Ông là một doanh nhân thành đạt, đồng thời cũng là nhà phát minh với vô số giải thưởng danh giá. Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành công như ngày hôm nay ông đã kiên cường vượt lên số phận, đi lên bằng chính đôi tay của mình.

Ở vùng nông thôn miền núi của huyện Nam Đầu, Đài Loan, có một đứa trẻ tên là A Đàm. Cậu bé A Đàm mắc bệnh bại liệt khi mới 3 tuổi, nên không thể đứng dậy và đi lại như bình thường. Mỗi khi di chuyển cậu phải bò trên mặt đất, bụng và ngực áp sát xuống sàn khiến cả đầu gối, chân, và lòng bàn tay đều chảy máu và để lại rất nhiều sẹo, ai cũng gọi cậu là một “con cá sấu”. 

Năm A Đàm 7 tuổi, bố cậu dạy cách dùng hai bàn tay cho vào giày để đi lại dễ dàng hơn. Đó cũng là năm cậu bé đến tuổi đi học, nhưng mẹ cậu vì lo sợ con trai bị chê cười và bạn bè bắt nạt, nên đã không cho cậu đến trường.  

Lên 9 tuổi, hiệu trưởng trường kiến nghị mua cho cậu bé chiếc xe ba bánh và nhờ các bạn cùng trường giúp cậu bé đi học. Những hôm trời mưa, xe ba bánh dính bùn đất trên đường núi, tiến lùi cũng không được, các bạn học đều đi trước, bỏ lại A Đàm một mình chịu mưa. 

6 năm sau, ông Trời không phụ lòng người có tâm, A Đàm tốt nghiệp tiểu học với thành tích đứng đầu toàn trường, chỉ tiếc rằng trên núi không có trường cấp hai. A Đàm hỏi cha mình: “Sau này con nên làm thế nào?”. Cha cậu bé cũng hỏi ý kiến của rất nhiều người, có vị nói: “Để nó đi đánh giày đi”, cũng có vị nói: “Đi học điêu khắc”, lại có người nói: “Đưa cho nó một cái bát, bảo nó đến bến xe, người ta sẽ ném tiền vào đó”. A Đàm nghe xong, buồn bã đến dưới gốc cây lặng lẽ khóc. 

Không lâu sau, ngôi trường cấp 2 được xây dựng ngay bên cạnh trường tiểu học. A Đàm thầm nghĩ trong lòng: Có lẽ ông Trời đã nghe thấy tiếng lòng của mình, không từ bỏ mình. Từ đó cậu càng thêm nỗ lực học tập, 3 năm sau đã có thể tốt nghiệp trường THCS Phong Ưng với vị trí đứng đầu. 

Sau đó A Đàm theo học trường cấp ba kỹ thuật Đài Trung, rồi đại học Phùng Giáp và lại tốt nghiệp với vị trí đứng đầu. 

A Đàm nói: “Khi gặp khó khăn, tôi thường nghĩ đến cách giải quyết vấn đề chứ không để khó khăn đánh bại”. 

Cậu bé A Đàm trong câu chuyện trên chính là Lưu Đại Đàm, một doanh nhân có tiếng tại Đài Loan. Trong những ngày đầu xin việc Lưu Đại Đàm đã bị hơn một trăm công ty từ chối, thậm chí còn bị bảo vệ đuổi ra khỏi cửa, nhưng cuối cùng cũng có một công xưởng quyết định “thử dùng” cậu. Lưu Đại Đàm nỗ lực làm việc, không quan tâm đến tiền lương và những giờ làm tăng ca. Khi người khác chỉ đưa ra một kế hoạch, cậu vẫn chăm chỉ tăng ca để đề xuất 5, 6 kế hoạch khác nhau cho ông chủ lựa chọn. Cũng nhờ thái độ làm việc chân thành, tận tụy, cậu đã nhận được sự công nhận và khen thưởng của ông chủ. Cũng từ đó, A Đàm từ tổ trưởng thăng chức lên trưởng phòng thiết kế, và sau đó là giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển, mức tiền lương cũng cao nhất cả xưởng. 

