Mới đây gần 4000 con heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á tại TP. HCM đã bị Cục Cảnh sát môi trường phát hiện bị tiêm thuốc an thần, khiến nhiều người lo lắng về những nguy hại sức khỏe khi ăn phải những loại thịt như thế này.
Trong đêm khuya 28/9, lực lượng của Cục Cảnh sát môi trường phát hiện gần 4.000 con heo tại cơ sở Xuyên Á bị bị tiêm thuốc an thần Combistress trước khi giết mổ. Nhiều lọ thuốc có nhãn Combistress (an thần), hàng chục chai nhựa giống bình truyền nước chứa dung dịch màu vàng… bị thu giữ. Ngoài 600 con heo còn tỉnh táo, gần 4.000 con nằm la liệt tại các dãy chuồng.
Đây là cơ sở giết mổ lớn nhất ở TP HCM, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ tại thành phố, mỗi đêm làm thịt khoảng 5000 con. Điều khiến nhiều người lo lắng là thịt heo bị tiêm thuốc an thần này gây hại cho sức khỏe người dùng như thế nào và làm sao nhận biết thịt heo bẩn.
Theo một cán bộ đoàn liên ngành, thương lái thường tiêm thuốc an thần cho heo trong quá trình vận chuyển để heo ngủ, giảm hao hụt. Thuốc cũng giúp thịt heo mềm, màu đẹp hơn khi mang ra thị trường. Tuy nhiên, tồn dư thuốc an thần trong thịt heo sẽ làm người ăn lừ đừ, trầm cảm, tụt huyết áp… và đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh tim, gan.
Các chuyên gia thú y khuyến cáo loại thuốc Combistress tiêm vào heo ngay trước khi giết mổ có thể tồn dư trong thịt gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thọ, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP HCM, Combistress chứa hoạt chất chính là Acepromazine. Acepromazine có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần, chống căng thẳng, giúp thú vật trấn tĩnh và giảm lo lắng, chống ói mửa. Thuốc được dùng trước khi gây mê phẫu thuật để tránh con vật bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê.
Trong chăn nuôi thú y, các loại thuốc an thần thường được dùng làm thuốc tiền mê khi phẫu thuật hoặc giúp con vật an thần để thực hiện tiểu phẫu. Thuốc cũng có thể dùng để trấn an heo mẹ hung dữ cắn con không cho con bú. Ngoài ra loại thuốc còn được sử dụng khi vận chuyển vật nuôi đi xa để phòng chống say tàu xe, ói mửa, giảm tử vong. Thuốc còn làm các mạch máu heo co lại khiến thịt trông hồng hào, bắt mắt hơn. Dù vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo dùng thuốc cho heo với liều lượng phù hợp, không nên lạm dụng.
Trong các bệnh viện, nếu muốn dùng các loại thuốc này để gây mê cho người bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ. Còn trong lĩnh vực thú y, thuốc chứa hoạt chất Acepromazine chưa có quy định cụ thể và được bán bình thường ở các cửa hàng thuốc thú y. Song theo quy định về thời gian thì phải ngưng dùng thuốc trong vòng 5 đến 7 ngày trước khi thịt con vật thì mới đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già, bệnh nhân và trẻ em.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định, nếu con người sử dụng thường xuyên thịt heo có chứa chất Acepromazine sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, hội chứng thận hư, bệnh thần kinh, đảng trí, trầm uất, run chân tay…
TS. Thọ cho biết, hiện nay trên thị trường thuốc thú y, ngoài Combistress còn có Prozil là một loại thuốc thú y có chứa hai thành phần chính là Acepromazine và Atropin, cũng có tác dụng tương tự.
Theo TS. Thọ, bằng mắt thường khó nhận biết được miếng thịt nào có tồn dư thuốc an thần. Về cơ bản có một số dấu hiệu như miếng thịt có màu sắc thật bắt mắt khác lạ, đỏ tươi hơn bình thường, sờ tay vào thấy rất dính, rất dẻo, thịt sát tới da, rất ít mỡ, có thể nghi ngờ là heo khi còn sống đã được sử dụng thuốc không đúng quy định.
Minh Thanh t/h
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.