Từ xưa tới nay, sống thọ là điều mọi người đều mong muốn và luôn tìm các phương pháp thực hiện. Ngoài gen di truyền, có một nhân tố quan trọng nhất dễ bị mọi người coi nhẹ, đó là mối quan hệ giữa sống thọ và tâm lý cân bằng. Đối diện với bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng không vội vã, tâm thái hòa ái bình thản, mới là bí quyết quan trọng để sống thọ.

Tại sao tâm thái lại có ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ?

Dưỡng thần (tinh thần, thần khí) là một phương pháp hiệu quả giúp kéo dài tuổi thọ. Thế sự khó lường, chừng nào “tâm” không bị thế giới bên ngoài lay động thì tất cả những vinh nhục, được mất ngoài kia đều không thể làm phiền, lùi lại một bước chính là biển rộng, trời cao.

Khổng Tử nói: Tại bang vô oán, tại gia vô oán, nghĩa là: Bất kể là ở đâu cũng đều không oán than, trách móc; rồi lại nói: Bất oán thiên, bất vưu nhân, có nghĩa: Giữ cho mình sự bình tĩnh, hòa nhã, tĩnh tại. Đặc biệt, những người bước vào tuổi trung niên dù là làm gì cũng phải giữ cho mình sự bình tĩnh, hòa nhã, tâm có tĩnh, khí có hòa thì cơ thể mới có thể khỏe mạnh, tuổi thọ mới được kéo dài.

Trang Tử nói: “Tâm thanh tất tịnh, vô lao nhữ hình, vô dao nhữ tinh, nãi khả trường sinh”, chữ “thanh” và chữ “tịnh” ở đây cũng có ý muốn nhấn mạnh “tâm tĩnh” và “khí hòa”, câu nói của Trang Tử có nghĩa là chỉ cần tâm thanh tịnh, thì chẳng cần phiền tới cơ thể hay tinh thần, bạn vẫn có thể trường sinh bất lão.

“Bất oán thiên, bất vưu nhân” – hãy giữ cho mình sự bình tĩnh, hòa nhã, tĩnh tại. (Ảnh: sohu.com)

Quản Trọng, một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc, thời Xuân Thu nói: “Ưu uất sinh bệnh, bệnh khốn nãi tử”, có nghĩa: Sầu muộn, u uất sẽ sinh bệnh; bệnh lâu ngày rồi sẽ chết dần chết mòn.

Mạnh Giao, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, thời Trung Đường cũng tin rằng: “Tình ưu bất tại đa, nhất tịch năng thương thần”, nghĩa là: Bi thương nhiều ít không quan trọng, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi thôi cũng có thể làm tổn thương tinh thần của ta. Qua đây, có thể thấy một đạo lý dưỡng sinh đó là chỉ cần tâm tịnh, tinh thần thông suốt thì quá trình lão hóa tự nhiên sẽ chậm lại.

Người có thể “trung hòa” ắt sẽ trường thọ, nhấn mạnh người bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên nên ăn uống điều độ, cư xử đúng mực, tư tưởng nên mở, nên khoan dung ra một chút, đây chính là bí quyết mấu chốt của “dưỡng sinh”.

5 bí quyết trường thọ của cổ nhân

1. Giấc ngủ là yếu tố quan trọng hàng đầu

Trong 100 nguyên tắc dưỡng sinh của Trung Quốc, giấc ngủ chất lượng là điều kiện được đưa lên hàng đầu. Đặc biệt, nếu mất ngủ vào giờ Tý (11h đêm – 3h sáng), Thận tạng sẽ bị hư tổn. Hơn nữa, Tâm Thận tương liên, Thận có tính thủy, nếu suy yếu sẽ khiến Tâm hỏa vượng, dễ hao tổn tinh thần. Chưa dừng lại ở đó, nếu có tâm tư bất an trước khi đi ngủ, chớ nên trằn trọc để tránh bị hao tâm tổn sức. Hãy nhớ cho ‘tâm’ ngủ trước rồi thân mới ngủ yên được.

