Nếu là người từng tham dự nhiều buổi diễn thuyết hoặc hội thảo bạn sẽ dễ dàng bắt găp những kiểu bắt đầu bài thuyết trình tẻ nhat theo một mô tuýp nhàm tai. Vậy có cách nào bắt đầu một bài thuyết trình mà có thể khiến cả hội trường phải chăm chú lắng nghe hay không? Hãy cùng chúng tôi tham khảo một phương pháp hữu hiệu được diễn giả Conor Neill chia sẻ trong buổi đào tạo diễn thuyết của mình.

Thông thường khi bắt đầu buổi thuyết trình chúng ta sẽ nhấc Micro lên và nói vài điều như sau: “Xin chào, tôi là Conor Neill, đến từ Tango. Tôi là diễn giả và chuyên gia đào tạo kỹ năng phát triển bản thân. Và hôm nay tôi sẽ nói về xu hướng mới nhất trong các chiến lược giám sát”. Thật là tẻ nhạt và lãng phí!

Diễn giả Conor Neill (Ảnh: What I say when I have Nothing to say/Youtube)

Vì sao điều này lại được xem là lãng phí? Bởi vì những gì vị diễn giả giới thiệu thực tế đã có trong tờ tài liệu mà người tham dự đang cầm trên tay, việc lặp lại những thông tin này khiến người nghe cảm thấy thất vọng. “Ông ấy là chuyên gia trong lĩnh vực này, chúng tôi biết điều ấy, hôm nay ông đến để nói về chủ đề này, và làm ơn hãy bắt đầu đi nhanh vào vấn đề mà chúng tôi cần quan tâm!” – Đó thực sự là những gì mà khán giả nghĩ trong đầu.

Một cách khác dễ nhận ra hơn chính là để cho sự lúng túng lấn át tất cả mọi kế hoạch của bạn. Thường thì với những người ít khi đứng trước đám đông, dù họ là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, họ vẫn không dễ vượt qua được nỗi sợ thuyết trình. Nhưng đầu xuôi thì đuôi lọt, chỉ cần ta có thể vượt qua những giây phút hồi hộp đầu tiên và thu hút sự chú ý của khán giả. Cách diễn đạt trong bài thuyết trình sẽ trở nên trôi chảy hơn.

Diễn giả Conor Neill đưa ra ba cách để bắt đầu một bài thuyết trình hấp dẫn mà người viết xin tạm phân chia thành 3 cấp độ: Thượng, Trung, Hạ

Hạ – Hãy đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi là cách để bạn tìm thấy điểm chung giữa bài thuyết trình và điều mà khán giả quan tâm (Ảnh: republica.ro)

Tưởng tượng bạn bước vào một bữa tiệc và cố bắt chuyện với những người không quen biết. Cách tốt nhất để tạo ra mối liên hệ và khiến người đối diện bị thu hút bởi lời chào hỏi của bạn chính là nói về người mà cả hai đều cùng quen biết. Có nghĩa là, mục tiêu trong những giây đầu tiên, bạn phải khiến người lạ mặt cảm thấy bạn thân quen, không hề xa lạ. Chúng ta có thể nói về mối quan hệ của mình với chủ bữa tiệc, về việc anh ta tuyệt vời ra sao, và hỏi thăm người kia có mối quan hệ như thế nào với anh ấy? Xác suất thành công sẽ cao hơn rất nhiều so với cách thông thường.

Bí quyết tương tự cũng dành cho những buổi thuyết trình. Những người ngồi phía dưới có rất nhiều người không biết bạn, họ cũng không hiểu rõ về chủ đề bạn sẽ nói. Nhưng trong đầu họ đều có rất nhiều câu hỏi muốn bạn giải đáp,và một số câu hỏi trong đó khá phổ biến và cực kỳ hấp dẫn. Đây chính là điểm chung mà bạn có thể nắm lấy.

Đặt một câu hỏi quan trọng cho khán giả, một câu hỏi mà tất cả mọi người đều quan tâm hoặc họ tò mò muốn giải đáp. Ví dụ: Làm cách nào để có thể ngủ 4 tiếng một ngày, và dành thời gian còn lại cho những công việc bạn yêu thích? Hay “làm cách nào để nâng gấp đôi lợi nhuận kinh doanh từ việc bán hàng Online chỉ với việc kiểm soát chi phí sản xuất? Tôi sẽ trả lời câu hỏi đó trong bài thuyết trình ngày hôm nay”.

