Rau răm hay còn gọi là thủy liễu có vị cay tính ấm giúp chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc, sát trùng, mụn nhọt…
Rau răm có tinh dầu mùi thơm đặc trưng dễ chịu kích thích tiêu hóa tăng thêm hương vị món ăn. Nhiều món ăn dân dã thường dùng rau răm như trứng vịt lộn, thịt giả cầy, gỏi thịt gà, canh chua cá đồng, cháo lươn, trai, hến đều ngon thích hợp.
Ngoài ra, rau răm cũng là vị thuốc dân gian phòng trị nhiều bệnh. Bác sỹ Chu Đức Chung, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, trong Đông y, rau răm là vị thuốc có tác dụng chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc, sát trùng, đánh bay mụn nhọt, theo Đời sống Việt Nam.
Một số bài thuốc từ rau răm chữa mụn nhọt được bác sĩ Chu Đức Chung gợi ý:
Kết hợp rau răm và muối
Rất đơn giản, hãy lấy một ít rau răm tươi, đem ngâm rửa sạch với nước muối loãng cho thật sạch. Sau đó, để ráo nước rồi cho vào cối, thêm một ít muối sạch đem giã nát, chắt lấy nước cốt rồi bôi lên vùng da cần điều trị mụn. Lưu lại mặt nạ trị mụn tự nhiên này trên da khoảng 15-20 phút thì rửa sạch bằng nước mát. Thực hiện đều đặn 2 lần mỗi tuần.
Kết hợp rau răm và dưa chuột
Không quá cầu kì, việc cần làm là rửa sạch 2 thứ này, sau đó đem xay ép lấy nước. Trộn 2 thứ nước ép này lại với nhau theo tỉ lệ 1:1. Làm sạch da xong, thoa một lớp mỏng dung dịch này lên chỗ bị mụn. Đợi khoảng 20 phút cho đến khi lớp mặt nạ này khô thì rửa lại bằng nước mát là được. Thực hiện 2-3 lần mỗi tuần.
Kết hợp rau răm và chanh tươi
Chỉ cần ép rau răm lấy nước sau khi đã rửa sạch, thêm vài giọt nước cốt chanh tươi khuấy đều rồi bôi lên những nốt mụn. Đợi một lúc khoảng 20 phút thì rửa lại bằng nước mát là xong. Tuy nhiên, cách này cũng nên áp dụng thường xuyên 2 lần mỗi tuần.
Ngoài ra, rau răm còn chữa nhiều bệnh như đau bụng, say nắng, cúm…
– Kinh nghiệm dân gian ăn tôm cá bị đau bụng đi cầu, hái rau răm tươi giã vắt nước cốt cho uống hoặc sắc nước uống.
– Chữa mùa hè say nắng: rau răm 100g giã vắt nước cốt cho uống.
– Chữa cảm cúm: rau răm 50g, 3 lát gừng giã nhỏ vắt nước cốt uống.
– Chữa nước ăn chân: Rau răm giã nhỏ cho thêm muối đắp chỗ chân bị nước ăn.
– Chữa vết thương lở loét lâu lành: Rau răm sao tồn tính tán bột đắp vào nơi da lở loét.
– Chữa đứt tay chảy máu: Rau răm nhai nhỏ đắp nơi bị đứt tay.
– Chữa trẻ em nhiều rôm sẩy: rau răm 100g, cá diếc 1-2 con luộc chín lấy thịt nấu canh ăn nhiều lần.
Có nơi còn dùng rau răm làm thuốc thông tiểu, hạ sốt, tiêu hóa kém, trúng thực nôn mửa tiêu chảy, kiết lỵ.
Lưu ý: Rau răm nên dùng tươi phát huy tác dụng của tinh dầu tốt hơn.
Phương Nam