Ông Bùi Công Hiệp (Quận 9, Sài Gòn) và gia đình đã làm giấy trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng có tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi.
Mái ấm Thiên Thần ở khu Phố Ông Nhiêu (Quận 9) do ông Hiệp đứng tên là nơi nuôi dưỡng và chở che cho gần 80 mảnh đời thiệt thòi mồ côi: đứa bị mẹ ruồng rẫy, đứa không nơi nương tựa, đứa thì mồ côi… Mỗi đứa trẻ một mảnh đời khác nhau, nhưng đều giống ở hai chữ bất hạnh.
Vợ ông Hiệp, bà Phạm Hoàng Lan, kể lại, năm 2010 có hai dì cháu từ miền Trung vô Sài Gòn làm gần xưởng cơ khí của gia đình. Cô cháu đi làm công nhân “bị người ta gạt có em bé”. Người cháu sau đó để lại con cho dì nuôi nhưng vì người dì khó khăn quá nên được một thời gian cũng phải về quê và để lại em bé nhờ vợ chồng bà Lan nuôi giúp.
Con gái lớn của ông bà nhận em bé làm con nuôi, rồi như một nhân duyên, sau lần đó, một, hai, ba rồi đến mấy chục người… cứ đem con tới “gửi”. Không đành lòng nhìn những đứa trẻ bơ vơ, vợ chồng ông Hiệp bà Lan quyết định nhận con nuôi đến tận bây giờ. Hiện tại, mái ấm Thiên Thần có 85 trẻ mồ côi. Đứa nhỏ nhất hơn hai tháng tuổi, những đứa lớn thì đã vào lớp 1.
Ông Hiệp thuê 10 bảo mẫu thay phiên chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, những việc như nấu ăn, đưa đón các con đi học, cho các con ngủ trưa, ngủ tối đều do ông tự tay làm.
Cô Võ Dung Hạnh (quản lý mái ấm), chia sẻ: “Hằng ngày, 4 giờ sáng là chú dậy nấu ăn cho các con. Ăn xong, chú lái xe đưa đi học. Về là chú xuống bếp dọn rửa, nấu bữa trưa. Ròng rã như vậy đã bảy, tám năm nay rồi”.
Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng rất quan tâm việc khi lớn lên, các con sẽ có những kỹ năng sống cần thiết như bơi lội, ngoại ngữ, tin học…
Theo ông, không nên đặt áp lực cho lũ trẻ vào các kiến thức học ở trường mà nên chú trọng cả đến các kỹ năng để các con sinh tồn, bảo vệ bản thân. Còn ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để con phát triển, hòa nhập với thế giới. “Tôi muốn con có phẩm chất của một người tử tế, đặc biệt là trái tim rộng mở và cuộc sống hạnh phúc” – ông Hiệp trải lòng.
Theo lời kể của những người ở mái ấm Thiên Thần, để nuôi dạy trẻ tốt hơn, rảnh tay là ông Hiệp đem sách ra đọc, có cả sách tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Buổi tối, sau khi cho các con ngủ, ông lên mạng học tiếng Anh, đọc thêm tài liệu thêm tới tận đêm khuya. Ông chia sẻ, mình cần phải đọc sách nấu ăn để nấu cho các con đủ chất, đặc biệt phải hiểu về giáo dục, bởi tương lai các con sẽ trở thành công dân toàn cầu, nên mình cần biết để chuẩn bị đầy đủ kỹ năng cho chúng. Đặc biệt là phải học tiếng Anh để sau này còn nói chuyện với tụi nó!…
Dù nhận được tình thương bao la từ các cha mẹ nuôi, lũ trẻ vẫn luôn khao khát được gặp người sinh ra mình. Hiểu được điều đó, ông Hiệp cẩn thận lưu giữ lại hết những dấu vết, đồ vật trên người các bé lúc nhận, với mong muốn sau này các con lớn lên sẽ dễ dàng tìm lại được mẹ. Ông cũng nhờ những người mẹ đem con đến gửi đứng tên trong giấy khai sinh của các bé, để sau này, nếu có ai muốn quay lại tìm con thì vẫn còn cơ hội gặp.
Thế nhưng, dường như những người mẹ dứt lòng bỏ con lại đây không hiểu được sự chờ đợi, mong ngóng của những đứa trẻ và tấm lòng của ông Hiệp. Từ khi ông Hiệp nhận bé đầu tiên, đã hơn 7 năm, số cha mẹ tới thăm con chỉ đếm trên đầu ngón tay, mỗi lần thăm cũng không quá 30 phút, và gần như không thấy thăm lại lần hai. Lần nọ, có bé gặp bệnh nguy kịch, ông gọi điện: “Tôi xin lỗi làm phiền cô. Tại vì bé nó bệnh nặng quá nên tôi gọi điện báo cho cô biết. Nếu rảnh thì cô ghé thăm”. Lúc ấy, người ta còn cự lại: “Tôi đã gửi chú rồi tại sao còn gọi điện quấy rầy tôi làm chi?”.
Dù những đứa trẻ bất hạnh vì bị cha mẹ ruồng bỏ, nhưng đổi lại chúng lại có những “người mẹ, người cha” không chung dòng máu nhưng yêu thương chăm sóc các con hơn cả máu mủ, tình thân. Âu cũng là một niềm an ủi lớn trong đời.
Cảm ơn ông Hiệp và gia đình, cảm ơn mái ấm Thiên Thần và cảm ơn tất cả những con người tử tế vẫn đang ngày đêm thầm lặng làm đẹp cho đời.
Những trái tim lương thiện luôn ngập tràn yêu thương chính là nguồn cảm hứng để những ai còn đang bi quan về cuộc sống một lần nữa được thắp lên hy vọng, rằng cuộc đời vẫn còn những gam màu tươi sáng đáng để chúng ta trân trọng, biết ơn.
Ngày thấy được những yêu thương trong lòng chính là những ngày nắng đẹp và lòng mình cũng vì thế mà rộn rã, tươi vui.
Bạn đang đọc bài viết: “Người đàn ông tặng gia tài 100 tỷ cho trẻ mồ côi: Cảm ơn những con người ngày đêm làm đẹp cho đời” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |