Viêm mũi, họng là bệnh thường gặp ở trẻ em khi thời tiết giao mùa hoặc lạnh đột ngột. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, rửa mũi bằng nước muối cũng là cách cực kỳ hiệu quả giúp trẻ bớt khó chịu và mau khỏi bệnh.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, viêm mũi họng là bệnh hay gặp ở trẻ, nhất là trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 75 – 80%), khi thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh đột ngột… Viêm mũi, họng tuy không nguy hiểm nhưng lại rất hay gây biến chứng làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ như giảm thị lực, viêm họng, ho kéo dài, viêm thanh – khí – phế quản…

Hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ bằng nước muối sinh lý

Nếu bị cảm, mũi của bé sẽ sản xuất dịch mũi để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn vào phổi. Khi ấy, dịch mũi có thể chảy xuống cổ họng, tràn ra khỏi khoang mũi nên khiến bé bị chảy nước mũi hay còn gọi là sổ mũi.

Nhất là khi trời lạnh, mũi của bé sẽ phản ứng lại với không khí lạnh bên ngoài trước khi luồng không khí này xâm nhập vào phổi. Những mạch máu nhỏ bên trong lỗ mũi bị kích thích nên chúng sẽ giãn nở, để sưởi ấm luồng không khí lạnh bên ngoài. Sự giãn nở của những mạch máu trong khoang mũi khiến mũi sản xuất nhiều dịch hơn.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Ánh Hồng – Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, vệ sinh mũi họng là việc biện pháp xử trí ban đầu khi trẻ bị viêm, theo Zing.

Nếu là viêm mũi nhẹ: bé có thể không cần uống thuốc, bạn chỉ nên giữ sức khỏe và đề phòng những dấu hiệu dị ứng ở bé. Bạn có thể vệ sinh mũi cho bé bằng dung dịch nhỏ mũi dành cho bé khoảng 1-2 lần/ngày. Nên ngâm ấm ấm lọ nước muối sinh lý nhỏ mũi xong rửa mũi cho bé.

Nếu nước mũi chảy ra trước có màu trắng trong, bạn nên thực hiện theo các bước sau đây:

– Để bé nằm ngửa, đầu ngửa nhẹ ra sau.

– Nhỏ nước muối sinh lý ấm vào mỗi mũi. Trẻ dưới một tuổi nhỏ 2-3 giọt, trẻ lớn hơn nhỏ 4-5 giọt.

– Đợi 1 lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.

– Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi cho trẻ.

Hướng dẫn rửa mũi cho trẻ (nguồn: Zing)

Bạn cũng có thể dùng tăm bông để vệ sinh mũi cho bé hàng ngày. Tuy nhiên, trước khi dùng tăm bông lau mũi cho bé, bạn nên cẩn thận nhúng đầu tăm bông vào một chén nước ấm.

Nếu dùng tăm bông bị khô, khi đưa vào khoang mũi của bé, những hạt bụi nhỏ li ti xuất hiện trên bề mặt tăm bông có thể bám vào khoang mũi bé, khiến bé dễ bị viêm hơn.

Lưu ý:

Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi bỏ ngay sau khi sử dụng (không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn).

Hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ bằng nước muối sinh lý

– Bên cạnh đó, để trẻ nhanh khỏi sổ mũi, bố mẹ cần chú ý đến chế độ ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.

– Chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.

Hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh… cho trẻ uống để chữa ho.

– Cha mẹ cần cần lưu ý giữ ấm cơ thể của con nhất là cổ, ngực, gan bàn chân khi thời tiết lạnh.

– Vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

– Ngoài ra, phụ huynh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Không tự ý dùng thuốc kháng sinh, không dùng lại đơn thuốc cũ của lần khám trước hoặc tự ý nhỏ các thuốc co mạch kéo dài cho trẻ.

– Đảm bảo môi trường sống tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội. Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây: người lớn hoặc trẻ em bị bệnh.

– Bạn nên giữ ấm vùng chân, tay, đầu cho bé nhưng không nên quấn bé quá chặt, dễ làm gia tăng tình trạng đổ mồ hôi. Bạn cũng tránh rửa mặt mũi, chân tay hoặc tắm cho bé bằng nước lạnh.

H.H