Việt Nam được biết đến là đất nước có tỉ lệ ung thư cao, trong mấy năm gần đây, số bệnh nhân ung thư máu có chiều hướng tăng mạnh. Do đó, tìm hiểu về phương pháp điều trị bệnh ung thư máu sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân thêm an tâm và có những phương án cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Tỉ lệ ca bệnh ung thư máu ngày một gia tăng

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến ung thư máu. Tuy nhiên, ung thư máu có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như:

  • Ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường
  • Di truyền có liên hệ với bệnh bạch cầu
  • Yếu tố môi trường khác: virus, tia phóng xạ, hóa chất benzen, DDT, một số thuốc như Etoposid, Melphalan…
  • Bất thường nhiễm sắc thể: trẻ bị hội chứng Down, hội chứng Bloom hoặc Fanconi…
Ảnh: ViCare

Bệnh ung thư máu thường gặp ở độ tuổi trên 15 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ ung thư máu ở trẻ em ngày một gia tăng. Việc điều trị cho các ca bệnh ung thư máu phụ thuộc nhiều vào thể ung thư và thời gian phát hiện bệnh sớm hoặc muộn.

Những biện pháp điều trị ung thư máu

Phương pháp điều trị của ung thư máu là tổng thể, toàn diện. Đầu tiên phải chẩn đoán nhanh và chính xác để xác định bệnh đang ở giai đoạn, mức độ nào để có hướng điều trị phù hợp.

Ở người mắc ung thư máu giai đoạn đầu thì khả năng chữa khỏi là khá lớn. Dù vậy, tỉ lệ phục hồi hoàn toàn ung thư máu trên thế giới là không cao, chỉ khoảng 10%. Nguyên nhân do phần lớn bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối. Điều này càng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Hóa trị, xạ trị, cấy ghép tủy và liệu pháp sinh học là những biện pháp thường được áp dụng trong điều trị ung thư máu.

Hóa trị ung thư máu

Ảnh: civilized.life

Đa số các bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu đều được điều trị bằng hóa trị. Hóa trị liệu là việc sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị liệu được áp dụng cho người bệnh ung thư máu theo từng giai đoạn. Sau mỗi một đợt điều trị hóa chất sẽ là một giai đoạn hồi phục của người bệnh, rồi mới đến đợt truyền hóa chất khác.

Một số loại thuốc uống chống ung thư cũng được vào cơ thể người bệnh thông qua đường uống trực tiếp. Một số khác được tiêm thẳng vào tĩnh mạch hoặc truyền thuốc vào dịch não tủy theo chu kỳ.

Hóa trị ung thư thường hay gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn do hóa chất chống ung thư cũng tấn công cả những tế bào bình thường.

Sức đề kháng của người bệnh giảm, khiến người bệnh mất năng lượng, rụng tóc, dễ bầm tím và chảy máu. Các tế bào máu, tế bào gốc lông, tóc hay đường tiêu hóa là những tế bào dễ bị tổn thương bởi hóa chất.Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ từ từ biến mất trong giai đoạn hồi phục giữa các đợt truyền hóa chất.

Một số loại hóa chất chống ung thư máu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh. Đối với phụ nữ, kinh nguyệt có thể bị rối loạn, nhiều người cảm thấy có những triệu chứng như bị mãn kinh. Đối với nam giới, có thể bị ngưng tạo tinh trùng. Các bệnh nhân ung thư máu là nam giới thường hay chọn giải pháp giữ đông lạnh tinh trùng. Hầu hết trẻ em điều trị ung thư máu đều có khả năng sinh sản bình thường khi chúng lớn lên.

Xạ trị ung thư máu

Ảnh: CumarGold Kare

Liệu pháp phóng xạ – hay còn gọi là xạ trị ung thư – được sử dụng cùng với hóa trị đối với một vài loại bệnh ung thư máu. Biện pháp xạ trị sử dụng chùm tia lazer cường độ cao, có tác dụng làm tổn thương những tế bào ung thư máu, ngăn chúng phát triển. Các tia phóng xạ này được chiếu từ một máy lớn, các tia phóng xạ có thể được chiếu lên một bộ phận nhất định trên cơ thể người bệnh hoặc toàn bộ cơ thể người bệnh.

Bệnh nhân khi xạ trị có thể cảm thấy mệt mỏi. Do đó việc nghỉ ngơi, cũng như có một chế độ dinh dưỡng phù hợp là điều hết sức cần thiết.

Khi được xạ trị trực tiếp lên đầu, người bệnh thường bị rụng tóc, da đầu tại vùng chiếu xạ bị đỏ, khô, giòn và ngứa. Bệnh nhân không nên sử dụng bất kỳ loại nước hoa hay kem bôi lên vùng da chiếu phóng xạ nếu không được sự đồng ý của bác sĩ. Xạ trị cũng có thể gây nên hiện tượng bồn nôn, mất cảm giác ngon miệng. Những tác dụng phụ này thường chỉ mang yếu tố tạm thời.

Trẻ em (đặc biệt là những trẻ nhỏ tuổi) khi bị chiếu xạ trực tiếp lên phần đầu có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập. Vì lý do này, các bác sĩ luôn cố gắng điều chỉnh mức phóng xạ thấp nhất có thể để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ sau khi khỏi bệnh.

Ghép tủy xương điều trị ung thư máu

Ảnh minh hoạ

Ghép tủy có thể được áp dụng đối với người bệnh ung thư máu. Tủy xương sản sinh ra các tế bào bạch cầu đột biến sẽ bị phá hủy bởi hóa chất và phóng xạ, trước khi được thay thế bằng các tế bào tủy khỏe mạnh. Tủy xương dùng để thay thế thường là tế bào tủy của những người khỏe mạnh có cùng huyết thống hoặc có tế bào tủy tương ứng với người bệnh. Đôi khi, các bác sĩ cũng tiến hành lấy chính tủy xương của người bệnh để thay thế.

Các bác sĩ sẽ tiến hành tách tủy của người bệnh, tiêu diệt hết các tế bào ung thư rồi cấy ghép trở lại cơ thể người bệnh. Đây là phương phá hiệu quả nhất, giúp cho khoảng 50% bệnh nhân kéo dài cuộc sống.

Những bệnh nhân được ghép tủy xương thường phải nằm viện điều trị trong vài tuần. Cho đến khi tủy xương mới sản sinh đủ tế bào bạch cầu, người bệnh sẽ được bảo vệ trong điều kiện vô trùng để tránh nhiễm trùng.

Liệu pháp sinh học điều trị ung thư máu

Kháng thể đơn dòng được tách chiết và sử dụng trong điều trị các loại ung thư. (Ảnh: ted.com)

Liệu pháp sinh học là việc điều trị ung thư máu bằng phương pháp truyền kháng chất thể đơn dòng vào người bệnh, tác động tới hệ miễn dịch của người bệnh, cải thiện khả năng kháng tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh tật và làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư. Chất kháng thể là một mẫu của liệu pháp sinh học được sử dụng đối với một vài loại bệnh bạch cầu. Interferon là chất dùng trong liệu pháp sinh học.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, hết các bệnh nhân khi đến khám thì bệnh đã nặng (thiếu máu, xuất huyết…). Thậm chí có bệnh nhân các tế bào ác tính đã di căn sang bộ phận khác của cơ thể mới đến bệnh viện. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh ung thư máu thông qua các dấu hiệu nhận biết bệnh sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn, từ đó tiên lượng cho người bệnh cũng tốt hơn. Bệnh nhân ung thư máu cần được tái khám định kỳ và được các bác sĩ sẽ kiểm tra tiến triển bệnh một cách chặt chẽ để đảm bảo ung thư không tái phát.

BS. Thu Trang