2. Thuận theo tự nhiên là cảnh giới đỉnh cao

Khi một người xuất hiện trên đời, số phận của họ đã được an bài bởi số mệnh. Theo đó, nếu chúng ta có thể thuận theo vận mệnh, ắt sẽ luôn được bình an vô sự. Người có “ngộ tính” sẽ nhanh chóng đoán biết được, hiểu rõ điều gì nên làm, điều gì nên tránh.

Đó cũng là lý do mà việc dưỡng sinh không đơn giản chỉ mang tính bắt chước, bảo sao làm vậy. Chúng ta không thể sống theo người khác, mà phải đi từ trong tâm để tìm được “ngộ tính”, nắm bắt được số mệnh của mình. Như vậy, làm thế nào để biết được bản thân mình có đang “thuận theo tự nhiên” hay không? Việc này kỳ thực rất đơn giản: Nếu bạn có bệnh hoặc không được thoải mái, đó chính là hậu quả của việc “làm trái tự nhiên”.

3. Bổ khí tuy cần nhưng không được mù quáng

Cổ nhân đã rất chú trọng tới những bài thuốc có tác dụng bổ khí. (Ảnh: k.sina.com.cn)

Người ở vào giai đoạn thiếu khí, không nên mù quáng làm đủ mọi phương pháp để bổ khí, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”. Nếu rơi vào tình trạng thiếu khí do thiếu máu, việc cần làm trước tiên là bổ máu, bởi máu được ví như “mẹ” của khí. Ngược lại, khi bị thiếu khí do khí huyết không lưu thông, chúng ta lại cần tẩm bổ cả khí và huyết.

4. Lao tâm quá độ, bệnh tật vận vào thân

Tim bị ứ đầy sẽ không tiếp nhận khí nóng của Can, đồng nghĩa với Can khí bị tích tụ. Can thuộc Mộc, khắc với Tỳ Thổ, khí tích ở Can sẽ khiến Tỳ Vị bị bệnh, dẫn đến tiêu hóa bất ổn, dinh dưỡng không ngủ, giấc ngủ không an. Chưa kể tới việc Mộc khắc Thủy, mà Thận nằm trong hệ Thủy, Can bị tụ khí sẽ khiến Thận yếu do hỏa vượng. Trong khi đó, Tâm Thận tương liên, Thận bất ổn sẽ làm tim khí càng yếu và kéo theo cả các bệnh về phổi. Bởi lục phủ ngũ tạng đều có mối liên quan, nên một bộ phận bất thường sẽ tạo ra nhiều hệ lụy khôn lường.

5. Khí dĩ hành huyết, huyết dĩ bổ khí

Đây là quan điểm khẳng định mối liên hệ của khí – huyết. Theo đó, khí giúp huyết (máu) lưu thông, huyết lại làm chỗ dựa cho khí. Người bình thường nhìn lâu sẽ tổn huyết, nằm lâu hao tổn khí, ngồi lâu hại nhục (cơ), đứng lâu hại cốt (xương), đi lâu tổn thương cân (gân), thất tình lục dục quá độ sẽ hư hao nguyên khí, hại Tâm, hại Thận.

Đạo gia cho rằng: Khí – huyết của con người cũng là một cặp phạm trù âm – dương, trong đó huyết đóng vai trò là âm, khí là dương. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng, tác dụng qua lại và điều khiển lẫn nhau. Do đó, có một chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý sẽ giúp cơ thể cân bằng âm dương, khí huyết.

Thiếu khí sẽ khiến bệnh tật tích tụ, dễ bị tắc động mạch, ung thư. Ngược lại, khí quá vượng lại sinh ra những chứng bệnh về xuất huyết. Do đó, chỉ khi khí – huyết ở trạng thái đủ và cân bằng, cơ thể con người mới thực sự khỏe mạnh.

videoinfo__video3.dkn.tv||a165f0495__