Sau Tết, nhiều bệnh nhân phải nhập viện do mắc các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật, hô hấp, bệnh mãn tính…
Rượu, các loại đồ nhậu, bánh kẹo… là những thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết. Khi ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo và lạm dụng các đồ uống chứa chất kích thích sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh như gan nhiễm mỡ, mỡ máu cao, ngộ độc thực phẩm…
Bệnh đường hô hấp
Theo khảo sát tại các cơ sở y tế, trước Tết bệnh viêm đường hô hấp cấp tính chiếm 5% nhưng sau Tết bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tăng lên 13%. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do ảnh hưởng từ môi trường như khói, bụi, dị ứng mùi lạ, thời tiết thay đổi đột ngột…
Trong những ngày Tết, mọi người thường đến những nơi công cộng, bệnh càng dễ lây nhiễm trong cộng đồng. Viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh là những căn bệnh thường gặp trong dịp Tết.
Sau tết thì thường các bệnh viện lại gia tăng bệnh nhân và dường như quá tải với các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật và đặc biệt là các biến chứng thường gặp của các bệnh mãn tính.
Rối loạn tiêu hóa
Việc ăn uống thất thường như: ăn quá nhiều, quá ít, không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm… uống nhiều rượu bia đều là các tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa.
Các triệu chứng thông thường là tiêu chảy, táo bón, sình bụng và tình trạng chậm tiêu hóa, hấp thụ kém, đầy bụng, khó tiêu, đắng miệng, ăn không biết ngon…
Bệnh lý gan mật
Viêm gan do rượu thường xuất hiện ở những người uống rượu thường xuyên – viêm và hoại tử tế bào gan dài 1- 2 tuần. Bệnh thường diễn tiến nặng sau thời gian uống rượu nhiều.
Viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt nếu có tổn thương gan trước đó. Vì vậy phải sớm nhận biết và điều trị viêm gan do rượu để ngăn ngừa hậu quả nguy hiểm.
Xơ gan do rượu thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bởi rượu hòa tan trong mỡ mà lượng mỡ ở cơ thể nữ thường nhiều hơn nam. Viêm gan do rượu nhiều năm sẽ dẫn đến xơ gan.
Ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân là do dùng thức ăn kém vệ sinh hoặc ôi thiu, nhưng cũng có thể do không quen thức ăn hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói hay tiêu chảy nhiều hơn.
Ngộ độc thực phẩm thường khiến người bệnh mất nhiều nước và muối. Nếu không bù vào lượng nước và muối đã mất có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bệnh táo bón
Bên cạnh tiêu chảy do ngộ độc còn có táo bón. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn ít chất xơ và thiếu vận động. Ngoài ra, việc lạm dụng cà phê và các loại nước giải khát có ga càng làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn.
Chứng táo bón thường gặp ở phụ nữ hơn là ở nam giới, thường gặp ở những người lao động trí óc hơn là ở những người lao động chân tay. Táo bón ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phương Nam