Chúng ta vẫn tưởng rằng đồ dùng một lần được thiết kế gần đây để phục vụ cuộc sống hiện đại bận rộn, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức của con người. Tuy nhiên, một phát hiện gần đây cho thấy ý tưởng này đã được triển khai từ rất nhiều năm trước.
Bạn có từng nghĩ đến hình ảnh một chiếc cốc dùng một lần nằm trong một phòng trưng bày của bảo tàng, vẫn hoàn toàn nguyên vẹn ngay cả khi đã bị bỏ đi cả ngàn năm không? Đây không phải là viễn cảnh trong tương lai đâu! Một chiếc bát 3.600 tuổi được thiết kế để sử dụng một lần rồi bỏ đi, tới đây sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở London.
Chiếc cốc bằng đất sét được chế tạo bởi người Minoan – thuộc nền văn minh Minos, thời đại đồ đồng, ở đảo Crete, Hy Lạp. Văn minh Minos phát triển phồn thịnh vào khoảng từ năm 2700 tới năm 1450 trước Công Nguyên.
Hàng ngàn chiếc cốc được thiết kế để đựng rượu đã được phát hiện tại các điểm khảo cổ trên đảo. Các chuyên gia cho rằng những chiếc cốc này được thiết kế để sử dụng một lần và bỏ đi sau bữa tiệc.
“Giới thượng lưu đã thể hiện sự giàu có và địa vị của họ bằng cách dùng chúng trong những bữa tiệc và lễ hội lớn”, Julia Farley, người phụ trách Bảo tàng Anh, nói với hãng tin PA Media.
“Mọi người đã tụ tập lại trong những bữa tiệc và giống như ngày nay, không ai muốn dọn dẹp cả”, Farley nói thêm.
Chiếc cốc sẽ được trưng bày tại triển lãm “Rác thải và chúng ta” tại Bảo tàng Anh, cùng với những sản phẩm sử dụng một lần hiện đại hơn và có tuổi thọ cao hơn chúng ta nghĩ, bao gồm cả một chiếc cốc giấy sáp đựng đồ uống nóng trên các chuyến bay và ở các sân bay vào những năm 1990.
“Mọi người có thể rất ngạc nhiên khi biết rằng cốc dùng một lần không phải là phát minh của xã hội hiện đại chúng ta, mà thực tế đã có từ hàng ngàn năm trước”, Farley chia sẻ.
“3600 năm trước, người Minoan đã sử dụng chúng vì một lý do rất giống với chúng ta ngày nay: để phục vụ đồ uống trong các bữa tiệc. Sự khác biệt duy nhất là vật liệu”, cô nói. “Chúng ta hiện nay đánh giá đồ gốm là vật liệu có giá trị cao hơn, vậy nên nghe có vẻ lạ khi bỏ đi chỉ sau một lần sử dụng. Nhưng cũng giống như nhựa ngày nay, đất sét thời ấy sẵn có, giá rẻ, dễ mua, dễ đúc. Và cũng như nhựa, đất sét mất rất, rất nhiều năm để phân hủy”.
Bao bì đang chất đầy các bãi chôn lấp và gây ô nhiễm đại dương. Các vật liệu như nhựa và polystyrene có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy.
Trong khi một số chính phủ và các công ty đang thực hiện các biện pháp để giảm thiểu việc sử dụng đồ dùng một lần, chúng ta đã bắt đầu nhận thấy được tác động của sự ô nhiễm đối với thế giới tự nhiên.
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những con chim biển đang trở nên nhỏ hơn, nhẹ hơn và phải chịu đựng một loạt các vấn đề sức khỏe sau khi ăn phải đồ nhựa trên các đại dương. Gần 1 triệu đôi giày và hơn 370.000 bàn chải đánh răng nằm trong số hơn 400 triệu đồ dùng nhựa gần đây đã được tìm thấy bị cuốn trôi vào một quần đảo xa bờ ở Ấn Độ Dương.
Hãy giảm thiểu sử dụng đồ nhựa và đồ dùng một lần để góp phần bảo vệ môi trường, bạn nhé! Đây không phải trách nhiệm của riêng tôi hay riêng bạn, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta đối với Mẹ Thiên Nhiên.
Huyền Thanh
Theo CNN
Video xem thêm: Câu chuyện 9 đôi giày của ông Vương