Trung – Bắt đầu với một mẩu thông tin gây sốc

Hãy nói ra những sự thật ấn tượng (Ảnh: TED Talk)

“Số người sống trên trái đất hiện nay nhiều hơn cả số người đã chết trước đó”, “Theo tính toán, tại Trung Quốc, mỗi năm có thể có từ 60.000 – 100.000 ca phẫu thuật ghép tạng phi pháp từ tù nhân lương tâm”, “Cứ mỗi 2 phút năng lượng mặt trời cấp cho Trái Đất năng lược để chúng ta dùng đủ cho một năm”. Tất cả những sự thật trên là những điều ít người biết đến, đáng ngạc nhiên và dễ dàng khiến khán giả đặt câu hỏi: “Tại sao? Đều này có chính xác không? Họ làm cách nào để ước tính?” Sự tương tác giữa diễn giả và người nghe bắt đầu từ đây.

Người nghe muốn nghe nhiều hơn để trả lời câu hỏi của mình, người nói sẽ bắt đầu chia sẻ về chủ đề đó để thỏa mãn người nghe.

Thượng – Cách tốt nhất mà Coron Neill đề xuất

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng thích nghe kể chuyện (Ảnh: gettyimages.com)

Hãy đối xử với khán giả như những đứa trẻ, bời vì chúng ta đều có điểm chung là thích nghe kể chuyện.

“Vào tháng 11 năm nay, lần đầu tiên tôi tới thăm Quảng Trường Tự Do ở Đài Bắc, ở đó có tới hàng ngàn người đang ngồi thiền trong tĩnh lặng. Điều này thật không bình thường, và tôi cố tìm kiếm nguyên do. Tôi đã có một trò chuyện nhỏ với vài người tham gia sự kiện. Họ kể cho tôi những câu chuyện mà tôi chưa từng nghe trước đó. Tôi ngỡ ngàng vì có một bí mật như thế đang diễn ra ở một miền đất cách đó không xa. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa chính là khi càng tìm hiểu sâu về bí mật này, tôi càng ngỡ ngàng và thu nhận thêm nhiều điều màu nhiệm cho cuộc đời mình. Ngày hôm nay, sau khi nghiền ngẫm và trải nghiệm nhiều điều về nó, tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của tôi cho các bạn”.

Không phải chủ đề nào cũng có thể hấp dẫn người nghe ngay trong những giây đầu tiên, nhưng một câu chuyện hấp dẫn thì có thể cuốn hút người ta từ trước khi họ hiểu bạn đang nói về cái gì. Một câu chuyện hấp dẫn là một câu chuyện mà ở đó các yếu tố kịch tính đan xen với sự khéo léo trong việc lựa chọn nhân vật của câu chuyện.

Hàng ngàn người đang ngồi thiền trong tĩnh lặng ở Quảng Trường Tự Do ở Đài Bắc (Ảnh: minghui.org)
(Ảnh: minghui.org)

Diễn giả Neill cho rằng con người luôn là điều mà khán giả muốn nghe. Bạn có thể đang giới thiệu về loại Thực Phẩm Chức Năng của công ty bạn, nhưng hãy lồng vào đó câu chuyện về những khách hàng đặc biệt đã từng trải nghiệm sản phẩm đó. Ví dụ như người hàng xóm của bạn đã thực sự vượt qua nỗi ám ảnh thừa cân như thế nào cùng với sản phẩm đó. Cái độc giả quan tâm không phải là công dụng của thuốc được liệt kê trên các trang giấy, trước tiên bạn phải thuyết phục họ rằng có những trường hợp đã vượt qua, và bạn cũng phải thuyết phục khán giả rằng câu chuyện mà bạn kể không thể nào cưỡng lại.

Nếu bạn muốn kể câu chuyện về công ty khởi nghiệp của mình, đừng tập trung vào sự kiện, hãy tập trung vào con người, nhưng ai đã tham gia, họ đã làm gì, điều gì thôi thúc họ, và câu chuyện đó kết thúc tốt đẹp ra sao… Quả thật có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời để lôi cuốn người nghe mà ta vẫn thường bỏ phí.

Ba phương pháp đặt vấn đề cho bài thuyết trình chỉ là một trong những yếu tố đầu tiên để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ của bạn trên bục diễn thuyết. Thế nhưng ông cha ta có câu: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Vì vậy đừng bỏ qua những mẹo nhỏ này, chúng có thể giúp bạn xây dựng thành công bài thuyết trình còn hơn cả bạn tượng tượng nữa đấy.

Nguyên Trực