Jennifer Pratt, St. Paul, Mỹ được chẩn đoán ung thư xương tạo xương (Osteosarcoma) khi mới 11 tuổi. Trong suốt thời gian điều trị, Pratt đã nuôi mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những trẻ em mắc bệnh giống mình.
Theo CNN, Pratt mắc bệnh ung thư xương ác tính, tỷ lệ gặp 0.25/100.000/năm. Thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Minnesota, Pratt cảm nhận được tình yêu mà các bác sĩ, y tá dành cho cô. Pratt quyết tâm sau này sẽ trở thành một bác sĩ.
Hai mươi năm sau, giấc mơ đã trở thành sự thật khi cô mặc áo blouse trắng bước vào bệnh viện nơi cô đã điều trị căn bệnh ung thư trước kia. “Ung thư đã làm cho trẻ con mạnh mẽ hơn”, Pratt chia sẻ.
Hành trình trở thành bác sĩ của Pratt bắt đầu khi cô cảm thấy đau chân. Gia đình đã đưa cô vào Bệnh viện Nhi Minnesota chụp X-quang và phát hiện một khối u. Hai phương pháp điều trị phổ biến lúc đó là phẫu thuật và hóa trị. Trong một số trường hợp, xạ trị được sử dụng. Pratt đã có nhiều buổi trị liệu kéo dài hơn một năm và cuối cùng phẫu thuật tại viện Mayo ở Rochester, Minnesota.
Pratt nói, hóa trị liệu chữa ung thư thường rất căng thẳng. Cô phải truyền hóa chất trước và sau phẫu thuật. Với nghị lực kiên cường, Pratt đã khỏi ung thư xương và bác sĩ dự đoán bệnh sẽ không tái phát trong 20 năm sau.
Pratt đã tốt nghiệp trường y của Đại học Midwestern và quay trở lại bệnh viện nhi nơi cô đã điều trị để làm bác sĩ nội trú. “Tôi luôn muốn làm việc tại bệnh viện này”, Pratt nói, bởi vì nơi đây chất chứa những ký ức tuổi thơ của cô. Đặc biệt, cô hạnh phúc khi được tiếp xúc với bệnh nhi mỗi ngày, nhẹ nhõm khi thấy nụ cười của các bé khi được xuất viện về nhà.
“Đó là một trải nghiệm độc đáo, khi bạn mắc ung thư ở độ tuổi còn trẻ. Tôi đã vượt qua nó và trở thành bác sĩ để đồng hành cùng bệnh nhi”, Pratt nói với CNN.
H.H