Nghiên cứu của Đại học Y khoa Northeast Ohio (Mỹ) cho thấy, chế độ ăn hạn chế tối đa lượng tinh bột có thể ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.   

Chế độ ăn ít tinh bột có thể ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp
Nghiên cứu được công bố trên tờ JNeurosci.

Theo The Daily Mail, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra chế độ ăn hạn chế tinh bột (chế độ ăn ketogenic, low carb) giúp giảm tần suất cơn co giật động kinh, bảo vệ não khỏi bệnh alzheimer và parkinson.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đến từ Đại học Y khoa Northeast Ohio, Mỹ, đã phát hiện, chế độ ăn ketogenic có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp.

Cụ thể, trong vòng 2 tháng, các chuyên gia đã cho chuột có nguy cơ tăng nhãn áp một chế độ ăn chứa 90 % chất béo.

Sau tám tuần, có sự gia tăng ty thể trong tế bào và tín hiệu tốt cho não. Chất chống oxy hóa trong cơ thể chuôt cũng gia tăng, làm giảm quá trình lão hóa.

Kết quả cho thấy, võng mạc của chuột được củng cố, bảo vệ chúng khỏi tăng áp lực nội nhãn.

Chế độ ăn ít tinh bột có thể ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp
Các nhà khoa học kết luận, chế độ ăn ketogenic có thể là phương pháp hỗ trợ điều trị các bệnh lý về mắt, đặc biệt là tăng nhãn áp. (Ảnh: Shutterstock)

Giáo sư Denise Inman, Đại học Y khoa Northeast Ohio, người tham gia dự án thông tin thêm, chế độ ăn hạn chế tinh bột buộc cơ thể đốt cháy chất béo để tiết kiệm năng lượng, lọai bỏ chất dư thừa. Phương pháp này làm gia tăng số lương tế bào não, hạn chế sự thoái hóa thần kinh, khiến cơ thể khỏe mạnh hơn.

Tăng nhãn áp (bệnh cườm nước) là bệnh lý thường gặp về mắt, xảy ra khi áp lực thủy dịch trong nhãn cầu tăng cao tạo áp lực lên mắt. Nếu áp lực nhãn cầu cao kéo dài sẽ chèn ép làm tổn thương thần kinh thị giác phía sau và có thể gây mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời.

Có bốn loại tăng nhãn áp chính: tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng, tăng nhãn áp bẩm sinh và tăng nhãn áp thứ cấp. Trong đó, tăng nhãn áp góc mở là bệnh phổ biến nhất.

Các loại tăng nhãn áp khác nhau sẽ có những triêu chứng và dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến là các dấu hiệu:

– Mắt bị sưng, có thể cảm thấy đau đột ngột hoặc dữ dội.

– Mắt nhìn không rõ, cảm giác chói mắt, luôn cảm giác như có lớp màng che trước mặt. Người bệnh đôi khi sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu, ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến thị lực. Do đó, bạn nên thăm khám định kì để phát hiện bệnh lý kịp thời.

H.H