Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây thương vong lớn. Phần lớn nạn nhân tử vong do ngạt khói, khí, hơi độc trước khi bị chết cháy. Vậy khi ở trong đám cháy, để tránh bị ngạt khói mọi người cần phải làm gì?

Ngạt khói rất nguy hiểm bởi nó gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp, gây tử vong rất nhanh.

Các triệu chứng tổn thương bị ngạt khí là khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da, lông, tóc… nặng thì bỏng đường thở, rối loạn các chức năng do nhiễm độc khí.

Nếu nhẹ, thường có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu; ở mức độ trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu; nặng sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong.

Những trường hợp tử vong do ngạt khí thường diễn ra rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.

Vậy, khi gặp đám cháy chung cư, mọi người phải xử lý thế nào để tránh bị ngạt khói, bảo vệ tính mạng?

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ cách để có thể ứng phó với tình trạng ngạt khí độc, cần nhận diện được loại hơi, khí, khói gây ngạt.

Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói

Sơ cứu nạn nhân về ngạt khói, bác sĩ khuyến cáo cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.

Khi được đưa đến phòng cấp cứu, nạn nhân sẽ được tiếp oxy, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và mức phản ứng của nạn nhân. Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng. Trong quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.

Cách để thoát khỏi đám cháy ở chung cư cao cấp:

Khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Do đó, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại.

Một số nguyên tắc cần lưu ý:

Mọi người cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại.

– Khi ở trong đám cháy, mọi người phải cố gắng hạn chế hít khói.

– Mọi người cần lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, mọi người có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị (nếu có).

– Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.

Cách xử lý để tránh bị ngạt khói trong đám cháy ở chung cư cao tầng
Hiện trường vụ cháy lúc 1h sáng nay (23/3), tầng hầm ở chung cư Carina Plaza ở số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, Tp.HCM (ảnh: Zing).

Khoảng 1h sáng nay (23/3), tầng hầm ở chung cư Carina Plaza ở số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, Tp.HCM bất ngờ bùng cháy dữ dội. Trong lúc hoảng loạn, hàng trăm cư dân la hét cầu cứu, nhiều người đu dây, nhảy từ tầng cao xuống.

Từ tầng hầm, đám cháy lan rất nhanh lên phía trên. Người dân hoảng loạn tri hô, chạy dồn hết lên các tầng trên cao. Một số người bị kẹt lại, không thể chạy, đã phải nhảy từ tầng 3 xuống để thoát thân.

Theo Thanh Niên, đến 8h sáng nay, có 13 người tử vong do ngạt khói (5 nam, 8 nữ), trong đó có 3 trẻ em; hiện chưa rõ danh tính, 27 người bị thương do ngạt khói, hiện đang được cấp cứu tại các bệnh viện.

Thống kê ban đầu, cảnh sát PCCC đã tổ chức thoát nạn cho khoảng 1.000 người, trực tiếp cứu được trên 150 người. Bảo vệ được khoảng 21.700m2 phần diện tích còn lại của chung cư (gồm một phần Block A, toàn bộ Block B, Block C) và hơn 400 xe ô tô, 800 xe gắn máy, ngăn chặn không để cháy lan sang các Block nhà khác.

H.H