Minh và Phương là đôi bạn thân từ tấm bé. Vì hai người cha cũng là những người bạn thân từ thời kháng chiến, lại cùng lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó như nhau nên tình cảm của hai cậu càng thêm thân thiết.
Minh học hành chăm chỉ nên thi đỗ đại học, còn Phương học kém, hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, ba bệnh tật triền miên nên phải bỏ học ở nhà đi làm. Thế nhưng hai người bạn vẫn thân thiết và yêu quý nhau như anh em một nhà.
Ngày mùng 3 tết năm đó, Minh và Phương cùng nhóm bạn rủ nhau đá bóng khai xuân và chuẩn bị tiễn Minh ra Hà Nội. Trong lúc nhóm đang đá bóng, một nhóm thanh niên khác tới tranh giành sân nên xảy ra xô xát. Phương vốn nóng nảy đã lao vào đánh túi bụi. Biết tính bạn, Minh vào can ngăn. Nào ngờ, trong lúc hỗn loạn Phương đã vô tình gây ra cái chết cho Minh.
Hôm ấy, ba của Minh và Phương đang ngồi uống trà cùng nhau. Đó là trà do Phương hái từ tận Thái Nguyên về, còn chiếc ấm là quà ở Hà Nội của Minh. Vậy mà… trà còn chưa kịp uống thì tin dữ đến như sét đánh bên tai, hai người đàn ông đã quá tứ tuần nhìn nhau chết lặng…
Gia đình Minh dù rất quý Phương, coi như con cái trong nhà nhưng vẫn không thể nào tha thứ cho kẻ đã gây ra cái chết của đứa con trai độc nhất; còn gia đình Phương thì đau buồn, thương cho con trai của bạn, lại giận con trai mình sao gây ra cái chết thương tâm… Tình cảm hai gia đình như vụn vỡ.
Ngày phiên tòa diễn ra, Phương cúi đầu, khóc xin lỗi và mong gia đình Minh tha thứ. Sau đó, cậu bị tòa án tuyên phạt bảy năm tù. Suốt thời gian ở tù, Phương vẫn không thể nào tha thứ cho bản thân, những hình ảnh về Minh vẫn luôn in rõ trong tâm trí Phương khiến cậu càng ân hận về hành vi của mình.
Có lần ở tù tổ chức cắt tóc cho các tù nhân, tự nhiên Phương bật khóc vì nhớ tới Minh. Ngày bé, vì nhà nghèo nên hai đứa vẫn thường tự dùng kéo cắt tóc cho nhau. Phương vụng về nên cắt cho Minh chỗ lồi chỗ lõm còn Minh khéo tay nên cắt cho cậu rất đẹp. Vậy mà… hành động nông nổi của Phương đã khiến Minh ra đi mãi mãi. Đau khổ, dày vò, hối hận, có lần Phương đã lén trộm con dao lam rồi cắt lưỡi tự sát. Tuy nhiên, mọi người trong phòng giam phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời…
Hơn một tháng sau ngày xử án, lần đầu tiên Phương được đón người nhà vào thăm. Không ai khác chính là ba của Minh. Không một câu la mắng, không một lời oán trách, gia đình Minh đã hoàn toàn tha thứ cho Phương. Ông mang quà cho Phương, động viên cậu cố gắng cải tạo, còn Phương chỉ biết khóc nức nở.
Cũng kể từ ngày đó, cứ cách hai tháng, ba Minh lại vào thăm Phương một lần. Ông mang cho cậu những nhu yếu phẩm cần cho cuộc sống hằng ngày, có khi mang thêm những chiếc bánh gai do chính tay mẹ Minh làm. Ông cũng thay Phương chăm sóc người cha thương binh, bệnh tật của cậu nơi quê nhà.
Hàng xóm láng giềng thấy vậy thì ngạc nhiên lắm, họ cứ thắc mắc tại sao gia đình Minh lại dễ dàng tha thứ cho kẻ đã giết con mình như vậy. Ông Thanh, ba của Minh chỉ ôn tồn nói:
“Giận dỗi hay hận thù thì mọi chuyện cũng đã rồi. Bản thân Phương hay ba Phương cũng chẳng mong có kết cục thương tâm này. Tôi không muốn vì hận thù mà mất đi tình cảm huynh đệ, hàng xóm bấy lâu nay”.
Ngày Phương ra tù, vì sức khỏe ba cậu yếu không đi lại được, ba Minh đã thay bạn vào đón. Dù nhận được sự tha thứ của gia đình Minh nhưng Phương vẫn không thể nào quên được sai lầm của mình, cảm giác tội lỗi cứ âm ỉ khiến Phương dày vò bản thân. Biết được điều này, ba Minh lại tỉ tê khuyên nhủ và động viên Phương về nhà phụ vợ mình bán hàng.
Ngày làm giỗ cho Minh, ba mẹ cậu đã quyết định nhận Phương làm con nuôi. Thắp nén hương lên mộ bạn, Phương nghẹn ngào:
“Mình sẽ trở thành một người con tốt để thay bạn chăm sóc ba mẹ của chúng ta”.
Gạt đi những giọt nước mắt, ba Minh vỗ về:
“Nơi chín suối, thằng Minh sẽ mỉm cười vì con gọi ta bằng ba”…
Rồi mấy tháng sau, Phương có bạn gái. Sau khi tìm hiểu, cô chấp nhận về làm vợ Phương. Ngày đám cưới, bà con lối xóm đều đến mừng cho hạnh phúc của Phương. Bên chiếc ghế đã sờn, mẹ Minh ngồi têm trầu mời khách còn ba Minh bóp chân cho người bạn già và trò chuyện với sui gia.
Một người hàng xóm trầm trồ: “Cứ nghĩ gia đình nhà Minh sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho Phương, nào ngờ không những tha thứ mà họ còn thương yêu, lo lắng cho Phương như con cái trong nhà. Khó ai lại có tình, có nghĩa và giàu lòng vị tha như vậy”…
* Đây là câu chuyện có thật xảy ra ở Thanh Hóa, tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Thiện Nam