm cái ly uống nước là một chất dẻo do hột cát nấu chảy mà thành. Còn Thủy tinh của Thái Dương hệ là một hành tinh, nghĩa là một khối lớn kiểu như Trái đất xoay xung quanh Mặt trời.
Tôi không hiểu gì hết về những cái “tinh” đó, về nhiều cái “tinh” nữa mà cha tôi kể tiếp như là Hỏa tinh, Mộc tinh, Thổ tinh, vân vân. Tôi chỉ một cái đèn xếp dài ngoằng hỏi ba tôi:
– Còn cái “tinh” gì kia?
Ba tôi bật cười:
– Cái này không phải là hành tinh. Nó là một cái lồng đèn thường, dễ làm vì chỉ cần xếp giấy lại, bẻ từng lần, dán dính hai mép giấy vào nhau là nó thành một cái đèn tròn. Hồi nhỏ ba hay tự tay xếp cái lồng đèn kiểu đó mà chơi lấy, chớ không phải tốn tiền mua như trẻ con bây giờ.
Tôi lặng lẽ từ phòng khách bước thẫn thờ ra sân, nơi cây trứng cá đứng rậm rạp ngày trước và giờ đây chỉ còn là một khoảng trống cây ô ma thấp, bụi bông lài, mấy nhánh đồi mồi đứng im lìm. Vắng cây trứng cá cố hữu, vắng người bạn láng giềng cao cả uy nghi, những cây nhỏ đó trông có vẻ ngơ ngác lạc loài. Tôi không muốn nhìn cái cảnh đìu hiu trống vắng đó nó làm nhức nhối võng mạc và tâm não tôi. Tôi nhắm mắt lại một phút nhìn lui về ký ức của tôi, nơi đó một cây trứng cá cành lá um tùm đứng vững chãi hiên ngang, mang trên mình những cái lồng đèn sáng rực nhiều kiểu nhiều màu. Và ở dưới gốc cây rõ ràng là có ba chị em chúng tôi, ba đứa nhỏ ngây thơ đang đứng chong mắt nhìn lên.
Võ Hồng
Đăng theo Vietsciences. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Phong thủy quan trọng nhất trong gia đình, chỉ có một nơi