“Trung bình 1 tháng, bệnh viện Nhi Đồng Tp.HCM đã tiếp nhận hơn 20 ca bệnh nhi uống nhầm hóa chất, xăng dầu và các chất độc hại khác nhau”, bác sĩ Nguyễn Cát Phượng Vũ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM trao đổi với với VTC.
Ngày 17/3, bé V.G.B., 17 tháng tuổi, Đồng Nai đã nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bé bị suy hô hấp tím tái phải thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút. Khi nhập viện bệnh nhi chỉ còn thoi thóp rất nguy kịch. Nguyên nhân được xác định do ngộ độc vì uống nhầm xăng để trong chai nước giải khát.
Trước đó, bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận một bé gái 3 tuổi uống nhầm chất tẩy móng tay. Theo Vietnamnet, bà Tốt – bà nội của bé gái trong lúc trông cháu ở nhà đã lấy vội chai nước trên bàn khi bé gái kêu khóc đòi uống nước. Khi vừa uống, bé gái ho sặc sụa, nôn ói. Ngửi chai nước thì bà Tốt tá hỏa phát hiện đó là chai đựng hóa chất tẩy rửa móng tay.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó GĐ bệnh viện Nhi Đồng, Tp.HCM cho hay, uống nhầm xăng, dầu, hóa chất đựng trong chai nước giải khát là tai nạn đặc biệt nguy hiểm. Hóa chất sẽ gây ngộ độc, bỏng thực quản, khí quản, gây suy đa tạng có thể cướp đi sinh mạng của cả trẻ em lẫn người lớn, theo Vietnamnet.
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM chia sẻ, trẻ con thường rất vô tư, nuốt rất nhanh khi ăn uống. Đó là lý do, nhiều trẻ uống một lúc mới biết là uống nhầm hóa chất và dừng lại. Với những trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh thường chỉ thấy tổn thương bên ngoài như bỏng rộp môi, miệng, lưỡi. Nhiều người bỏ qua những tổn thương thực quản, dạ dày, chỉ khi có dấu hiệu nặng mới đưa con đến bệnh viện, theo Infonet.
Các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn ăn, uống nhầm hóa chất (nhất là javel, axit hoặc kiềm) là dạng tai nạn sinh hoạt điển hình, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Chuyên gia y tế liên tục cảnh báo các bậc phụ huynh nên để các loại hóa chất trong chai riêng, có nhãn mác, để cao, tránh xa tầm với của trẻ và không để lẫn với đồ uống khác trong nhà.
Theo VTV, trong trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất, người lớn nên tìm hiểu trẻ đã uống nhầm chất gì. Nếu chất uống nhầm là hóa chất không bay hơi, khi phát hiện trẻ bị sặc, cần giúp bé nôn ra bằng cách dùng một miếng vải nhỏ bọc vào đầu ngón tay, đặt nhẹ vào nửa bên trong của lưỡi để kích thích cho bé nôn. Sau khi bé nôn ra, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Nếu trẻ uống phải chất bay hơi như nước rửa sơn móng tay, xăng, dầu, việc nôn ra có thể khiến hơi của hóa chất tác động xấu hơn đến trẻ. Lúc này, người nhà nên đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, không nên sơ cứu tại nhà, tránh mất đi thời gian để cứu trẻ.
Hôm qua là hóa chất rửa sơn móng tay, hôm nay là xăng, ngày mai có thể lại là một hóa chất nào đó. Chính sự bất cẩn của những người lớn mà những đứa trẻ của chúng ta đang phải chịu nguy hiểm.
H.H