Esther là một cô gái xinh đẹp đến từ Goma, thành phố nằm ở phía Đông của Cộng hòa Congo. Ngắm nhìn những bức ảnh rạng rỡ và tràn đầy sức sống của Esther, ít ai có thể nghĩ rằng cô là đứa con sinh ra từ bạo lực tình dục tại đất nước Trung Châu Phi này.
Nhưng Esther không phải là nạn nhân duy nhất. Trên khắp đất nước Congo, hàng ngàn phụ nữ đã trở thành đối tượng của bạo hành gia đình, của lạm dụng tình dục, của bất bình đẳng, và bất công xã hội.
Trong các cuộc xung đột, nội chiến, hay chiến tranh, bạo lực tình dục còn được sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại. Đây không chỉ là cách để hủy hoại thể xác và tinh thần của đối phương, mà còn là để tiêu diệt các sắc tộc và làm nhục kẻ thù. Không ít phụ nữ đã bị đẩy vào những hoàn cảnh khốn cùng nhất, phải trở thành nô lệ tình dục hoặc phải lao động cưỡng bức trên các cánh đồng để gia tăng lương thực cho quân đội. Đáng buồn hơn nữa là những ý nghĩ sai lầm rằng cưỡng hiếp phụ nữ sẽ mang lại sức mạnh huyền bí trong chiến tranh…
Cho dù ở bất cứ lứa tuổi hay giai đoạn nào trong cuộc đời, phụ nữ cũng là nạn nhân của tình dục và bạo lực: ở nhà, trong trường học, tại nơi làm việc, hay giữa những khu vực đang xảy ra xung đột.
Với sự quan tâm đặc biệt đến giá trị và nhân phẩm con người, nhiếp ảnh gia Patricia Willocq đã sử dụng ống kính của mình để lên tiếng bênh vực cho những người phụ nữ bất hạnh ở Congo. Nhưng thay vì ghi lại hình ảnh khủng khiếp và đầy thương cảm như cách chúng ta vẫn thường làm, Patricia quyết định thể hiện chủ đề ấy từ góc độ nhân phẩm và vẻ đẹp con người trong một dự án mang tên: “Look at me, I am beautiful” (tạm dịch: Hãy nhìn tôi, tôi thật xinh đẹp!)
“Có thể kể đến rất nhiều câu chuyện kinh khủng về những người phụ nữ sống sót từ bạo lực tình dục ở Congo… Nhưng chúng tôi quyết định không làm vậy, không phải bởi chúng tôi đang phớt lờ con số đáng sợ các trường hợp được công bố mỗi ngày ở một số vùng miền Congo, cũng không phải là thờ ơ trước nỗi đau và bất hạnh của những phụ nữ này. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt họ, khi chúng tôi thấy họ nở nụ cười, thấy họ chăm sóc con cái mình (thường là những đứa trẻ sinh ra từ bạo lực tình dục), thấy họ đấu tranh để tái hòa nhập xã hội, chúng tôi không thể không tự hào và nhìn thấy tương lai tươi sáng dành cho họ” – chia sẻ từ Patricia Willocq và các cộng sự trên trang Facebook của dự án “Look at me, I am beautiful”.
Bộ ảnh “Look at me, I am beautiful” được thực hiện từ 8/2014, kể về một nhân vật có tên là Esther. Trải qua các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời: từ khi sinh ra, cho đến những bước đi chập chững đầu tiên, rồi trưởng thành, gây dựng gia đình và sự nghiệp, Esther đã tỏa sáng với vẻ đẹp của chính mình. Tất cả trẻ em xuất hiện trong ảnh đều là những đứa con sinh ra từ bạo lực tình dục, và những phụ nữ trong vai Esther cũng từng bị lạm dụng. Nhưng họ không còn là nạn nhân nữa, mà đã biết đứng dậy để quyết định tương lai cho bản thân mình.
Một trong những bức ảnh của Patricia đã được trao giải thưởng Alfred Fried Photography Award 2015 với danh hiệu ‘bức ảnh đẹp nhất về chủ đề hòa bình’.
Hình ảnh người phụ nữ (Esther) ôm đứa con trong vòng tay mình là một biểu tượng mang đầy tính nhân văn. Còn những bông hoa trên đầu súng là tượng trưng cho hòa bình đang nảy nở. Trên bối cảnh chiến tranh, phụ nữ vốn rất yếu ớt, mong manh, nên cần được bảo vệ bởi người đàn ông của họ, đặc biệt là các thành viên trong quân đội. Sống giữa sự bao bọc và chở che ấy, phụ nữ sẽ có thể nuôi dạy con cái và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Bộ ảnh “Look at me, I am beautiful”:
Không chỉ ở Congo mà tại rất nhiều quốc gia khác, những nạn nhân của bạo lực tình dục có thể bị xã hội ruồng bỏ hoặc coi khinh. Vì vậy, bộ ảnh “Look at me, I am beautiful” của Patricia chính là lời nhắn nhủ rằng: Cho dù bất cứ điều gì đã xảy ra, nhưng họ vẫn luôn xinh đẹp. Họ cũng mong muốn một cuộc sống bình thường, một tương lai tốt đẹp, và họ không nên bị nhìn nhận hoặc đối xử khác biệt với chúng ta.
Hồng Liên tổng hợp
Xem thêm: