Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã được nói đến nhiều nhưng vấn đề dường như vẫn còn nguyên đó. Nhiều nơi còn có dấu hiệu lạm dụng thuốc trừ sâu ngày càng gia tăng.
Một vụ lúa xịt thuốc 6-9 lần
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang có xu hướng ngày càng nhập khẩu nhiều thuốc trừ sâu và nguyên liệu.
Tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 79 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu (khoảng 1.800 tỉ đồng), nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu 8 tháng đầu năm 2017 lên trên 660 triệu USD (trên 15.000 tỉ đồng), tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chính vẫn là Trung Quốc.
Ông Phạm Văn Bảnh – trồng 4ha lúa và hoa màu xen canh vụ 3 tại huyện Châu Thành, Kiên Giang – thừa nhận chuyện nông dân ngày càng lệ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Ông Bảnh lý giải trước kia trồng lúa mùa, mỗi năm 1 vụ duy nhất, giống lúa ngày đó rất khỏe, bụi lớn, cây lúa mọc cao nên chuyện sâu bệnh gần như không có. Nhưng từ lúc tăng từ 1 vụ lúa mùa/năm lên 2 vụ, thậm chí 3 vụ, ruộng đất không có thời gian phơi ải để diệt mầm bệnh nên phải phun thuốc trừ sâu.
Ông Bảnh liệt kê chi tiết 1 vụ lúa khoảng 90 ngày, đã có tới 7-8 lần xịt thuốc.
Cụ thể, vừa sạ lúa xong là tiến hành xịt thuốc diệt mầm bệnh; bơm nước vô ruộng là phải xịt thuốc diệt cỏ; sau đó tùy theo loại sâu bệnh mà tiếp tục xịt nhiều loại thuốc khác nhau (thường phải vài lần), cứ 1 lần bón phân là sau đó phải xịt thuốc BVTV. Trước thu hoạch khoảng 20 ngày, phun thuốc dưỡng hạt.
Ông Phạm Văn Bảnh tính chi phí phun thuốc BVTV là 7-8 triệu đồng/ha/vụ, trồng rau còn phải phun nhiều hơn.
“Chủng loại thuốc thì vô phương nhớ nổi, có loại làm xanh lá, có loại làm to trái, bóng vỏ, thậm chí sau khi thu hoạch vẫn phải xịt thuốc để rau củ quả tươi lâu, tránh thương lái ép giá” – ông Bảnh nói.
Không phun thuốc sẽ phải chấp nhận rủi ro?
Lão nông Bùi Văn Thanh (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết vụ hè thu năm nay, nghe lời khuyến cáo, trước khi gieo sạ ông không phun thuốc diệt cỏ bờ như mọi năm. Lúc ủ giống, ông cũng không trộn thuốc để kích thích nảy mầm, ngưng rải thuốc diệt ốc bươu vàng. Thế rồi sau một tuần, tỉ lệ nảy mầm chưa tới 10% do bị cỏ dại lấn lướt, ốc bươu vàng tấn công.
“Biết dùng quá tay thuốc BVTV độc hại cho người tiêu dùng và môi trường nhưng không xài thuốc đồng nghĩa chấp nhận rủi ro”, ông Thanh phân trần.
Anh Thạch Hiền (thành phố Sóc Trăng) cũng cho biết để trồng rau màu có thu hoạch, đôi khi phải làm điều mình… không muốn, là phun thuốc BVTV. Băn khoăn không hiểu sao bây giờ nhiều sâu bọ vậy, anh Hiền cho biết đang trồng riêng rau để gia đình ăn, rau phun thuốc đem bán.
Ai là người chịu tác hại đầu tiên?
Tác hại của thuốc BVTV là vô cùng nguy hiểm. Kết quả thực nghiệm cho thấy với loại khẩu trang chuyên dụng 18 lớp, sau xịt thuốc sâu, lớp vải trong cùng vẫn phơi nhiễm một lượng thuốc sâu đáng kể.
Trong khi đó, những người đi làm thuê hoặc nông dân đi phun thuốc sâu hầu hết không mang bao tay, nhiều người không mang cả khẩu trang. Trang bị như vậy, khi phun thuốc BVTV chắc chắn sẽ phơi nhiễm trực tiếp.
Nông dân cần thực hiện nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và liều lượng. Với rau quả, nông sản sau khi phun thuốc BVTV, ít nhất phải 15-20 ngày mới được thu hoạch.
Khi phun thuốc BVTV, người phun phải chọn hướng trên gió, nên phun vào lúc giữa trưa có nắng, tránh phun ngay trước khi trời mưa vì thuốc sẽ bị rửa trôi ngấm vào đất, vào mạch nước ngầm vô cùng nguy hại cho cộng đồng.
Thực tế cho thầy nhiều lô gạo xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác đã bị trả về vì dư lượng thuốc BVTV. Ví dụ, thông tin từ FDA được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại cho thấy, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Nguyên nhân là do nhiễm 8 hoạt chất cấm vượt mức giới hạn cho phép. Các chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Tính thêm hàng do các nước khác từ chối, số gạo Việt Nam phải nhận lại lên đến cả chục nghìn tấn mỗi năm.
Một câu hỏi khác đặt ra là: Hàng xuất khẩu thường được kiểm tra chất lượng rất ngặt nghèo những vẫn vi phạm tiêu chuẩn chất cấm. Vậy hàng không xuất khẩu, tiêu thụ trong nước thì sẽ như thế nào? Đồng thời, những lô hàng “không đảm bảo chất lượng” khi bị các nước từ chối, quay về Việt Nam sẽ được xử lý như thế nào? Liệu chúng có được “quay đầu” về bán trở lại thị trường trong nước?
Việc lạm dụng thuốc trừ sâu để bảo quản thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
- Ung thư
- Nhận thức kém
- Rối loạn thần kinh
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Béo phì
- Vô sinh và dị tật bẩm sinh
Hoàng Kỳ (T/h)
Xem thêm:
- Mách bạn 4 cách tốt nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trên rau củ
- Trường học 7 năm liền sống cùng mùi thuốc trừ sâu
- Bác sỹ Trung Quốc thuộc hệ thống mổ cướp tạng bị cấm vận suốt đời khỏi tạp chí danh tiếng
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.