Rơi từ tầng 7 chung cư, bé gái 4 tuổi được đưa vào viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) trong tình trạng lơ mơ, chảy máu nhiều, gãy tay, bụng trướng, tri giác không ổn định.
Trao đổi với Vietnamnet, mẹ bé cho biết, lúc 20h30 ngày 26/6, sau khi tắm cho bé, chị tiếp tục tắm cho bé lớn. Khi trở ra, không thấy bé gái đâu, chị chủ quan nghĩ chạy qua nhà hàng xóm chơi. Lúc sau, chị nghe tiếng hàng xóm tri hô bé bị rơi từ tầng 7 xuống đất.
Bệnh nhi được chẩn đoán có máu tụ dưới màng cứng, xuất huyết vùng hố sau, dập gan, xương cánh tay gãy hở độ 3, tổn thương động mạch cánh tay trái.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, bệnh viện Nhi đồng 2, người trực tiếp thực hiện nối mạch cho bệnh nhi cho hay, bé bị đa tổn thương nặng, men gan tăng cao, nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, gây ảnh hưởng tới tính mạng.
Mạch máu bệnh nhi bị dập, có nguy cơ tắc lại cao… nên kíp mổ phải phẫu thuật nhanh, chính xác, hạn chế phải mổ lại vì không thể gây mê nhiều lần.
Sau 1 giờ phẫu thuật, bé được chuyển qua khoa hồi sức để theo dõi, điều trị các tổn thương ở vùng đầu, gan. Qua 1 tuần điều trị, sức khỏe đã dần ổn định, các vết thương lành, bé đã được xuất viện.
Các bước sơ cứu nạn nhân bị ngã từ trên cao xuống
– Nguyên tắc đầu tiên là để người bị nạn bất động, tránh di chuyển các đoạn cột sống đã bị tổn thương. Bởi tất cả các sự dịch chuyển, cho dù rất nhẹ cũng sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống người bệnh.
– Trong trường hợp nạn nhân có các tổn thương ở vùng cổ: Nên đặt đầu bệnh nhân nằm thẳng trục ở tư thế trung gian, không cúi gập, ngửa hay xoay cổ. Đặt đầu bệnh nhân trên nền cứng như miếng ván gỗ, đồng thời chèn quần áo hay bao cát ở hai bên cổ để cố định, tránh trường hợp bệnh nhân xoay cổ.
– Với những nạn nhân bị chấn thương ở vùng cột sống lưng và xương ngực: Nên đặt nằm sấp hoặc nằm ngửa trên cáng cứng, sau đó cố định ở 3 điểm là đầu, vai và ngang khung chậu.
– Khi di chuyển nạn nhân, nếu không có cáng cứng thì cần có người luôn đi sát để đỡ, phòng trường hợp cột sống bị dịch chuyển.
Lan Phương