Ảnh chụp Lưu Đại Đàm trong một bài viết đăng trên Epochtimes (ảnh chụp màn hình).

Sau này, trong lớp học thư pháp Lưu Đại Đàm quen biết một cô gái xinh đẹp và có tài năng nghệ thuật, cả hai sớm có tình cảm mến mộ nhau. Nhưng cha cô gái lại nhất quyết phản đối, ông nói không muốn gả con gái cho một người “dùng tay đi bộ”. Lưu Đại Đàm khi đó đã lấy hết dũng khí và can đảm nói với người có thể là ‘bố vợ tương lai’ của mình rằng: “Cháu chỉ có đôi chân không đi lại được nhưng cơ thể khỏe mạnh, phẩm hạnh và tính trách nhiệm đều rất tốt, lương của trưởng phòng thiết kế cũng rất ổn định. Và điều quan trọng nhất là cháu rất yêu con gái bác…”. Sau một đêm nói chuyện, cuối cùng anh cũng nhận được cái gật đầu đồng ý. 

Ngày hôm nay, ở tuổi 63, Lưu Đại Đàm đã là một doanh nhân thành đạt với người vợ đẹp như hoa và ba cô con gái xinh xắn lay động lòng người. Không những thế, ông còn có sự nghiệp của riêng mình, trở thành vị chủ tịch sáng giá của một công ty thiết kế. 

Lưu Đại Đàm chia sẻ rằng: Trước kia, ông từng vào khu triển lãm ô tô, các nhân viên ở đó nhìn thấy ông liền lảng tránh, ai cũng nghĩ rằng ông đến xin tiền. Lưu Đại Đàm cũng hỏi một nhân viên bán hàng: “Tôi muốn mua xe”, nhưng không hề có ai quan tâm đến. Ngày hôm sau, ông lại vào khu triển lãm, đồng thời nhờ quản lý ngân hàng rút cho ông 60 vạn tiền mặt mang đến. Khi đặt chiếc hòm tiền lên bàn, các nhân viên bán hàng mới niềm nở tiếp đón, mời ông uống trà, uống cà phê.

Sau khi trả tiền, Lưu Đại Đàm lấy ra các dụng cụ và một vài thiết bị trong túi xách, dùng tuốc nơ vít lắp chiếc thanh sắt trên van tiết lưu và chân phanh, lúc đó, van tiết lưu và phanh đã có thể được điều khiển bằng tay. Ba mươi phút sau, Lưu Đại Đàm lái xe đi trong sự sững sờ và bối rối của các nhân viên bán hàng.

Một ngày nọ, ông nhận được tin có một vị khách bị mắc kẹt trong thang máy suốt 2 tiếng đồng hồ. Vì vậy, ông đã phát minh ra chiếc thang máy an toàn, có thể xuống tầng trong trường hợp mất điện. Phát minh này đã sớm được trao bằng sáng chế và giải thưởng Golden Brain.

Những phát minh của Lưu Đại Đàm có nhiều vô số kể. Ông nói, cả đời này điều ông làm tốt nhất là “sử dụng phế thải”. Ông vốn tàn tật về thân thể nhưng luôn coi trọng bản thân mình, không bao giờ buông xuôi, ngược lại biết sử dụng bộ não và đôi tay của mình để trở thành nhà phát minh hàng đầu tại Đài Loan.

Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng khác nhau, trong đó có: “Giải nhất phát minh toàn quốc, giải thưởng Tâm Trí Vàng”, “Huy chương vàng Sáng chế Quốc tế Geneva”, “Huy chương vàng Phát minh Quốc tế Đức”, “Mười giải thưởng Tài năng Khoa học và Công nghệ Xuất sắc”, “Giải thưởng Nghiên cứu Đổi mới cho Bộ Kinh tế của Bộ Kinh tế”… Đồng thời, ông còn là nhà phát minh khuyết tật đầu tiên trên thế giới.

Theo Secretchina
Ngọc Linh biên dịch

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

videoinfo__video3.dkn.tv||992717e50__